Ngày hội khởi nghiệp của học sinh, sinh viên – chung khát vọng cho Việt Nam giàu mạnh hùng cường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTương trợ lẫn nhau
Nhóm sinh viên ĐH mở Thành phố Hồ Chí Minh, góp mặt trong “Ngày hội khởi nghiệp” bằng dự án “EASYFREELANCE – Công việc tự do dễ dàng tiếp cận”. Dự án được xây dựng bởi 3 thành viên của nhóm, gồm Đỗ Bùi Nguyệt Minh; Tống Thúy Vi và Hồ Sỹ Quang Trung.
“Dự án bắt nguồn từ thực tế nhiều sinh viên trong quá trình học tập trải qua các công việc bán thời gian, hoặc công việc thời vụ, nặng nhọc đổi lấy những thu nhập ít ỏi trang trải học hành, góp phần san sẻ gánh nặng tài chính của bố mẹ. Quá trình tìm kiếm công việc thời vụ như vậy, nhiều bạn trẻ dễ dàng rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo “đa cấp”. Mặt khác, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra nhu cầu tìm kiếm nhân công của các doanh nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó, dự án nền tảng “EASYFREELANCE” được 3 bạn trẻ xây dựng, với sứ mạng làm cầu nối kết nối sinh viên với các doanh nghiệp, tạo cho sinh viên cơ hội việc làm tốt hơn, hạn chế các rủi ro và cũng giúp doanh nghiệp tìm được người đồng hành với mức chi phí tiết kiệm hơn.” – Nhóm trưởng Hồ Sỹ Quang Trung tâm sự.
Nhóm dự án nền tảng “EASYFREELANCE” thuyết trình trước Ban Giám khảo |
Dự án trên được các thành viên xây dựng phát triển phân chia mảng lĩnh vực dựa trên ngành học của sinh viên, từ đó giúp họ dễ dàng định hướng và tìm được công việc mình có thể làm.
Sẻ chia trách nhiệm xã hội
Từ góc độ sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, nhóm sinh viên đến từ Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, gồm Trương Quốc Đạt; Trần Lê Diệp Anh; Nguyễn Lê Phương Uyên; Phạm Minh Thảo, đã đồng hành cùng nhau xây dựng dự án Weshare – kết nối sẻ chia. Y tưởng dự án nhóm triển khai đầy tính nhân văn, nhằm ra một nguồn quỹ bền vững cho các mục tiêu xã hội, từ các tiêu dùng hàng ngày của mọi người.
Dự án Weshare của nhóm thực hiện, khởi nguồn từ thực tế xu hướng tiêu dùng thông qua các trang thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Với mỗi đơn hàng người tiêu dùng mua sắm trên các trang thương mại điện tử, sẽ có một phần giá trị nhất định, được trích ra cho một tổ chức xã hội mà người tiêu dùng muốn quyên góp. Phần trích gây quỹ không phải do người tiêu dùng chi phí, mà chính là trích từ các thương hiệu, các doanh nghiệp khi bán được hàng, người tiêu dùng yêu cầu chuyển phần trích này đến một tổ chức xã hội mà mình tin tưởng để gây quỹ.
“Được nhóm xây dựng từ cuối năm 2020, và đưa ra thị trường vào tháng 6-2021. Chỉ qua một thời gian ngắn, hiện tại ứng dụng Weshare của nhóm đã có mặt trên 4 nền tảng và khoảng 10 nghìn người dùng. Đến nay đã gây quỹ được gần 100 triệu đồng, trích từ khoảng 11 nghìn đơn hàng quyên góp cho các tổ chức xã hội. Tương ứng với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, các thương hiệu.” – nhóm trưởng Trương Quốc Đạt cho biết.
Dự án Weshare – kết nối sẻ chia, nhằm ra một nguồn quỹ bền vững cho các mục tiêu xã hội, từ các tiêu dùng hàng ngày của mọi người. |
Nhóm dự án cho biết, việc các tổ chức xã hội sử dụng quỹ quyên góp trên như thế nào, đều được công khai minh bạch, để dư luận và người tiêu dùng nắm được, đảm bảo các mục tiêu ý nghĩa nhân văn sẻ chia mà nhóm xây dựng hướng tới.
Nắm bắt xu thế thời đại
Góp mặt trong ngày hội khởi nghiệp lần thứ 4 năm 2022, nhóm sinh viên đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội “trình làng” sản phẩm từ dự án “Thiết bị hỗ trợ giám sát truyền dịch trong y tế, kết hợp phần mềm quản lý dữ liệu điều trị”. Dự án xuất phát từ thực trạng “quá tải” của ngành y tế.
“Trước thực tế khối lượng áp lực công việc mà các y bác sĩ đối mặt rất lớn. Nhóm chúng em là các sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, lên ý tưởng dự án ứng dụng bức xạ hồng ngoại chế tạo thiết bị hỗ trợ giám sát truyền dịch trong y tế và quản lý thông tin của bệnh nhân thông qua cơ sở dữ liệu tập trung. Sản phẩm được thiết kế trên một hệ thống có khả năng hỗ trợ giám sát tốc độ, tính toán và cảnh báo sự cố cho các y bác sĩ trên phần mềm quản lý dữ liệu bệnh nhân khi sử dụng bình truyền dịch. Hiện sản phẩm đã được thử nghiệm thành công ở một số cơ sở y tế, và dự kiến sẽ có sản phẩm thương mại vào cuối năm 2022” – Nhóm trưởng Vũ Danh Tiến thông tin.
Giá trị của dự án nhằm đem lại giải pháp hỗ trợ các y bác sĩ trong quá trình giám sát truyền dịch, giúp giảm tải áp lục công việc, cũng như nhân lực trong ngành y tế. Một bác sĩ có thể giám sát được nhiều bệnh nhân cùng lúc. Thông qua tài khoản trên app, người nhà bệnh nhân cũng có thể theo dõi quá trình điều trị.
Nhóm trưởng Vũ Danh Tiến bên sản phẩm dự án "Thiết bị hỗ trợ giám sát truyền dịch trong y tế, kết hợp phần mềm quản lý dữ liệu điều trị” |
Theo tính toán của nhóm triển khai dự án, thiết bị nhóm thiết kế có chi phí dự kiến khoảng 3 triệu đồng/1 sản phẩm cộng với phần mềm quản lý, sử dụng trong thời gian 3 đến 5 năm (so với sản phẩm có cùng công năng do Nhật sản xuất có giá chi phí 25 triệu đồng, chưa kể tiền vật tư tiêu hao). Điều đặc biệt của dự án, là hồ sơ dữ liệu bệnh nhân được lưu thẳng vào hệ thống. Việc này rất có ý nghĩa trong thăm khám điều trị bệnh nhân (tiết kiệm thời gian của bác sĩ và chi phí của bệnh nhân) và trở thành xu thế của đất nước trong điều kiện hiện nay, khi mỗi người sẽ có mã định danh cá nhân.
Trong không khí từng bừng ở Ngày hội khởi nghiệp, những gương mặt trẻ rạng ngời tự tin, chung niềm vui nụ cười, chung niềm khát vọng khởi nghiệp, lập thân, chinh phục thử thách, sẵn sàng góp sức lực và trí tuệ cho ước mơ Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Bằng bản lĩnh, kiến thức và tinh thần sáng tạo, cộng với nỗ lực bản thân, họ tự tin trình bày ước mơ hoài bão của mình thông qua các dự án khởi nghiệp thiết thực, bám sát thực tế cuộc sống, theo đuổi mục tiêu thúc đẩy sự phát triển xã hội, chất chứa nhiều giá trị nhân văn vì cộng đồng.Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại