Chủ nhật 24/11/2024 16:32

Ngành tài chính, ngân hàng luôn tiên phong trong chuyển đổi số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế nhanh hơn khi bộ phận lớn người tiêu dùng đang có xu hướng ưa thích thanh toán không tiền mặt và sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số kể cả khi đại dịch kết thúc và duy trì thành thói quen lâu dài.
Ngành tài chính, ngân hàng luôn tiên phong trong chuyển đổi số
Ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số nhưng cũng là mục tiêu ưa thích của tội phạm mạng để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Hành vi của khách hàng đã có sự thay đổi

Tại hội thảo “Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, bà Đặng Tuyết Dung, GĐ Visa Việt Nam và Lào, cho biết: Theo khảo sát của Visa, số lượng giao dịch tiền mặt của người tiêu dùng trung bình đã giảm kể so với trước thời điểm dịch bệnh Covid -19 và được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục giảm trong tương lai.

Cụ thể, có ít nhất 3 trong số 5 người tiêu dùng Việt Nam cho biết mang ít tiền mặt trong ví hơn so với trước đây. Lý do chính là họ đã quen với việc thanh toán bằng thẻ và các phương thức không chạm tới tiền mặt.

Những người được khảo sát cho biết trước dịch Covid-19, cứ 10 giao dịch thì có 6,8 giao dịch là trả tiền mặt nhưng trong dịch, con số này giảm xuống chỉ còn 5,4 giao dịch. Số lượng giao dịch tiền mặt trung bình cũng giảm đáng kể từ trước dịch và 65% người nói rằng giảm tiền mặt trong ví để chuyển sang thanh toán thẻ, ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc…

Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng GĐ, GĐ Khối Khách hàng cá nhân - Ngân hàng VPBank cho biết: Thời gian qua với Cách mạng công nghiệp 4.0, hành vi của khách hàng đã có sự thay đổi nhất định. Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng Mobile banking đã tăng trưởng từ 42% trong năm 2019 lên gần 70% trong năm 2020 và 2021; hay là Internet banking cũng đã tăng gấp đôi, từ 32% lên đến 72 % trong 2 năm qua.

Hành vi của khách hàng sẽ tiếp tục thay đổi mang tính chất vĩnh viễn và họ sẽ tiếp tục sử dụng thêm nhiều hơn nữa những sản phẩm số hóa chứ không dừng lại bởi vì câu chuyện Covid-19, cho nên mới sử dụng số hóa, ông Phùng Duy Khương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc lấy khách hàng làm trung tâm có vai trò quan trọng khi các ngân hàng đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ và nhân lực để phát triển hệ sinh thái tiện ích số nhằm đón đầu những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.

Chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 đã nêu rõ một trong ba nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các chủ trương, chính sách là phát triển kinh tế số. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng, tài chính được xác định là một trong ngành ưu tiên và tiên phong.

Tuy nhiên, để thúc đẩy chuyển đổi số đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 52 yêu cầu các vấn đề về thể chế, chính sách cần tiếp tục được hoàn thiện. Cụ thể, các quy định không chỉ tập trung hoàn thiện trong lĩnh vực thanh toán truyền thống như trước đây, mà cần hoàn thiện chính sách cũng như tạo ra môi trường vừa cạnh tranh đồng thời hợp tác cùng phát triển giữa các ngân hàng thương mại với các Cty công nghệ tài chính và các DN công nghệ lớn.

Các mô kinh doanh tài chính mới này không chỉ đặt ra các khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát mà đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, đặc biệt là Luật giao dịch điện tử cũng như các khuôn khổ pháp luật khác.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Để thực hiện mục tiêu nói trên, cần có sự tham gia, phối hợp tích cực từ các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan không chỉ là ngành ngân hàng.

Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Chuyển đổi nhận thức; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ Cách mạng Công nghiệp 4.0 để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp; bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng…

Ông Lê Quang Hà, GĐ sản phẩm Cty an ninh mạng Viettel, thông tin ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số nhưng cũng là mục tiêu ưa thích của tội phạm mạng để chiếm đoạt tiền của khách hàng, dữ liệu của ngân hàng.

Ông Lê Quang Hà khuyến nghị, hình thức phổ biến nhất là hacker gửi tin nhắn chứa đường link giả mạo trang web của ngân hàng về tri ân, trúng thưởng... khi khách hàng nhấp vào sẽ mất thông tin, mã OTP và mất tiền trong tài khoản…

Thủ đoạn gần đây là kẻ gian sử dụng thiết bị phát sóng giả mạo để gửi tin nhắn SMS mạo danh thương hiệu ngân hàng, chi phí của thiết bị này rẻ nhưng rất khó phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để. Vì vậy, khi chuyển đổi số cho ngân hàng thì an toàn thông tin cũng phải được chuyển đổi.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động