Nguy cơ đằng sau những cuộc nhậu cuối năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCA TP Hà Nội đồng loạt "rải" quân trên các tuyến phố trọng điểm để xử lý "ma men". |
Xử nghiêm những vi phạm
Vào thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán, các buổi liên hoan, tụ họp, tình trạng sử dụng rượu, bia và vẫn tham gia giao thông đang có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại. Dự báo tình hình, từ nay cho đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ triển khai kế hoạch tăng cường tuần tra khép kín địa bàn, lập thêm các chốt kiểm tra nồng độ cồn tại các điểm, trong đó thường xuyên thay đổi vị trí để công tác kiểm tra và triển khai các đội kiểm tra nồng độ cồn lưu động trên đường. Tất cả đều trên tinh thần không có ngoại lệ. Nhiều ý kiến cư dân mạng đã bày tỏ sự đồng thuận ủng hộ và cho rằng, cách thức như vậy mới có tính răn đe và giúp mỗi người khi tham gia giao thông có ý thức hơn.
Có những trường hợp ghi nhận mức vi phạm lên đến 1,58mlg/lít khí thở, tức gấp gần 4 lần mức kịch khung là 0,4mlg/lít khí thở, cao nhất trên toàn quốc đến thời điểm này. Cụ thể: Tối ngày 9/1/2023, tại nút giao Tràng Thi - Quán Sứ, tổ công tác liên ngành Y12/141 cũng phát hiện nhiều trường hợp tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn. Điển hình như trường hợp tài xế T.T.A điều khiển ô tô mang BKS 89C- 272.XX, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,039 mg/L khí thở.
“Tôi sử dụng rượu bia từ trưa, cứ nghĩ đến tối sẽ hết nhưng đo qua máy vẫn phát hiện nồng độ cồn. Có lẽ lần sau tôi sẽ nghỉ ngơi thêm để trong người không còn nồng độ cồn mới điều khiển xe”, tài xế A nói. Tổ Y12/141 đã lập biên bản xử phạt tài xế T.T.A với số tiền 7 triệu đồng, tước giấy phép 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
“Với mức vi phạm nồng độ cồn như thế này, người điều khiển phương tiện hầu như không làm chủ được hành vi, rất có thể dẫn tới tai nạn giao thông” - một chiến sĩ CSGT cho biết. Vậy, nếu như không chặn giữ, kiểm tra kịp thời, lấy gì để đảm bảo hai người lái xe trên sẽ điều khiển phương tiện an toàn về tới nhà mà không gây ra hậu quả nào?! Và nếu như có tai nạn giao thông xảy ra, bản thân họ có còn cơ hội để nuối tiếc vì không chấp hành luật lệ an toàn giao thông?
Cần được thực hiện một cách triệt để
Quy định của pháp luật: Tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe, mức phạt đến vài chục triệu đồng, tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng đã được áp dụng. Có thể nói, quy định đã rất nghiêm khắc nhưng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn chưa chấp hành nghiêm, thậm chí phớt lờ những những cảnh báo hoặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng khi bị xử lý vi phạm.
“Việc gia tăng các trường hợp sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông vào dịp cuối năm là dễ hiểu. Cơ quan, DN, nhà máy… đa số đều tổ chức tiệc tất niên cho cán bộ, công nhân viên. Rồi thói quen tụ tập ăn nhậu của người dân Việt Nam những ngày này khiến tình trạng vi phạm nồng độ cồn cũng tăng cao hơn so với bình thường. Nắm và dự báo tình hình, Phòng CSGT - CATP Hà Nội đã đôn đốc, chỉ đạo các đội nghiệp vụ, lực lượng CSGT của CA các quận, huyện, thị xã tăng cường lực lượng, xử lý trong các khung giờ cao điểm, đảm bảo phù hợp với tình hình địa bàn” - Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT cho biết.
Đại diện chỉ huy đội CSGT số 6 (CA TP Hà Nội) cho biết: “Xác định, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến rượu bia, nồng độ cồn vào các khung giờ, các tuyến đường, loại phương tiện chính là góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Hàng ngày, chúng tôi bố trí 2 tổ công tác thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn. Vị trí cắm chốt kiểm tra được thay đổi liên tục”.
Theo vị đại diện này, không ít trường hợp tài xế bị xử phạt đến vài chục triệu đồng, nhất là vào dịp cuối năm. Việc xử phạt, tuyên truyền đến những tài xế vi phạm nồng độ cồn cũng gặp không ít khó khăn khi họ không còn được tỉnh táo.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tuần tra kiểm soát hàng ngày, hàng giờ, tập trung theo chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Lực lượng sẽ chú trọng thời điểm vào các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, Tết. Khi kiểm tra, nếu phát hiện người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định thì kiên quyết đình chỉ phương tiện không cho lưu hành, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và xử phạt” - đại diện đội CSGT số 6 thông tin thêm.
Những ngày Tết Nguyên đán gần kề, để niềm vui được trọn vẹn, mong mỗi người hãy tự ý thức về trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội. Đừng để nguy hiểm rình rập đằng sau tay lái. Phải nhấn mạnh rằng, uống rượu bia rồi lái xe không chỉ là “đánh đu” mạng sống với tử thần, mà còn mang đến nhiều nguy cơ khó lường không ai mong muốn. Vì vậy, khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” hơn lúc nào hết cần được thực hiện một cách triệt để, vì an toàn của mọi người, mọi nhà.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây ký công văn yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe”. Chủ tịch UBND TP yêu cầu các Sở, ban, ngành, tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương phải nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật GTĐB, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia…; thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông; thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị vi phạm… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại