Thứ sáu 22/11/2024 15:45

Nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục…

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo nhận định của Bộ Y tế, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.
Nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục…

Người dân khi bị chó, mèo cắn cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Ảnh: MK

Gia tăng ca tử vong do bệnh dại

Theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (gồm: Đắk Lắk có 4 ca tử vong, Gia Lai có 1 ca tử vong).

Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Điều đáng nói là từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn (từ 10 - 15 ngày), trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại là người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại, hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod. Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại

Theo nhận định của Bộ Y tế, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 909/SYT-NVY về việc chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội phối hợp với các báo, đài đưa tin về tình hình bệnh dại và biện pháp phòng chống để người dân áp dụng, tích cực tham gia hoạt động phòng chống bệnh dại tại cộng đồng.

Cùng với đó, chia sẻ thông tin kịp thời với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.

Đồng thời, CDC Hà Nội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại trên người; tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết cách xử lý khi bị chó, mèo cắn.

Củng cố, rà soát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, nâng cao chất lượng tư vấn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người dân, đảm bảo việc dễ tiếp cận vắc xin phòng bệnh cho người. Phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị CDC Hà Nội cần tăng cường quản lý, hướng dẫn cơ sở y tế, các điểm tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn thực hiện và báo cáo thông tin bệnh dại theo quy định.

Đối với các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống bệnh dại. Truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh dại như: Hạn chế nuôi chó mèo, không được thả rông chó mèo, chó mèo phải được đeo rọ mõm khi ra ngoài, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc; khi người bị súc vật nghi dại cắn phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị.

Đồng thời, các đơn vị kịp thời chia sẻ thông tin với CDC Hà Nội, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người”, trong đó chú trọng việc xử lý vết thương đúng cách (không khâu vết thương khi chưa xử trí tiêm huyết thanh kháng dại) và tư vấn, hướng dẫn người bệnh điều trị dự phòng bệnh dại tại các điểm tiêm phòng.

Hà Nội lập gần 600 đội săn bắt chó thả rông
Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động