Thứ bảy 27/04/2024 14:53

Người chăn nuôi cần tính toán kỹ trước khi tái đàn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khuyến cáo, người chăn nuôi chỉ nên nhập đàn và tái đàn trong điều kiện mặt bằng giá động vật và sản phẩm động vật trên thế giới và ở Việt Nam tương đương nhau, không chênh lệnh quá lớn và dịch bệnh ổn định.
Mô hình nuôi gà D310 ứng dụng hệ thống IOT của Công ty Dabaco (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Minh Phong
Mô hình nuôi gà D310 ứng dụng hệ thống IOT của Công ty Dabaco (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Minh Phong

Sau dịp tết Nguyên đán, lượng gia súc gia cầm (GSGC) thường giảm mạnh do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tập trung lượng thực phẩm cho dịp tết Nguyên Đán, mùa lễ hội, vì vậy việc tái đàn, nhập đàn GSGC là một nhu cầu tất yếu. Trên thực tế, không ít người chăn nuôi do chủ quan, nóng vội đã nhập đàn, tái đàn một cách ồ ạt, thiếu cân nhắc, tính toán dẫn đến những hệ luỵ rủi ro đáng kể.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, việc tái đàn sau Tết một cách dồn dập sẽ làm lượng GSGC tăng đột biến, dẫn đến việc xảy ra trình trạng dư thừa, hơn nữa số lượng lớn nuôi sẽ không an toàn, để xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt sau dịp Tết Nguyên đán thời tiết đang diễn biến bất thường, ở miền Bắc mưa rét kéo dài kèm theo mưa phùn, miền Nam thời tiết lại nắng nóng kéo dài, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của GSGC.

Bên cạnh đó, diễn biến dịch bệnh thời gian qua tại các nước trong khu vực cũng như trong nước đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn châu phi, tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cụ …

“Tất cả những yếu tố trên đòi hỏi người chăn nuôi cần có những tính toán cụ thể để khi nhập đàn, tái đàn để chăn nuôi có hiệu quả, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra”, ông Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để hạn chế những rủi ro nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trong khi nhập đàn, tái đàn GSGC, người chăn nuôi cần lưu ý về thị trường tiêu thụ, cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật tại thời điểm, thị trường chi phí trong chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, các chi phí đầu vào trong chăn nuôi để quyết định nhập đàn và tái đàn.

“Dịp Tết người dân thường sử dụng quá nhiều lượng thực phẩm động vật và sản phẩm động vật, nên sau Tết phần nào cũng sẽ giảm đi, vì vậy không nên nhập ồ ạt trong khi thị trường nhu cầu đàn có những biến động bất thường. Kinh nghiệm của những người chăn nuôi hiệu quả cho hay, chỉ nhập đàn và tái đàn trong điều kiện mặt bằng giá động vật và sản phẩm động vật trên thế giới và ở Việt Nam tương đương nhau, không chênh lệnh quá lớn và dịch bệnh ổn định” – ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, cần đảm bảo nhập GSGC từ cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, các cơ sở chăn nuôi uy tín có thương hiệu, đặc biệt các cơ sở đã được công nhận về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để được đàn gia súc có chất lượng, có bảo hộ về an toàn dịch bệnh, đã được tiêm phòng các loại vaccine đầy đủ, được giám sát dịch bệnh của các cơ quan chuyên môn.

Chuẩn bị tốt điều kiện về chuồng trại khu chăn nuôi trước khi nhập đàn, tái đàn đó là vệ sinh cơ giới, phun thuốc sát trùng, để trống chuồng (khoảng 5-10 ngày), nếu là GSGC đến kỳ xuất bán, khoảng 1-2 tuần nếu không may GSGC bị dịch bệnh phải tiêu hủy. Trường hợp chuồng nuôi có gia súc, gia cầm ốm chết phải tiêu hủy cần làm thật tốt khâu vệ sinh bằng vôi bột, kể cả dùng đèn khò để diệt khuẩn cùng với việc để trống chuồng thời gian dài hơn, phun thuốc sát trùng, ngâm nước vôi nền chuồng để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh tái nhiễm xâm nhập.

Cần khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương sở tại, đây là điều kiện bắt buộc theo quy định của Luật Chăn nuôi để có sự giám sát của các cơ quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn. Trường hợp GSGC không may xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải tiêu hủy bắt buộc sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Trường hợp không khai báo chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh không những không được hỗ trợ thiệt hại, mà còn bị xử lý vi phạm hành chính khi để xảy ra dịch bệnh. Trên thực tế, nhiều trang trại do chủ quan, lơ là không thực hiện việc khai báo dẫn đến tình trạng để xảy ra dịch, không những không được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước còn bị thêm xử lý vi phạm hành chính do không chấp hành các quy định về khai báo, phòng chống dịch bệnh.

Thực hiện thật tốt việc vệ sinh phòng bệnh sau tái đàn, nhập đàn, đặc biệt đối với GSGC có cung đường vận chuyển từ xa, thời gian vận chuyển dài ngày, GSGC ở các vùng, khu vực đang có dịch cần chú ý ngay việc nuôi tái đàn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, người chăn nuôi nên hợp tác xây dựng liên kết chuỗi để có sự chủ động về con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư trang thiết bị trong chăn nuôi, các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tạo đầu ra cho sản phẩm khi tái đàn nhập đàn. Nắm bắt thông tin về tình hình và diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch nhập đàn tái đàn. Ở những nơi, những vùng đang xảy ra dịch thì ko nên tái đàn, nhập đàn vì nguy cơ lây nhiễm bệnh và tỷ lệ rủi ro là rất cao.

Hỗ trợ và quản lý chặt chẽ việc tái đàn lợn bảo đảm quy định an toàn sinh học
Hà Nội: Tập trung tư duy chiến lược phát triển chăn nuôi
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động