Người bị trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần người khác
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo PGS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, trầm cảm là rối loạn tâm thần (RLTT) thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật (kể cả nhóm dưới 15 tuổi), làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2015 Việt Nam có khoảng gần 3,6 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số.
Tất cả mọi người đều có thể mắc trầm cảm, tuy nhiên rối loạn này xảy ra ở nữ nhiều hơn nam giới. Kết quả nghiên cứu năm 2008 ở Việt Nam cho thấy, gánh nặng bệnh tật do trầm cảm chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nữ giới. Trầm cảm cũng là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng tàn tật ở nữ giới, chiếm 29% tổng số năm sống với khuyết tật do mọi nguyên nhân và là nguyên nhân thứ 2 gây gánh nặng tàn tật ở nam giới, chiếm 11%.
TS. Nguyễn Thanh Long cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trầm cảm thường xảy ra ở những người bị căng thẳng, bị sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, trong quan hệ gia đình, xã hội hoặc sau khi mắc bệnh khác.
Trầm cảm gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học, thường xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải vấn đề trong cuộc sống như thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập, khủng hoảng tinh thần… hoặc sau khi mắc một số bệnh đặc biệt là bệnh nặng, bệnh mãn tính như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ.
Người bị trầm cảm điển hình có biểu hiện buồn chán dai dẳng, mệt mỏi, giảm hoặc mất sự quan tâm, thích thú với những hoạt động thường thích làm, kèm theo không có khả năng thực hiện các công việc hàng ngày, thời gian kéo dài 2 tuần trở lên. Trầm cảm nếu không được chữa trị sẽ thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng làm việc, học tập và cuộc sống hàng ngày.
TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai chia sẻ, trầm cảm là rối loạn phổ biến nhất thế giới. Bệnh có xu hướng gia tăng, trẻ hóa do áp lực cuộc sống, stress, cộng thêm các trường hợp trầm cảm thứ phát do bệnh lý. Trầm cảm do stress gặp nhiều ở những người có nhân cách yếu, nét nhân cách dễ bị tổn thương như người hay lo lắng, ít chia sẻ… Hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát và có thể là tự tử.
Trung bình mỗi ngày tại Viện có đến 50 người đến khám và điều trị trầm cảm. Trong đó không ít các trường hợp tự sát, tự gây vết thương cho mình như: Cứa tay, chân, cổ; buộc dây điện vào tay, chân để cắm điện… Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống, TS. Phương cho biết.
Người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác (nguy cơ tự tử trong đời người trầm cảm là 4%). Trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm. Theo nghiên cứu của WHO, trên thế giới mỗi năm có 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi 15-29. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có gần 5.000 người tử vong do tự tử.
Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung ở nước ta đã từng bước được quan tâm, tuy nhiên đối với hoạt động phòng, chống trầm cảm nói riêng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Bộ Y tế coi trầm cảm là một vấn đề ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, người dân có nhận thức đúng về trầm cảm, cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời, biết cách hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có rối loạn trầm cảm.
“Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm, hãy trò chuyện với mọi người, hãy nói với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và chữa trị trầm cảm. Mọi người hãy tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn, các chất gây nghiện. Khi cần trợ giúp chuyên môn hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe”, TS. Tô Thanh Phương, PGĐ BV Tâm thần Trung ương đưa ra lời khuyên.
Thịnh An / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại