Nguyên nhân của những hành động tiêu cực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Nguyễn Văn Minh tại CQCA |
Nghi phạm bị bắt sau 4 ngày lẩn trốn
Ngày 2-3, CA tỉnh Quảng Bình cho biết đã bắt được đối tượng Nguyễn Văn Minh, SN 1989, trú tại thôn Lại Xá, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy là nghi phạm giết bố đẻ.
Trước đó, vào tối 26-2, ông Nguyễn Xuân Diệp và con trai là Nguyễn Văn Minh xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại rồi dẫn đến xô xát. Sau đó, Minh đã dùng rựa chém bố ruột của mình. Do vết thương quá nặng, ông Diệp đã tử vong. Sau khi gây án, nghịch tử này đã bỏ trốn vào rừng sâu.
Nhận được tin báo, các lực lượng CA tỉnh Quảng Bình và CA huyện Lệ Thủy đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, vào cuộc điều tra, đồng thời huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ để truy tìm nghi phạm.
Sau 4 ngày lẩn trốn, đến chiều ngày 2-3, Nguyễn Văn Minh đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Đối tượng này đã được áp giải về trụ sở CA để lấy lời khai, phục vụ công tác điều tra.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi giết người của đối tượng Nguyễn Văn Minh là rất đáng lên án, khiến dư luận bất bình vì bị hại chính là cha ruột của nghi phạm. Hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu của tội Giết người theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015. Cụ thể, người nào có hành vi Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Cần giám định tâm thần đối tượng
Bên cạnh đó, CQCN cần phải giám định tâm thần để xác định đối tượng này có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không. Trong trường hợp khi sát hại nạn nhân, Minh đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì đối tượng này không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, căn cứ Điều 21 (BLHS 2015): “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Trong trường hợp, kết quả giám định cho thấy thời điểm thực hiện hành vi, đối tượng Minh đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, nghi phạm sẽ thuộc nhóm đối tượng "không có năng lực trách nhiệm hình sự" theo Điều 21 BLHS 2015 và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối tượng thuộc nhóm này sẽ được đưa vào cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh, theo quy định tại Điều 49 (BLHS 2015).
Tuy nhiên, nếu đối tượng Nguyễn Văn Minh bị bệnh, nhưng không mất hẳn khả năng làm chủ hành vi, nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nghi phạm có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ "phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra" theo khoản 1 (Điều 51, BLHS 2015).
Bên cạnh đó, khả năng nghi phạm gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh cũng cần được CQCN điều tra, xem xét kĩ lưỡng. Trong trường hợp, Minh chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc vẫn còn đầy đủ khả năng nhận thức nhưng do sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến ảo giác nên thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. CQĐT sẽ làm rõ các tình tiết này để có cơ sở xử lý vụ việc.
Theo quy định hiện hành, phạm tội "Giết người" trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, sẽ áp dụng Điều 125 (BLHS 2015). Đối với vụ án cụ thể này, nạn nhân từ 2 người trở lên sẽ rơi vào khoản 2 với khung hình phạt 3-7 năm tù.
Nguyên nhân nào dẫn hành vi tiêu cực, côn đồ?
Theo giới chuyên gia nghiên cứu tâm lý tội phạm, những vụ án mạng gần đây cho thấy, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt thường ngày, quan hệ làm ăn, công việc, quan hệ tình cảm, một số người đã sẵn sàng tước đoạt mạng sống của người khác.
Đặc điểm chung của những đối tượng gây ra các vụ án có tính chất như trên là các đối tượng gây án đều có nền tảng kiến thức xã hội, hiểu biết pháp luật rất hạn chế. Những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày khi bị kích động, mất hết lý trí mà sử dụng bản năng dẫn hành vi tiêu cực, côn đồ.
Chuyên gia tội phạm học, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cảnh sát nhân dân, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm nhận định, những con người gây ra hành động tiêu cực thì trong con người đó có quá trình rất dài tích lũy những hiện tượng tâm lý tiêu cực, những yếu tố tích cực không được khơi dậy, lan tỏa, định hướng. Khi trình độ học thức càng thấp, hoặc môi trường sống càng phức tạp, những tâm lý lệch lạc càng lớn thì nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành động tiêu cực, gây án mạng càng lớn.
Bàn về biện pháp phòng ngừa loại tội phạm này, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn đề cao vai trò giáo dục của gia đình. Gia đình là nên tảng, nơi khởi nguồn, hình thành nhân cách đạo đức. Trong gia đình được rèn luyện, chỉ dẫn một cách bài bản thì sẽ hình thành những con người tốt, và ngược lại.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại