Nhiều vụ cướp ngân hàng táo tợn: Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa ngăn chặn?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác ngân hàng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm |
An ninh ngân hàng chưa siết chặt
Thời gian gần đây, tại Hà Nội và một số tỉnh thành trên cả nước xảy ra các vụ cướp ngân hàng với phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi và hành động của các đối tượng ngày một liều lĩnh. Bằng vũ khí nóng, tội phạm sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng và tước đoạt mạng sống của người khác để thực hiện bằng được hành vi cướp tài sản.
Theo đó, khoảng 9g ngày 7-3, Nguyễn Văn Hiếu, SN 1991 và Nguyễn Thanh Tùng, SN 1981 xông vào phòng giao dịch VietinBank ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, dùng hung khí uy hiếp nhân viên. Dọc đường ôm tiền bỏ chạy, chúng va chạm giao thông với người đi đường nên đánh rơi phần lớn tiền cùng một khẩu súng. Đến sáng 8-3, Hiếu và Tùng bị bắt.
Phân tích về các vụ cướp ngân hàng xảy ra trong thời gian qua, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nhiều vụ cướp ngân hàng thời gian gần đây cho thấy hệ thống an ninh, lực lượng bảo vệ ngân hàng ở một số nơi chưa tốt, lực lượng bảo vệ thiếu chuyên nghiệp, không có kỹ năng xử lý tình huống khi bị tấn công. Các đối tượng sử dụng công cụ hỗ trợ, thậm chí súng nhựa cũng đã khiến cho lực lượng bảo vệ ngân hàng tê liệt, để đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi cướp tài sản rồi bỏ trốn.
Luật sư Nguyên cho rằng, trong nhiều vụ cướp ngân hàng thời gian gần đây thấy có lỗi của lực lượng bảo vệ khi không có phản ứng gì để tích cực, ngăn cản, gây khó khăn cho đối tượng khi thực hiện hành vi cướp tài sản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ cướp ngày càng xảy ra nhiều hơn.
Các đối tượng cướp tài sản tại ngân hàng nhanh chóng bị bắt giữ bởi thường các đối tượng "làm liều" chứ không phải là những băng cướp chuyên nghiệp. Những đối tượng đã để lại rất nhiều dấu vết, thông tin, hình ảnh tại hiện trường qua hệ thống camera giám sát, những người làm chứng và các dấu vết để lại trên hiện trường vụ án.
Luật sư cho rằng, ngân hàng là nơi tập trung, lưu trữ nhiều tiền bạc và luôn là mục tiêu nhìn ngó của tội phạm hình sự. Vì vậy, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường hơn nữa công tác an ninh tại trụ sở làm việc. Họ có thể bổ sung lực lượng bảo vệ ngay cả bên trong ngân hàng nếu “khách hàng” có biểu hiện nghi vấn thì có thể báo động từ xa và chủ động hơn trong việc phòng ngừa các hành vị phạm tội, đồng thời cũng hạn chế được sự liều lĩnh của những kẻ cướp.
Phương án nào để ngăn chặn hiệu quả?
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xảy ra, Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh, tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, trong đó cần chú ý:
Hệ thống camera giám sát cần cả bố trí công khai và bí mật có khả năng theo dõi, kiểm soát được từ xa bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch, video thu được phải chất lượng tốt, có màu sắc và độ phân giải cao, rõ nét để phục vụ quá trình điều tra, truy xét, nhận dạng đối tượng gây án, phương tiện sử dụng, hướng đến và đi của đối tượng.
Lắp đặt hệ thống báo động và phát tín hiệu khẩn cấp được kết nối với cơ quan Công an sở tại gần nhất và được bố trí tại những nơi nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận, bí mật kích hoạt.
Xây dựng đội ngũ nhân viên bảo vệ đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy, bố trí trong và ngoài cửa đảm bảo nhân viên bảo vệ là người phát hiện ngay lập tức vụ cướp và có phương án đối phó.
Đặc biệt, chú ý cảnh giác trong những thời điểm ít khách giao dịch, có lưu lượng tiền lớn. Trang bị công cụ hỗ trợ được pháp luật cho phép sử dụng để nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ và ngăn chặn các vụ cướp.
Tổ chức tập huấn cho nhân viên ngân hàng các kỹ năng cần thiết để sớm phát hiện, đối phó với các vụ cướp ngân hàng xảy ra. Thường xuyên cập nhật các thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng để phổ biến cho nhân viên, bảo vệ các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh.
Chú ý nâng cao tinh thần cảnh giác, điều chỉnh các quy định làm việc, tiếp khách, hạn chế các sơ hở để đối tượng cướp ngân hàng lợi dụng gây án. Yêu cầu khách đến giao dịch phải bỏ che mặt, mũ bảo hiểm, bố trí khu vực ngồi chờ riêng với khu vực giao dịch. Dán thông báo để nâng cao tinh thần cảnh giác cho khách hàng và răn đe các đối tượng.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa trong quá trình vận chuyển tiền của ngân hàng như: cẩn trọng trong bố trí thời gian, cung đường di chuyển, phương tiện chuyên dụng, phương án bảo vệ và cách xử lý khi gặp các tình huống bất ngờ khi vận chuyển tiền trên đường hoặc khi chuyển tiền từ phương tiện xuống các địa điểm giao dịch, bốt ATM…
“Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng xã hội. Kịp thời phát hiện các hội nhóm thiếu lành mạnh, có tính chất lôi kéo, kích động thực hiện hành vi phạm tội. Khi những người có suy nghĩ tiêu cực, nhận thức hạn chế hội tụ với nhau thì dễ nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực”, luật sư Nguyên nêu giải pháp.
“Trường hợp những người lập nên hội nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" với mục đích kết nối tội phạm, khuyến khích cổ xúy thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cướp, thì trước hết có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng với hành vi cung cấp thông tin, kích động bạo lực trên mạng xã hội được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 14/2022/NĐ-CP. Theo tôi, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, loại bỏ những nhóm như thế này để là trong lành môi trường mạng", luật sư Nguyên phân tích. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại