Nhọc nhằn người lao động mưu sinh ngày nghỉ lễ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVới anh Thắng, ngày nghỉ lễ cũng như ngày thường. Ảnh: Minh Anh |
Tranh thủ ngày nghỉ để tăng thu nhập
Tranh thủ lúc đỡ việc, anh Nguyễn Văn Thắng, SN 1983, quê ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cầm chai nước nhâm nha từng ngụm. Trong ít phút nghỉ ngơi sau một chuyến hàng chở hoa quả cho khách dưới chân cầu Long Biên, không quá nhiệt tình, anh chậm rãi chia sẻ cuộc sống của mình cho chúng tôi.
Anh kể, công việc của anh bao gồm cả bốc vác hàng lên xe và giao đến địa chỉ theo yêu cầu của khách hàng. Anh chủ yếu chở hoa quả thuê cho các chủ cửa hàng trong chợ đầu mối Long Biên. Nói nặng nhọc cũng không hẳn, nhưng những cung đường cùng áp lực chạy đúng giờ cũng khiến anh mệt mỏi. Anh cho biết, công việc giao hàng là công việc tạo ra nguồn thu nhập chính nên anh bám trụ với công việc này đã vài năm nay.
Gia đình anh Thắng vốn làm nông, đã vậy lại đông con nhiều cháu. "Vợ ở quê quanh ra quẩn vào với vài sào ruộng, nhưng bởi 3 đứa con nheo nhóc nên có muốn đi làm cũng không được. Tôi đi làm xa rồi nhà nên cô ấy phải đảm đương chăm sóc và đưa đón các con đi học", anh Thắng nói.
Có nghĩa vợ và các con ở nhà tự chăm sóc nhau, có vấn đề gì thì trông cậy vào ông bà nội ở quê. Một mình anh lên trên Hà Nội tìm việc làm để kiếm thu nhập lo toan cho các con đi học bằng bạn, bằng bè.
Công việc của anh là chở hàng theo tháng nên gần như không có ngày nghỉ. Với những lao động tự do như anh Thắng, có lẽ ngày nghỉ lễ cũng giống như những ngày bình thường, khi mà gánh nặng cơm gáo gạo tiền vẫn đè nặng lên đôi vai anh hằng ngày.
Khi nói chuyện về mức thu nhập, lúc này mới thấy anh có chút tươi tỉnh trong lời nói. Anh bảo, trung bình 1 tháng anh kiếm được hơn 10 triệu. “Tháng cao điểm có thể lên đến 12 hoặc 15 triệu đồng nhưng thường không đều” – anh bảo. Như vậy, một ngày đi làm, anh kiếm trung bình từ 300 đến 500 nghìn đồng.
"Nghe thu nhập vậy thôi nhưng cũng chẳng bao giờ tiết kiệm được đồng nào", anh Thắng cười.
Anh cho biết, chi phí 1 tháng trên Hà Nội của anh bao gồm tiền thuê trọ, tiền ăn, xăng xe… “Thuê trọ tạm bợ trong khu trọ lụp xụp với chi phí chưa đến 1 triệu đồng/ tháng/ phòng. Công việc thường xuyên ở ngoài đường nên điện nước cũng không đáng là bao. Chỉ lo xăng xe đi lại và tiền ăn uống, còn lại tôi gửi về quê cho vợ con”- anh nói.
Những ngày lễ này, nhìn mọi người tấp nập đi chơi với gia đình, anh cũng có chút thoáng buồn. Nhưng với những người lao động làm thời vụ như anh, có công việc kiếm thu nhập để lo cho gia đình là phải tranh thủ.
Không về quê vì sợ tốn kém
Cũng giống như anh Thắng, nhiều người dân lao động vẫn miệt mài, tất bật từ sáng sớm để mưu sinh. Không có thứ 7 chủ nhật, nghỉ lễ lại càng là điều xa xỉ.
Bà Nguyễn Thị Thương, SN 1961, ở Thanh Xuân, nhanh tay rút quả bóng đưa cho khách sau đó lúi húi cột lại chùm dây buột bóng cho gọn ghẽ. Bà kể, bà bị bệnh thận từ khi còn trẻ, cuộc sống thời gian gần đây của bà thường xuyên ra vào Bệnh viện (BV) để lọc máu.
“Miệng ăn núi lở chứ đừng nói đến những người bệnh mãn tính như chúng tôi. Mặc dù có thẻ bảo hiểm, được BV miễn phí cũng nhiều nhưng vẫn cần có thêm tiền để mua thuốc thang, cầu lọc… bên ngoài. Nếu không tranh thủ lúc khỏe để mà kiếm tiền thì ai lo” – bà nói. Để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, khi khỏe bà Thanh tranh thủ đạp xe đi bán bóng dạo, dọc các tuyến phố đi bộ.
Đưa đôi mắt mệt mỏi, trầm buồn nhìn những người qua lại trên phố, bà bảo, phố dù có đông người đi nhưng giờ số người bán bóng, đồ chơi cho trẻ em như bà cũng nhiều nên cơ hội cũng phải chia sẻ bớt đi. Có hôm đứng từ sáng đến chiều bà bán được chưa đến 10 quả bóng.
“Từ khi bệnh tật là không dám nghĩ đến ngày nghỉ lễ. Bởi lẽ, do sức khỏe phập phù, đi lại, đứng bán được ở đây đã là tốt rồi. Chứ có những lúc nằm bệt ra đấy vì đuối sức thì nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ cũng như nhau mà thôi” – bà tâm sự.
Cũng giống như bao người lao động tự do khác, chị Nguyễn Thị Tuyết, SN 1980, Long Biên cho biết, ngày nghỉ lễ không mấy khi chị về quê. Quê chị ở Phú Thọ, mỗi lần về quê ngoài chuyện chi phí xe cộ, lại thêm tiền quà bánh cùng với chút đỉnh cho người này người kia… “Mặc dù không quá nhiều, nhưng cũng là một khoản với người lao động chúng tôi. Vậy nên ngày nghỉ lễ, thường tôi sẽ ở trên này làm chứ không về quê cho đỡ tốn kém” – chị Tuyết bảo.
Chị cho biết, bình thường chị làm phụ bếp cho một bếp ăn công nhân ở Khu công nghiệp ở ngay tại quận Long Biên. Ngày nghỉ, ngày lễ chị nhận thêm công việc quét dọn nhà theo giờ cho những người dân sống ở các chung cư trên địa bàn quận. “Công việc cũng không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, biết việc và buộc phải hiểu cả tính chủ nhà. Có điều do làm lâu năm nên tôi cũng có lượng khách quen nên cũng đỡ phát sinh các mâu thuẫn hay không hài lòng từ chủ nhà…” – chị cho biết.
Mỗi giờ lau dọn nhà của chị Tuyết có giá từ 60 – 70 nghìn đồng, ngoài tiền làm phụ bếp thường nhật thì số tiền làm thêm những ngày nghỉ, ngày lễ cũng khiến gia đình chị dễ thở hơn. “Tôi là lao động chính trong gia đình, nuôi ông chồng và 2 đứa con. Chồng làm công nhân xây dựng nhưng phải ở nhà do mất sức mấy năm nay rồi nên chẳng có thu nhập. Hai đứa con thì đều đang ở tuổi ăn học nên chi phí cũng nhiều lại trông cậy vào mình tôi.”
Gia đình ở quê nhiều lần cũng gọi lên thắc mắc sao không thấy vợ chồng con cái về, nhưng chị Tuyết cho biết, những ngày nghỉ, ngày lễ khi người ta đi chơi, về quê nghỉ ngơi lại là lúc chị tăng thu nhập, vậy nên cả năm có khi chị chỉ về quê đợt Tết.
Ngày nghỉ, ngày lễ với nhiều người là ngày quần tụ gia đình. Nhưng với những lao động nghèo hằng ngày oằn mình kiếm từng đồng thu nhập, ngày ấy họ lại vất vả hơn bao giờ hết. Với họ, ngày nghỉ lễ cũng không khác gì ngày thường khi mà nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đau đáu trong đầu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại