"Người dân dần từ bỏ tư tưởng trông chờ, nỗ lực vươn lên thoát nghèo"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững lá đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo ngày càng nhiều
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2019, ngành LĐ-TB&XH đã tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý.
Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020. Nhận thức về giảm nghèo có sự thay đổi, chuyển biến tích cực. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cá nhân làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, nghiều địa phương xin thoát nghèo, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm ước còn dưới 4%, bình quân các huyện nghèo giảm còn dưới 29%.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Xúc động khi biết, tại một số địa phương, những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều". Ảnh: Anh Tuấn |
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, “điều này một mặt cho thấy hiệu quả của chính sách giảm nghèo. Nhưng quan trọng hơn, đó là việc người dân đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Chúng ta đã tạo niềm tin, khát vọng muốn xóa nghèo của người dân”.
Đảng viên đỡ đầu, giúp dân thoát nghèo
Tham luận từ các địa phương tại Hội nghị cũng đã góp phần làm rõ thêm những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chia sẻ, để làm tốt công tác giảm nghèo, Bạc Liêu đã thực hiện việc phân công cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện nhận đỡ đầu hộ nghèo, phân công Đảng viên trực tiếp nhận đỡ đầu hộ nghèo.
“Kết quả cho thấy, khi cán bộ Đảng viên trực tiếp nhận đỡ đầu hộ nghèo thì đã giúp đỡ được rất nhiều cho hộ nghèo. Bởi hộ nghèo không chỉ có thiếu thốn về cơ sở vật chất, tiền bạc mà cái chính là tổ chức cuộc sống gia đình không tốt. Do đó khi vận động được cán bộ Đảng viên có kinh nghiệm và trực tiếp đỡ đầu, giúp đỡ người nghèo tổ chức tốt cuộc sống thì họ đã từng bước giảm được nghèo và đã góp phần xóa nghèo bền vững hơn”, ông Dương Thành Trung chia sẻ.
Ngoài ra về phía cán bộ, Đảng viên, với việc nhận đỡ đầu hộ nghèo, ngoài việc giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, giúp cán bộ Đảng viên gần dân, gắn bó với người dân và hiểu cuộc sống với người dân hơn. Thực tế cũng cho thấy, Một số cán bộ Đảng viên được phân công giúp đỡ hỗ nghèo đã trở thành người thân của người nghèo.
Cùng với việc phân công cán bộ, Đảng viên đỡ đầu hộ nghèo, Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ mới thoát nghèo thêm 1 năm.
“Thực tế cho thấy, những hộ mới thoát nghèo rất dễ tái nghèo. Trong tái nghèo, khó khăn lớn nhất là bệnh tật. Do đó hỗ trợ thêm 1 năm bảo hiểm y tế sẽ giúp người nghèo yên tâm thoát nghèo”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nói.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đã thực hiện việc phân loại hộ nghèo ra để để có chính sách hỗ trợ chặt chẽ hơn, thuận lợi hơn. Chẳng hạn như nhóm không thể thoát nghèo (ví dụ gia đình toàn người già, con cái đi xa không có điều kiện hỗ trợ bố mẹ) thì chuyển sang nhóm bảo trợ xã hội để giúp đỡ thường xuyên.
Đáng chú ý, đối với nhóm chưa muốn thoát nghèo, tạm thời chưa có chủ tưởng hỗ trợ, chủ yếu giao chính quyền đoàn thế giáo dục, vận động. Khi nào chí thú làm ăn thì hỗ trợ, giúp đỡ vươn lên. Điều này tạo sự công bằng tránh trường hợp người muốn thoát nghèo không có điều kiện còn người không muốn thoát nghèo lại nhận được sự hỗ trợ.
Hiện Bạc Liêu không còn gia đình chính sách nào thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 1,38% và phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ con số này chỉ còn dưới 1%. Theo ông Dương Thành Trung, “trong năm 2019, Bạc Liêu chỉ có 4 hộ tái nghèo, 94 hộ nghèo phát sinh mới. Điều này cho thấy công tác giảm nghèo khá về bền vững”.
Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả
Phát huy kết quả đạt được, năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo bền vững đến năm 2020, các chính sách giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tổ chức tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cơ bản nhất trí với định hướng của Bộ LĐ-TB&XH trong công tác giảm nghèo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, Bộ, ngành LĐ-TB&XH kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trước mắt là giảm nghèo với đối tượng chính sách.
“Hết nhiệm kỳ này cần bảo đảm không còn hộ gia đình chính sách nào có thu nhập thấp hơn mức sống trung bình của khu dân cư. Chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn để thiết kế chính sách giúp người dân phát huy tinh thần tự lực, vươn lên thoát nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung: “Quốc hội, Chính phủ bổ sung thêm chính sách cho đối tượng mới thoát nghèo như chính sách bảo hiểm y tế, giáo dục, vay vốn... Trong đó chính sách bảo hiểm y tế rất quan trọng bởi vì đối tượng hộ mới mới thoát nghèo chỉ cần 1 biến cố nhỏ, đặc biệt là biến cố bệnh tật họ sẽ lại rơi vào hoàn cảnh nghèo”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại