Thứ sáu 22/11/2024 14:20

"Ngoại giao cây tre" - Nguồn sức mạnh lớn lao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đúc kết từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn của Đảng, đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần dùng hình ảnh cây tre để định hướng cho trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo của Việt Nam.
Đoàn đại biểu cấp cao TP Hà Nội và Đoàn đại biểu cấp cao Thành ủy La Habana (Cuba) chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thanh Hải
Đoàn đại biểu cấp cao TP Hà Nội và Đoàn đại biểu cấp cao Thành ủy La Habana (Cuba) chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thanh Hải

Hình ảnh “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Và với sự kiên định về nguyên tắc và mục tiêu, uyển chuyển, chủ động và linh hoạt về phương pháp thực hiện, soi vào thực tiễn 78 năm qua, từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, “ngoại giao cây tre Việt Nam” đã góp phần làm nên những thành công.

Sự khởi đầu từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945

“Ngoại giao cây tre Việt Nam” không phải là hiểu theo ý gió chiều nào uốn theo chiều đó mà nó có ý nghĩa ngoại giao phải được hành xử theo kiểu ngoài nhu trong cương, cứng rắn về mặt nguyên tắc, mềm dẻo về mặt sách lược.

Những cây tre cứng cáp, dẻo dai, có khóm, có bụi rễ chùm, có liên kết đan gài quyện nhau, có thể chịu được nhiều tác động của gió mưa bão táp, không hoặc là khó có thể bị bật đổ. Làm bất kỳ việc gì, muốn thắng lợi thì phải trông cậy vào sức mạnh. Các cuộc cách mạng ở nước ta cũng vậy. Đó là sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn, chứ không chỉ từ nguồn vật chất, từ súng ống, xe tăng, đại bác, máy bay...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của Nhân dân Việt Nam đã tỏ rõ điều ấy, mà tỏ rõ từ lâu rồi, từ hồi xửa hồi xưa chống giặc phương bắc. Mạnh từ kinh tế, quốc phòng ư? Đâu có! Mạnh từ vũ khí tối tân ư? Chẳng phải! Chiếc nỏ thần của An Dương Vương rốt cuộc cũng không làm nên chuyện. Trong sức mạnh tổng hợp, có sức mạnh từ đấu tranh ngoại giao.

Xin được “tỉa” cái ý này trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Một số người cứ nói rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “ăn may”; rằng lúc đó có cái gọi là “khoảng trống quyền lực”, nghĩa là phátxít Nhật bại trận rồi, còn chính quyền phong kiến Việt Nam rệu rã; rằng Việt Minh có tài cán gì đâu, chỉ ngồi chờ trái cây chín mọng rụng xuống rồi thò tay ra mà nhặt lấy; rằng có cái ghế trống huơ trống hoác, Việt Minh chỉ cần nhảy vào đó mà ngồi thôi, chứ giành đâu cho mất công mất sức.

Nói như vậy là không đúng với sự thật lịch sử đã diễn ra. Sự thật có một và chỉ có một mà thôi, không thể khác! Năm 1945, vào khoảng tháng 8, đã xuất hiện thời cơ cách mạng Việt Nam có thể giành được độc lập do phát xít trên trường quốc tế đã đến lúc tắt thở, nhưng thời cơ gì thì thời cơ, ở Đông Nam Á chỉ có 3 nước là Việt Nam, Indonesia, Lào giành được độc lập mà thôi.

Cắt nghĩa cho điều này là ở vấn đề thực lực. Việt Nam có đủ thực lực với 2 yếu tố cơ bản nhất là lực lượng lãnh đạo là Đảng Cộng sản và khối đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện ở tổ chức Mặt trận Việt Minh vùng lên tháo bỏ gông xiềng nô lệ để làm chủ cuộc sống của mình. Đảng, với lãnh tụ Hồ Chí Minh, có bản lĩnh, có tâm lành với nước non, có trí sáng và đại diện cho ý chí của Nhân dân biết đón và chọn thời cơ, biết chuẩn bị lực lượng đấu tranh giành chính quyền về tay cách mạng.

Dân có sự giác ngộ, đoàn kết vững chắc dưới ngọn cờ của Đảng, sẵn sàng đi theo Việt Minh. Trong những yếu tố đó, phải kể đến sức mạnh quốc tế, tuy lúc này còn sơ khai, nhưng đóng vai trò thật sự quan trọng vào thắng lợi chung. Lịch sử có phải là ngẫu nhiên không thì không biết, nhưng duyên số thế nào lại có sự liên minh giữa lực lượng cách mạng nước ta với đội quân OSS của Mỹ (rất tiếc và oái oăm thay, sau mối quan hệ tốt đẹp Việt - Mỹ này bị chấm dứt).

Lúc này, Mỹ là một lực lượng rất quan trọng trong Đồng minh quốc tế chống phát xít. Mỹ có một đội quân đóng tại TP Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, có nhiệm vụ theo dõi, khống chế lực lượng quân Nhật ở Đông Nam Á. Tháng 10/1944, một máy bay Mỹ bị quân Nhật bắn rơi ở vùng Cao Bằng. Viên phi công - Trung úy Shaw - được ta cứu và Hồ Chí Minh chủ trương trao trả cho phía Mỹ tận đại bản doanh Côn Minh, Trung Quốc, từ đấy thiết lập được mối liên minh Việt - Mỹ chống phát xít.

Bằng cách đó, cách mạng Việt Nam đã thực sự đứng về phe Đồng minh và được sự giúp đỡ trực tiếp, như giúp một số phương tiện thông tin, đào tạo báo vụ viên, và cao hơn nữa là giúp thuốc men, một số vũ khí, huấn luyện quân sự, lập được đội quân Việt - Mỹ chống phátxít Nhật. Một sân bay “quốc tế”dã chiến nhanh chóng được xây dựng (sân bay Lũng Cò, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) vào tháng 6/1945, và nhiều máy bay vận tải hạng nhẹ của Mỹ đã hạ cánh, tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng rất cận kề.

Nhờ có chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh về ngoại giao với phái đoàn Mỹ cho nên lực lượng cách mạng mới có được tin tức kịp thời từ thông tin điện đài do Mỹ giúp để nắm bắt thời cơ, mới có được một số thuốc men (nhất là thuốc chống sốt rét), có được một số vũ khí chiến đấu, mới có được sự huấn luyện quân sự, mới có được đội quân Việt - Mỹ xuất quân tiến từ Tuyên Quang xuống Thái Nguyên.

Đó là lý do tại sao, khi thảo bản Tuyên ngôn độc lập để tuyên đọc tại Vườn hoa Ba Đình, Hà Nội chiều nắng vàng nhạt của mùa Thu ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 để nêu tính phổ quát của quyền bình đẳng, quyền độc lập tự do, mà bất cứ cuộc đàm phán, đấu tranh ngoại giao nào sau này của Việt Nam đều phải đề cập.

Đó cũng là lý do để trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, thay mặt nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: Việt Nam là “một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phátxít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phảiđược độc lập!” Cũng với sử dụng các hình thức đấu tranh ngoại giao, phía cách mạng đã liên hệ được với quân Nhật để “trung lập hóa”, thực chất là làm vô hiệu hóa sự chống đối của quân Nhật trong những ngày tađấu tranh giành chính quyền mà điển hình là ngày 19/8/1945 khi lực lượng cách mạng chiếm trại Bảo an binh (nay là khu vực phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Tại đây, phía cách mạng đã nói rõ thiện chí của ta và làm lung lay ý định chống đối của quân Nhật lúc này đem lính và xe tăng bao vây trại. Nhờ đó, quân Nhật đã phải buông súng để quân cách mạng chiếm lấy trại Bảo an binh mà không tốn một viên đạn nào.

Sự tiếp nối của công cuộc đổi mới

Từ khởi điểm mùa Thu cách mạng năm 1945 đó, đấu tranh ngoại giao của nước ta đã trải qua những chặng đường dài, không ít cam go, nhưng cuối cùng đã giành được những thắng lợi oanh liệt.

Điều này được ghi nhận một cách đậm nét trong cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ 1945 - 1946, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

Thứ nhất, đấu tranh ngoại giao của Việt Nam là cuộc đấu tranh không chỉ đơn thuần ghi nhận những gì thuộc kết quả của đấu tranh chính trị, quân sự, mà còn là chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ, góp phần đắc lực vào thắng lợi chung.

Cuộc đấu tranh ngoại giao trong thời kỳ đổi mới hiện nay của Việt Nam chính là sự thể hiện tiếp nối truyền thống ngoại giao từ cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trải qua các thời kỳ cách mạng tiếp theo mà thắng lợi đấu tranh ngoại giao lần sau đều lớn hơn lần trước.

Đứng trước thời cơ và thách thức mới, mặt trận ngoại giao của nước ta được thể hiện với những trọng trách lớn. Có thể nêu lên mấy điểm sau đây: Một là, mặt trận ngoại giao phải bảo đảm đường lối của Đảng đã được vạch ra ở Đại hội toàn quốc lần thứ XIII.

Đó là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc vớisức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện,sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Phải nói rằng, đây là nguyên tắc để chế định hoàn toàn nguyên tắc hoạt động ngoại giao của nước ta trong thời kỳ mới. Sự cứng rắn về nguyên tắc tất thảy biểu hiện ở đây, là gốc tre bền chắcnhất để trên đó thân và cành tre có thể mềm dẻo uyển chuyển trong một thế giới phức tạp hiện nay. Việt Nam đang nằm trong cái thế “bình thông nhau” của mọi quan hệ quốc tế. Hội nhập với thế giới, tham gia rất nhiều tổ chức quốc tế, song phương, đa phương, đa hình thức, đa dạng, nhưng dù thế nào đi chăng nữa vẫn phải bám chắc vào nguyên tắc này. Cách nói“hội nhập nhưng không hòa tan” là như thế.

Hai là, phải xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Ngoại giao trong thời kỳ mới phải phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Bài học tạo lập và sử dụng sức mạnh bên ngoài từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho chúng ta thấy rõ rằng, ngoại giao phải thành tâm, tức là chân thành, các bên cùng có lợi, vì mục tiêu chung là sự hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới, vì một hành tinh lành mạnh với một môi trường hợp tác có hiệu quả đưa đến sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và phát triển bền vững.

Ba là, ngoại giao phải luôn luôn hướng tớisự bảo đảm độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, như tinh thần hợp tác đoàn kết quốc tế trong mùa Thu lịch sửThángTám năm 1945 cũng như của các cuộc kháng chiến chống xâm lược vàtrong công cuộc hòa bình dựng xây và bảovệ Tổ quốcViệt Nam xã hội chủ nghĩa.Ngoại giao hiện nay là sự kế tục nguyên tắcbảo đảm 4 yếu tố của quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất vàtoàn vẹn lãnh thổ.

Bốn là, ngoại giao trong thời kỳ mới phải bảo đảm coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng; chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN; làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tang độ tin cậy lẫn nhau.

Trong suốt chiều dài lịch sử của chế độ cộng hòa dân chủ Việt Nam, nước ta đã thành công trong việc đoàn kết keo sơn gắn bó với ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), đoàn kết với các nước dân chủ, các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa vì hòa bình và tiến bộ xã hội. Động từ“Kết đoàn” từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi qua các nẻo đường kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở biên giới đất liền cũng như trên biển, không những đã được chia ở thì quá khứ, mà cần được chia ở thì hiện tại và thì tương lai.

Trong thời kỳ mới, ngoại giao cây tre cũng có nghĩa là phảitiếp tục thúc đẩy giải quyết các mối quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ với các nước láng giềng, những vấn đề trên biển, trên không,trên đất liền theo đúng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LiênHợp quốc về Luật Biển năm 1982. Chỉ có kiên trì nguyên tắc này thì ViệtNam mới đứng vững trước mọi song gió của các cuộc tranh chấp quốc tế, vì lợi ích của dân tộc mình và lợi ích tiến bộ chung của toàn cầu.

Năm là, đấu tranh ngoại giao ở nước ta thời kỳ hiện nay còn là ở chỗ kiên quyết, kiên trì làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ của đất nước; đấu tranh chống lại âm mưu và hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước.

Các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta ở trong và ngoài nước đều cùng có chung một mục tiêu: làm cho nước ta trượt khỏi con đường xã hội chủ nghĩa, chuyển sang chế độ tư bản chủ nghĩa. Thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao thời kỳ này, do đó, còn phụ thuộc vào chính bản thân chất lượng hệ thống chính trị, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân lãnh đạo. Đảng phải trong sạch, vững mạnh,“là đạo đức, là văn minh”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh chung, trong đó có đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của nước ta, còn phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hệ thống chính trị.

Một đất nước Việt Nam hùng cường, có kinh tế, văn hóa phát triển, có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, có con người Việt Nam đủ đức - tài thì không thể có một thế lực thù địch nào ở ngoài nước có thể làm chúng ta yếu. Do vậy, càng cần phải nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ ngoại giao.

Một mùa Thu cách mạng đất nước Việt Nam lại tới trong 78 năm đất nước độc lập, tự do với một nền ngoại giao độc lập, tự chủ, quảng giao vì nền hòa bình bền vững và tiến bộ xã hội. Giá trị của thắng lợi ngoại giao của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và của các thời kỳ cách mạng của nước ta là bất diệt. Những giá trị đó đang được và cần được mang sang những thập niên tiếp theo của thế kỷ XXI.

Bản sắc ngoại giao Việt Nam có cội nguồn là những triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha
GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Kinhtedothi.vn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động