Nhà khoa học nữ góp công lớn trong xây dựng và triển khai các đề án chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiúp chẩn đoán, điều trị tối ưu các bệnh lý tim mạch cho bệnh nhân
Định hướng nghiên cứu chính của PGS. TS Trương Thanh Hương là về bệnh lý tim mạch bẩm sinh và di truyền; dược lý học di truyền trong cá thể hóa điều trị bệnh tim mạch; phát triển các kỹ thuật mới về siêu âm tim, điện tim.
Những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật của PGS.TS Trương Thanh Hương phải kể đến công trình “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam”, đã xây dựng thành công quy trình sàng lọc, chẩn đoán và quy trình phát hiện gen đột biến gây bệnh tăng cholesterol máu gia đình bằng kỹ thuật sinh học phân tử tại Việt Nam và chuyển giao đến các cơ sở y tế. Ước tính, tại Việt Nam có gần 500 nghìn bệnh nhân mắc bệnh này nhưng ít người phát hiện sớm và được điều trị. Chính vì vậy, công trình nghiên cứu của bà giúp nhiều bệnh nhân và gia đình có thể tiếp cận được việc chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tối ưu, giảm chi phí điều trị biến chứng.
PGS.TS Trương Thanh Hương- một tấm gương phụ nữ tri thức giàu đam mê và tình yêu thương (Ảnh: NVCC) |
Bên cạnh đó, kết quả từ hai đề tài “Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc Clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam”, “Hợp tác nghiên cứu vai trò của siêu âm Doppler tim trong hướng dẫn lập trình tối ưu hóa hiệu quả của máy tạo nhịp tái đồng bộ tim ở bệnh nhân suy tim nặng” đều được công nhận và chuyển giao để sản xuất chíp sinh học ứng dụng cho việc cá thể hóa điều trị thuốc chống ngưng tập tiểu cầu ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam, điều trị thành công các bệnh nhân suy tim nặng ở các cơ sở y tế. Việc sử dụng chíp sinh học trong điều trị có thể giảm tối đa các biến chứng và tử vong, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho đất nước.
PGS.TS Trương Thanh Hương đã chủ trì và tham gia 19 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học; có 75 bài báo khoa học với nhiều quy trình được áp dụng thực tiễn. Cụ thể, đã xây dựng thành công quy trình sàng lọc, chẩn đoán và quy trình phát hiện gen đột biến gây bệnh tăng cholesterol máu gia đình bằng kỹ thuật sinh học phân tử tại Việt Nam. Xây dựng thành công mô hình quản lý sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi chăm sóc bệnh nhân mắc tăng cholesterol máu gia đình ở bệnh viện và khu dân cư tại Việt Nam.
Cầu nối của ngành Y tế Việt Nam với quốc tế
Là giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, bên cạnh việc giảng dạy, PGS.TS. Trương Thanh Hương còn tích cực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế, thông qua hướng dẫn khoa học cho hơn 40 tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ nội trú và trực tiếp giảng dạy, chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong thăm dò, chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch cho hàng trăm bác sỹ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trong cả nước.
PGS. TS. Trương Thanh Hương góp phần là cầu nối của ngành y tế Việt Nam với quốc tế thông qua các đóng góp ngang tầm trong nghiê cứu khoa học và hợp tác sáng tạo với các nhà khoa học, các nghiệp đoàn khoa học lớn trên thế giới như Pháp, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản... Từ những kết nối quan trọng đó, nhiều bác sĩ, nhà khoa học trẻ đã có cơ hội tiếp cận, học tập và phát triển năng lực trong môi trường khoa học quốc tế, là tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực khoa học của Việt Nam.
Góp phần đổi mới chương trình giảng dạy, PGS. TS. Trương Thanh Hương đã chủ động xây dựng và giảng dạy nhiều học phần mới như: Bệnh tim mạch bẩm sinh và di truyền, dược lý học di truyền cá thể hóa điều trị và ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh tim mạch như: Siêu âm tim (siêu âm tim Doppler màu, siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim cản âm, siêu âm tim Doppler mô, siêu âm tim gắng sức, siêu âm tim bẩm sinh), điện tim (Holter điện tim – theo dõi điện tim bệnh nhân liên tục 24 giờ, điện tâm đồ gắng sức) và Holter huyết áp.
PGS. TS Trương Thanh Hương luôn đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy giúp tăng cường tính chủ động, tích cực tự học của sinh viên, đặc biệt là đã áp dụng các kiến thức mới được đào tạo tại Úc về phương pháp giảng dạy tăng cường năng lực lâm sàng như: Objective Structural Clinical Examination (OSCEs), Mini Clinical Evaluation Excerise (Mini-CEX) cho sinh viên ngành y, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Bà đã trực tiếp tham gia biên soạn, chủ biên 20 giáo trình, chuyên khảo, tài liệu hướng dẫn.
PGS.TS Trương Thanh Hương thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh lý tim mạch (Ảnh: NVCC) |
35 năm công tác tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội, PGS. TS Trương Thanh Hương đã được cấp trên và đồng nghiệp tin tưởng, được giao nhiệm vụ quản lý nhiều phòng ban chuyên sâu. Nữ chuyên gia đã phát huy tính chủ động sáng tạo, kết nối, tận tình giúp đỡ, hướng dẫn và động viên các đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, thực hiện nhiều đề tài khoa học có giá trị và áp dụng thành công vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chú trọng đội ngũ cán bộ là nữ giới
Không chỉ là chuyên gia đầu ngành trong chuyên môn; người đã xây dựng và triển khai các đề án chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng; xây dựng lĩnh vực tim bẩm sinh và di truyền, PGS.TS Trương Thanh Hương còn luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, tổ chức các đoàn khám bệnh thiện nguyện đến các trường học và khu dân cư ở các vùng sâu, vùng xa.
Hiểu rõ những vất vả, khó khăn của nữ giới trong công tác và nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Thanh Hương đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ y tế chất lượng cao, trực tiếp đào tạo, hướng dẫn hơn 20 nhà khoa học nữ; luôn khích lệ động viên, tạo điều kiện cho các nữ điều dưỡng, y tá, bác sỹ tham gia NCKH, các hoạt động đoàn thể để tăng khả năng gắn kết xã hội, đoàn kết tập thể và nâng cao năng lực chuyên môn, công tác xã hội. Bà cũng dành nhiều tâm huyết và tình thương đối với các bệnh nhân nhi.
Với những đóng góp to lớn đó, PGS.TS Trương Thanh Hương hai lần được Công đoàn ngành Y tế tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” ngành Y tế giai đoạn 2010-2015 và năm học 2012-2013; nhận nhiều Huân chương, Bằng khen, Giấy khen, “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đai học Y Hà Nội, Bộ Y tế và các ban, bộ, ngành. Năm 2020, bà vinh dự được Hội LHPN Việt Nam trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia- phần thưởng cao quý dành cho các nhà khoa học nữ giàu cống hiến.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại