Thứ sáu 22/11/2024 11:44

Ngành y tế tăng cường chăm sóc sức khỏe phụ nữ mãn kinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày Mãn kinh thế giới (World Menopause Day) được Hiệp hội mãn kinh thế giới lựa chọn từ năm 2009 và được tổ chức định kỳ vào 18/10 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của Mãn kinh đến sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ.
Ngành y tế tăng cường chăm sóc sức khỏe phụ nữ mãn kinh
Theo bà Lưu Thị Hồng - nguyên Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh là vấn đề cấp thiết. Ảnh: TP

Ngày Mãn kinh thế giới năm 2024 được tổ chức với chủ đề “Liệu pháp nội tiết mãn kinh”, nhằm khuyến khích phụ nữ trên toàn cầu tiếp cận dễ dàng hơn với giải pháp điều trị này. Đây cũng là giải pháp được nhiều hiệp hội y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo sử dụng đầu tay trong điều trị các rối loạn mãn kinh.

Nhân dịp này, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tổ chức Hôi thảo khoa học “Hưởng ứng Ngày Mãn kinh thế giới năm 2024: Liệu pháp nội tiết mãn kinh”, nhằm nhấn mạnh vai trò của ngành y tế và cộng đồng phụ nữ, trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe tuổi mãn kinh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ ở giai đoạn tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh (45-69 tuổi) cần được chăm sóc sức khỏe. Sau mãn kinh, phụ nữ có thể sống thêm 20-30 năm, nhưng phải đối diện với rất nhiều vấn đề ở độ tuổi này như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, rối loạn giấc ngủ, cảm giác mệt mỏi, bực bội vô cớ, khô rát âm đạo, giảm ham muốn tình dục, đau cơ-xương-khớp, loãng xương, … gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Vấn đề suy giảm nội tiết dẫn đến tiền mãn kinh và mãn kinh là quá trình sinh lý trong cuộc đời bất cứ người phụ nữ nào. Tuy nhiên, theo ông Đinh Anh Tuấn, nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm, đa số "cam chịu" giai đoạn này.

Chuyên ngành Sản Phụ Khoa đóng vai trò chính trong công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe tuổi mãn kinh. Tuy vậy, các chuyên gia lại chưa thực sự quan tâm đến nhóm bệnh nhân này, do thiếu thời gian và nguồn lực để tư vấn, điều trị bệnh. Bên cạnh đó, phần lớn phụ nữ gặp các triệu chứng rối loạn mãn kinh lại lầm tưởng rằng những biểu hiện này có liên quan đến các chuyên khoa khác như thần kinh, cơ-xương-khớp, … Việc chưa tìm đúng chuyên khoa tư vấn, khiến phụ nữ mãn kinh chưa nhận được sự chăm sóc và điều trị tốt về bệnh lý thực sự của mình.

Vì vậy, với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe sinh sản, năm 2024 Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phối hợp với các chuyên gia sản phụ khoa, các bệnh viện phụ sản được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến đang chỉnh sửa, cập nhật Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành năm 2016. Trong đó, nội dung chăm sóc sức khỏe phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh được xây dựng thành một chương riêng, độc lập, đầy đủ nội dung hơn, thay thế cho Hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản phiên bản cũ – chỉ có duy nhất 1 nội dung tổng quan về mãn kinh. Hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khoẻ phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh được xây dựng và ban hành năm 2024 là căn cứ để cán bộ y tế các tuyến thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh; hướng dẫn các chuyên gia y tế về đào tạo nguồn nhân lực, triển khai các đơn vị phòng khám tư vấn mãn kinh tại các bệnh viện Sản Phụ khoa nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe mãn kinh; đồng thời truyền thông giáo dục cho cộng đồng phụ nữ thông qua các hoạt động tương tác trên kênh y tế. Từ đó, chúng ta đang góp phần giảm thiểu gánh nặng trong việc chăm sóc sức khỏe xã hội nói chung; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em phụ nữ, cải thiện hiệu quả, năng suất làm việc trong cộng đồng.

Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng - nguyên Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam cho biết, độ tuổi mãn kinh trung bình tại các nước phát triển là 51-52 tuổi. Tại Việt Nam, độ tuổi mãn kinh trung bình là 48-50 tuổi. Tuy nhiên sau 35 tuổi, số lượng nang noãn buồng trứng ở phụ nữ giảm, nội tiết bắt đầu thay đổi.

Theo bà Lưu Thị Hồng, sau mãn kinh, phụ nữ còn sống thêm 20-30 năm, tương đương một phần ba cuộc đời, nhưng phải đối mặt với suy giảm chất lượng cuộc sống với nhiều triệu như bốc hỏa, mất ngủ, mệt mỏi, khô rát âm đạo, giảm ham muốn tình dục, đau xương khớp, loãng xương và các hậu quả lâu dài về tim mạch, suy giảm trí nhớ. Vì vậy, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh là vấn đề cấp thiết.

Bộ Y tế đang xây dựng Hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khoẻ phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh; hướng dẫn đào tạo nhân lực, triển khai phòng khám tư vấn mãn kinh tại các bệnh viện Sản Phụ khoa; truyền thông giáo dục cho cộng đồng phụ nữ chủ động đến khám và điều trị.

Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mãn kinh cần chú ý dinh dưỡng, tập thể dục, giữ tinh thần lạc quan, khám sức khỏe định kỳ, chủ động tham khảo ý kiến bác sĩ về bổ sung nội tiết.

Tại hội thảo, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em kêu gọi cộng đồng, phụ nữ cùng chung tay ngành y tế, hưởng ứng ngày mãn kinh thế giới 2024, với những hành động cụ thể:

Chủ động chia sẻ với bác sĩ về sức khỏe và các triệu chứng rối loạn liên quan mãn kinh để được tư vấn điều trị tốt nhất.

Thường xuyên cập nhật thông tin chính thống, tin cậy từ ngành y tế về lợi ích và nguy cơ của liệu pháp nội tiết mãn kinh, để lựa chọn phù hợp cho cá nhân.

Mãn kinh không còn là nỗi lo, khi việc sử dụng liệu pháp nội tiết mãn kinh ngày càng được hiểu rõ hơn, an toàn hơn, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm các rối loạn mãn kinh và mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe phụ nữ.

Trong các trị liệu nội tiết mãn kinh, ngành y tế và các hiệp hôi y khoa thế giới khuyến cáo sử dụng estrogen nguồn gốc tự nhiên (17 beta-estradiol), có tính chất tương tự nội tiết cơ thể. Dạng đường dùng thuốc thẩm thấu qua da tạo hiệu quả tốt, ít tác dụng phụ so với các dạng đường uống và dạng gel bôi linh hoạt cá thể hóa liều dùng.

Đồng thời, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em khuyến cáo hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn sử dụng, để có thể sống vui, khỏe và tự tin theo đuổi đam mê ở tuổi hậu mãn kinh.

Rửa tay với xà phòng có thể giảm thiểu 40% nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm Rửa tay với xà phòng có thể giảm thiểu 40% nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động