“Nghề ướp trà sen” Quảng An trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia: cơ hội và thách thức
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghề ướp trà sen truyền thống của cơ sở sản xuất trà sen Hiền Xiêm tại phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: T.L |
Giữ gìn “nghề di sản”
Tại Quyết định số 2316/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, Nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đón nhận tin vui, những nghệ nhân làng nghề như gia đình ông Ngô Văn Xiêm và bà Lưu Thị Hiền, chủ cơ sở Trà sen Hiền Xiêm; bà Ngô Thị Thân, chủ cơ sở Trà sen Bà Dân… đều cảm thấy xúc động, phấn khởi.
Mùa sen năm nay khá đặc biệt đối với các cơ sở làm nghề ướp trà sen truyền thống phường Quảng An. Tháng 7/2024, nghề ướp trà sen Quảng An vinh dự được UBND quận Tây Hồ giới thiệu, trưng bày gian hàng tại “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với các tỉnh miền núi phía Bắc”. Sự kiện là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024); đồng thời hiện thực hóa cụ thể Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.
Lần đầu tiên tổ chức, lễ hội thu hút khoảng 50.000 lượt du khách tham quan, trải nghiệm. Đây cũng là niềm vinh dự cho các gia đình nghệ nhân giữ lửa “Nghề ướp trà sen” Quảng An được tham dự một lễ hội có quy mô lớn, quy tụ nhiều sản phẩm trà sen thương hiệu ở Tây Hồ.
Sau thành công của “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với các tỉnh miền núi phía Bắc”, nghề ướp trà sen Quảng An được quảng bá, giới thiệu và tiếp cận gần hơn với du khách và khách hàng. Trà Sen Quảng An được trưng bày tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP quận Tây Hồ.
Với đặc trưng vùng đất, thổ nhưỡng, hồ Tây thích hợp trồng cây sen Bách Diệp, một loài sen quý với đặc điểm 100 cánh, màu hồng, hương thơm ngát. Sen Bách Diệp Tây Hồ cũng là nguyên liệu chính, góp phần tạo nên món trà ướp hương sen thơm ngát được vinh danh là “Thiên cổ đệ nhất trà”. Trà sen Tây Hồ từng vang danh khắp sự kiện, hội thảo quốc tế. Trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ lựa chọn trong tiệc trà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình năm 2023; trà sen Hiền Xiêm được lựa chọn phục vụ tiệc trà tiếp đón bà Bành Lệ Viện - Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và phu nhân tới Việt Nam năm 2023. Trước đó, trà sen Hiền Xiêm từng được lựa chọn phục vụ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Thủ đô Hà Nội năm 2019.
Theo bà Lưu Thị Hiền, chủ cơ sở trà sen Hiền Xiêm (trà sen Hiền Xiêm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP 4 sao), trà ướp hương sen Tây Hồ là một thức uống tao nhã trong văn hóa của người Hà Nội. Nhắc đến nghề truyền thống ướp trà sen không thể không nói tới phường Quảng An. Hiện nay, địa bàn phường Quảng An là nơi tập trung nhiều hộ ướp trà sen nhất.
Nghề ướp trà sen là một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Cứ độ tháng 6 là thời điểm nghề ướp trà sen bước vào vụ chính, vợ chồng ông Ngô Văn Xiêm và bà Lưu Thị Hiền cùng các con, cháu cũng miệt mài cùng nhau ướp trà sen. Mọi người trong gia đình từ già đến trẻ, mỗi người một việc từ tách cánh, phơi nhụy, tách lấy những hạt gạo để riêng sao cho gạo sen không bị vỡ nát, bay mất hương thơm. Người làm phải biết độ nóng, nguội của trà, phải kiên trì nâng giấc trong từng mẻ sấy. Trà được sấy theo cách truyền thống bằng than hoa để cho ra hương thơm đặc trưng. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu. Để ướp được 1kg trà sen phải có 1.500 bông hoa sen từ loài sen Bách Diệp trồng tại Hồ Tây cộng với loại trà nõn Tân Cương (Thái Nguyên). Quá trình ướp trà phải qua đủ 21 ngày với 7 lần vào hương gạo sen và 7 lần sấy mới có được trà sen tuyệt hảo. Giá thành 1kg trà sen do động từ 7 – 10 triệu đồng/kg.
Bà Lưu Thị Hiền cho biết, so với mức giá 10.000 đồng/bông sen, nhẩm tính 1kg trà sen chi phí đầu vào đã lên tới trên chục triệu đồng, chưa kể tiền nhân công. Gia đình bà Lưu Thị Hiền thường làm vì những người khách quen, họ uống trà quen và đặt hàng. Bởi hai chữ “uy tín” nên sản phẩm trà sen của gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm luôn đặt chất lượng lên hàng đầu.
Ngoài sản phẩm ướp sen truyền thống, gia đình bà Lưu Thị Hiền còn ướp chè bông trước đây phải bảo quản trong ngăn đá và hiện nay đã sấy than hoa mang đi khắp nơi được nhiều người thưởng thức.
Giữ gìn tinh hoa của người Hà Nội, nghề làm trà sen còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho những lao động yếu thế giản đơn. Trước sự cạnh tranh của thị trường, với phương pháp làm thủ công, nhiều áp lực, số hộ theo nghề ướp trà sen chỉ còn rất ít. Điều bà Lưu Thị Hiền mong muốn, nghề làm trà sen được quảng bá để giữ nghề truyền thống của người Hà Nội.
“Trong thời gian tới, để tiếp tục gìn giữ và phát triển làng nghề, chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để những người dân trực tiếp làm nghề truyền thống tại địa phương tiếp tục được tham gia trồng sen Bách Diệp tại tất cả các hồ nhỏ xung quanh Hồ Tây, được quan tâm hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật và được phổ biến những kinh nghiệm, những công nghệ mới tiên tiến trong việc chăm sóc cây sen - nguồn nguyên liệu chính để sản xuất trà sen. Đồng thời tạo điều kiện để gia đình tôi có thể là địa điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm trà sen Tây Hồ để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của địa phương” – bà Lưu Thị Hiền cho biết.
Sản phẩm trà sen Quảng An giới thiệu, trưng bày tại Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Mộc Miên |
Phát triển thương hiệu sen gắn với kinh tế du lịch bền vững
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quận Tây Hồ đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tháng 1/2024 “Nghề xôi Phú Thượng” đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và tháng 8/2024, “Nghề ướp trà sen” Quảng An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ hội quận Tây Hồ triển khai thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thống kê trên địa bàn quận Tây Hồ hiện nay có khoảng 15 cơ sở chế biến trà sen. Nhu cầu của 1 cơ sở trong 1 ngày vào mùa sen, cần khoảng 3.000 - 5.000 bông sen bách Diệp Tây Hồ. Mỗi cơ sở trong 1 vụ sen cần 360.000 bông, nhu cầu của cả quận xấp xỉ 4.000.000 bông/năm (cả chế biến và bán tươi). Thực tế, số lượng hoa sen tại hồ Tây không đủ cung cấp, phải lấy từ nhiều nguồn khác trên địa bàn Hà Nội.
Lý do diện tích đất trồng sen tại các hồ đầm tại hồ Tây ngày càng bị thu hẹp, môi trường nước và đất bị ô nhiễm nặng nề bởi chất thải sinh hoạt nên việc trồng sen gặp nhiều khó khăn.
Để có nguồn nguyên liệu, người dân Quảng An đã đi đến vùng ngoại thành thuê đầm trồng sen như quận Bắc Từ Liêm, huyện Phú Xuyên, huyện Sóc Sơn… Đánh giá chất lượng, so với sen Hồ Tây thì sen trồng ở các địa phương chất lượng chỉ đạt khoảng 80%.
Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa "Nghề ướp trà sen" Quảng An vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng cao thương hiệu du lịch Tây Hồ, đưa Tây Hồ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của Thủ đô. Ảnh: Mộc Miên |
Riêng gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm và bà Lưu Thị Hiền là gia đình có nhiều đời làm trà sen nổi tiếng bậc nhất Tây Hồ. Hiện nay, gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm có tới 4ha đầm sen Bách Diệp. Vào mùa sen tháng 6, mỗi ngày từ 4h sáng, gia đình ông Xiêm thu hoạch được khoảng 2.000 - 2.500 bông sen đầu mùa, đến chính vụ sẽ thu được khoảng 10.000 bông.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp khuyến khích nghề làm trà sen. Từ năm 2013, thương hiệu “Chè sen Quảng An - tinh hoa chè Việt” đã được công nhận sản phẩm làng nghề, trong đó thương hiệu trà sen Hiền Xiêm là đại diện duy nhất đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Năm 2015, Di sản văn hóa phi vật thể nghề làm trà sen Quảng An đã được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội kiểm kê và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ.
Bà Ngô Thị Thân, chủ cơ sở Trà sen Bà Dân bày tỏ, sen Tây Hồ mang giá trị riêng. Để làm được trà sen ngon phải là sen Bách Diệp. Tuy nhiên, diện tích đất trồng sen ngày càng thu hẹp, vì thế, bà Ngô Thị Thân mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm mở rộng diện tích trồng sen, nhân giống những loại sen quý.
“Đánh thức” giá trị từ sen, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ, Hà Nội”. thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7ha. Qua đó, khôi phục phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, định vị thương hiệu sen Tây Hồ.
Đồng thời, quận Tây Hồ đã và đang triển khai thực hiện “Đề án khôi phục trồng sen Bách Diệp” tại 18 hồ trên địa bàn được TP Hà Nội phê duyệt nhằm khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng - phát huy giá trị kinh tế nông nghiệp và văn hóa sen Tây Hồ.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả “Đề án thưởng thức trà sen Quảng An”, tuyên truyền để người dân hiểu về tiềm năng, lợi thế, vai trò của việc trồng sen, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, du lịch - văn hóa làng nghề trên địa bàn quận Tây Hồ. Đồng thời, nâng cao thương hiệu du lịch Tây Hồ, đưa Tây Hồ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của Thủ đô.
“Đánh thức” giá trị mới của sen Hà Nội | |
Hàng nghìn du khách thích thú với trải nghiệm các sản phẩm OCOP tại Lễ hội Sen Hà Nội | |
Công bố 2 kỷ lục trong Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất năm 2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại