Người giúp hàn gắn tình cảm gia đình, mang lại bình yên cho ngõ phố
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHòa giải viên giúp hàn gắn tình cảm gia đình, mang lại bình yên cho ngõ phố |
Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư thông qua hòa giải ở cơ sở, chế định hòa giải ở cơ sở luôn được phát triển, hoàn thiện qua mỗi thời kỳ lịch sử. Dưới đây là một vụ việc mâu thuẫn gia đình và đã được các hòa giải viên cơ sở hòa giải thành.
Ông K, trú tại TDP Hà Trì, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội, là một người đàn ông sống lành mạnh, chăm chỉ làm ăn và là người con có hiếu, thương yêu và giúp đỡ bố mẹ khi già yếu. Sau đó, ông K gặp bà H và nên duyên vợ chồng.
Gia đình nhỏ của ông K và bà H êm ấm, hạnh phúc, sinh được 2 cậu con trai chăm ngoan, khỏe mạnh. Hàng ngày, ông K làm nghề chạy xe ôm, con bà H ở nhà cũng chăm chỉ làm việc và chăm lo cho chồng con hết mực.
Cuộc sống của gia đình ông K êm đềm trôi qua. Cho đến một ngày, ông K đổ đốn rượu chè, cờ bạc rồi về nhà bạc đãi vợ con, gây rối trật tự công cộng trong tổ dân phố. Bà H buồn lòng và đã nhiều lần to nhỏ, thủ thỉ khuyên răn chồng nên thay đổi để còn lo cho gia đình và tương lai của các con nhưng ông K không nghe.
Ngày nào ông K cũng uống rượu, kiếm được bao nhiêu tiền thì đều nướng vào “đỏ đen”. Hết tiền lại về nhà hỏi tiền của vợ, bà H không đưa thì ông K đánh đập. Đã nhiều lần ông K túm tóc đánh vợ, khiến bà H xây sát, thâm tím mặt mày.
Bà H cam chịu vì đã hết cách và cũng không muốn làm to chuyện, giữ thể diện cho các con và gia đình. Nhưng rồi bị đánh quá nhiều lần, bà H quyết định trình báo với chính quyền, đoàn thể tổ dân phố.
Khi nhận được thông tin, bà Vũ Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ hòa giải số 1, TDP Hà Trì đã cùng tổ viên và Ban ngành đoàn thể đến gia đình ông K để làm công tác hòa giải. Tuy nhiên, hòa giải lần một không thành, ông vẫn cố chấp và cãi rằng mình không đánh vợ, cũng không rượu chè cờ bạc.
Đến lần hòa giải thứ hai, bà Hạnh đã chia sẻ với ông K về hình tượng trước đây của ông là một người sống lành mạnh như thế. Giờ có gia đình rồi, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, bảo ban nhau làm ăn để nuôi dạy con cái chứ đừng để xảy ra những chuyện không hay như vậy nữa. Hai đứa khôn lớn, làm cha làm mẹ mình phải nhìn vào các con để sống cho tốt đời, đẹp đạo, để các con noi theo.
Rượu chè, cờ bạc là những tệ nạn xã hội nguy hiểm khôn lường, nhiều gia đình ly tán chỉ vì chồng nghiện rượu, nghiện lô. Do đó, ông K cần phải cố gắng bỏ rượu, để gia đình lại êm ấm, ngõ xóm thanh bình như xưa. Mình là trụ cột gia đình, đừng để vợ con phải khổ, phải buồn…
Sau khi nghe những lời phân tích có tình, có lý của bà Hạnh và tổ hòa giải, ông K đã dần hiểu ra được vấn đề, nhận ra cái sai của mình. Ông K nói: “Tôi có lúc rượu chè vào tôn nóng nảy, tôi đã sai. Tôi sẽ sửa các bác ạ…”.
Từ đó đến nay, ông K không rượu chè nữa và còn chăm chỉ là ăn, không cờ bạc, không bạc đãi vợ con. Gia đình êm ấm, hạnh phúc.
Bà Vũ Thị Hạnh chia sẻ, làm công tác hòa giải tuy vất vả và cũng gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi vụ việc được hòa giải thành, hàn gắn tình cản gia đình, mang lại bình yên cho khu phố là bản thân bà lại cảm thấy vui và thấy thêm yêu công việc này hơn.
Với việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp, xích mích trong nhân dân, công tác hòa giải cơ sở đã góp phần vào việc giữ gìn tình đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó trong nội bộ nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân tại cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận, ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Hoạt động hòa giải thực sự đã trở thành một biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế hiệu quả bên cạnh tố tụng trọng tài và Tòa án trong một hệ thống giải quyết tranh chấp và tư pháp hoàn chỉnh, thân thiện.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại