Thứ ba 14/05/2024 00:01

Những góc khuất cuộc đời cũng cần được tôn trọng trong tự truyện của Công Vinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau khi ra mắt, tự truyện “Phút 89” của Công Vinh gây nhiều tranh cãi khi tiết lộ rất nhiều góc khuất, động chạm tới hàng loạt tên tuổi nổi tiếng của làng bóng đá Việt.  

Tự truyện Phút 89 của Công Vinh dài hơn 300 trang, viết về cuộc đời, sự nghiệp và tình yêu của anh. Tự truyện do nhà báo Trần Minh chấp bút. Công Vinh cho biết, lý do anh viết tự truyện này xuất phát từ lời khuyên của vợ - nữ ca sĩ Thủy Tiên. “Tôi đã từ chối anh Trần Minh rất nhiều, nhưng vợ tôi nói rằng: Hay anh viết cuốn sách để lấy tiền làm từ thiện. Điều này vừa có phước cho anh, vừa mang lại điều tốt đẹp cho những em nhỏ nghèo ở miền quê Nghệ An, những em nhỏ có hoàn cảnh giống như anh ngày trước”, Công Vinh cho biết.

Nữ ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ: “Tôi cảm thấy anh Vinh có câu chuyện đáng để kể lại. Ngoài kia có rất nhiều cậu bé có ước mơ trở thành một cầu thủ như anh Vinh, nên đây không phải là cuốn sách riêng về cuộc đời anh Vinh mà còn truyền cảm hứng để rất nhiều bạn trẻ có nghị lực theo đuổi ước mơ…”.

Bên cạnh việc chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp và tình yêu của Công Vinh, cuốn tự truyện Phút 89 còn lột tả những góc khuất của làng bóng đá khi nhắc đến những tên tuổi của làng bóng đá Việt như các cựu HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam: Alfred Riedl, Henrique Calisto, đàn anh Lê Huỳnh Đức, các đồng đội như Văn Quyến, Tấn Tài, Văn Quyết, Phan Thanh Bình,…

nhung goc khuat cuoc doi cung can duoc ton trong
Công Vinh trong buổi ra mắt tự truyện. Ảnh: Ê-kíp Công Vinh

Sau khi ra mắt, cuốn tự truyện của Công Vinh ngay lập tức làm dậy sóng dư luận với những tranh cãi, phản hồi từ chính người trong cuộc cũng như công chúng. HLV Lê Thụy Hải là người lên tiếng quyết liệt nhất. Trong tự truyện, Công Vinh dành hẳn một chương để nói về những tranh cãi của anh với HLV Lê Thụy Hải khi cả hai cùng làm việc tại CLB Bình Dương vào năm 2014.

Công Vinh tiết lộ rằng, nhiều tân binh của Bình Dương đều được nhắc khéo phải “biếu chút quà cho thầy để dễ làm việc”. Nhưng Công Vinh cho biết anh đã từ chối làm điều này bởi anh muốn khẳng định và chứng minh năng lực thật sự trên đôi chân của mình. Ngay cả khi sắm vai tiền đạo số 1 tại ĐTQG, Công Vinh không được ông Hải “lơ” ngó ngàng và phải ngồi dự bị suốt thời gian dài.

Phản pháo lại học trò cũ, ông Lê Thụy Hải cho biết: “Tôi không muốn thanh minh mà chỉ muốn mọi người đánh giá sự việc công bằng, biết đâu là đúng sai. Tôi về Bình Dương, được hưởng tiền lót tay, hưởng lương 100 triệu/tháng, đội vô địch được thưởng riêng 1 tỷ đồng, thế thì lấy tiền của ai làm gì nữa…Cỡ như Công Vinh, tên tuổi như thế, thường xuyên đánh bóng mà phải bỏ tiền ra vào đội hình chính thức thì nghe buồn cười lắm. Và nếu có chuyện nhận tiền như thế thật thì có những trận, khi đội thắng rồi để vừa lòng lãnh đạo CLB, tôi không cho vào sân vẫn cố sống cố chết để vào”.

Trong cuốn tự truyện, Công Vinh cũng nhắc đến đồng đội cũ là Lê Tấn Tài. Anh cho biết Tấn Tài không bao giờ chuyền bóng cho mình cả ở CLB Bình Dương và đội tuyển quốc gia. Phản hồi về những gì Công Vinh nói, Tấn Tài cho biết Công Vinh cũng có nhiều chuyện xấu mà anh và mọi người đã không kể ra. “Mối quan hệ của tôi và Công Vinh tại Bình Dương hoàn toàn bình thường, tôi vẫn kiến tạo để cậu ta ghi bàn. Còn ở đội tuyển, Vinh nói tôi và Văn Quyết không chịu chuyền bóng là vô căn cứ. Tôi đá tiền vệ, thấy đồng đội nào ở vị trí thuận lợi thì chuyền cho người đó. Làm gì có chuyện phân biệt này nọ”, Tấn Tài bức xúc.

Phan Thanh Bình cũng là cầu thủ được Công Vinh đưa vào tự truyện. Dưới thời HLV Alfred Riedl, Công Vinh và Thanh Bình là 2 cái tên cạnh tranh quyết liệt cho suất đá chính bên cạnh Văn Quyến. Công Vinh cho rằng sự ưu ái của ông Riedl dành cho Phan Thanh Bình đã khiến anh không có được vị trí xứng đáng.

Phan Thanh Bình cũng lập tức phản pháo: “Tôi chưa đọc cuốn tự truyện đó của Công Vinh, nhưng thông qua bạn bè và mạng xă hội thì có biết cậu ta nói HLV Alfred Riedl thương tôi như con nên tôi được xếp đá chính. Cậu ta dù đã nhận Quả bóng vàng nhưng phải dự bị…Tôi nói đơn giản như thế này, thời điểm đó tôi hay hơn, có được phong độ tốt nên HLV Alfred Riedl xếp mình đá chính, chơi bên cạnh Văn Quyến là chuyện bình thường. Thời điểm đó, Công Vinh không thể nào sánh ngang với tôi và Quyến được”.

Cựu tiền vệ Lê Quốc Vượng - đồng đội, cũng là đàn anh của Công Vinh ở tuyển quốc gia và SLNA cũng nêu quan điểm: “Anh rất tôn trọng cái nỗ lực của em để được như ngày hôm nay. Em đã cố gắng phấn đấu rất nhiều. Em đã ở vị trí nhiều người mơ ước…Nhưng đáng lẽ, em không nên nói những điều thuộc về riêng tư cá nhân và không nên cho mình cái quyền phán xét người khác dù anh biết em nói cũng đúng phần nào sự thật”.

Trước những phản hồi gay gắt từ HLV Lê Thụy Hải cũng như các đồng đội cũ, Công Vinh giải thích: “Trong tự truyện tôi không hề nói hay khẳng định rằng ông Hải ăn tiền cầu thủ, vui lòng đọc sách đàng hoàng... mà tôi chỉ kể về câu chuyện lý do tôi đẩy tôi vào sự đấu trí của bản thân… Trong tự truyện này tôi chẳng nói ai là người xấu, mà chỉ kể lên những sự cố của riêng bản thân tôi dưới góc nhìn của riêng tôi... nên không thể nào nói tôi nói xấu ai hay dìm hàng ai được. Chẳng ai đi đánh giá một người nào đó xấu vì họ không thích một ai đó cả. Tôi thừa nhận đó là thất bại của tập thể cũng là thất bại của tôi, vì tôi cũng là một phần của tập thể”.

Anh cũng không quên nhấn mạnh: “Trong tự truyện còn rất nhiều những con người, những câu chuyện tốt đẹp truyền cảm hứng, phải đọc toàn cảnh để cảm nhận những câu chuyện dù gai góc vẫn nhẹ nhàng, đọc xong hãy phán xét đừng thiển cận, chửi bới”.

Chuyện người nổi tiếng viết tự truyện kể về cuộc đời, sự nghiệp ngày càng nhiều trong những năm gần đây. Đây là việc làm chính đáng để họ có thể giãi bày, chia sẻ về những góc khuất cuộc đời chưa từng được nói ra để công chúng hiểu hơn.

Tuy nhiên, việc có đưa những câu chuyện nhạy cảm vào tự truyện hay không, đưa như thế nào lại là điều người nổi tiếng cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi nếu nói không đúng hay không khéo sẽ gây ra những hiểu lầm đáng tiếc cho dư luận, khiến người liên quan cảm thấy bức xúc và bị tổn thương, ảnh hưởng đến các mối quan hệ cũng như hình ảnh của chính nhân vật chính. Hơn nữa, vì những tranh cãi trái chiều, gây phẫn nộ mà những thông điệp tốt đẹp, các câu chuyện nhân văn khác trong tự truyện dễ bị lu mờ.

Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành cho biết tùy nội dung cuốn sách, nếu bị kiện vì viết không đúng sự thật, Cục sẽ xem xét thu hồi để xử lý. Theo ông Hòa, sách được phát hành nghĩa là đã qua cấp phép. Theo quy định hiện nay, chỉ cần cá nhân hoặc đơn vị đăng ký, có nội dung hợp lý, không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục là được cơ quan quản lý đồng ý cho phát hành. Bộ Thông tin và truyền thông, Cục Xuất bản chỉ chịu trách nhiệm quản lý hậu kiểm.
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động