Nam phạm nhân nước mắt lưng tròng khi nhắc đến mẹ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLời chửi vu vơ bị hiểu nhầm
“Tôi là con trai duy nhất trong nhà, lại là anh cả. Đáng ra tôi phải là chỗ dựa của bố mẹ và hai em nhưng cuối cùng đã không làm tròn trách nhiệm của mình còn khiến cả nhà phải liên lụy”, Tiến bộc bạch ngay suy nghĩ của mình khi bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi. Thanh niên này thẳng thắn cho biết, muốn chuyện của mình làm bài học cho nhiều bạn trẻ khác nên sẽ không giấu giếm.
Tiến sinh ra trong một gia đình nghèo, thậm chí là rất nghèo theo nhận xét của nam phạm nhân này. Bố mẹ đều là những người lao động chất phác, tuy chăm chỉ nhưng tháng nào cũng phải giật gấu vá vai bởi ngoài căn nhà nhỏ làm nơi tá túc của gia đình 5 người ra, bố mẹ Tiến chẳng có lấy một mảnh ruộng nào để tăng gia. Nguồn thu nhập của cả gia đình trông chờ vào tấm lưng cửu vạn của bố và đôi bàn tay rửa bát thuê của mẹ. Anh em Tiến cứ vậy lớn lên và dù cuộc sống có túng thiếu song cả ba anh em đều được bố mẹ lo cho ăn học đến nơi đến chốn. Năm Tiến học lớp 9, bố bất ngờ bị tai nạn khi đang bốc hàng thuê và kể từ đó ông không thể làm việc nặng được nữa. Trước cảnh nhà khốn khó, mọi chi tiêu đổ dồn lên lưng mẹ, Tiến không đành lòng nên quyết định nghỉ học. “Tôi cũng từng có dự định sau này thi lấy một nghề gì đó để đi làm đỡ đần bố mẹ nhưng chuyện không may đã xảy ra nên đành phải nghỉ học”, Tiến kể.
Tham gia vào chân chạy bàn ở các quán ăn, Tiến cũng kiếm được một khoản tiền về phụ đỡ mẹ thuốc thang cho bố. Tiếc là bố Tiến, vì không thể lao động nặng như trước kia nữa nên hàng ngày chứng kiến cảnh vợ con vất vả, ông đã trở nên tiêu cực và rượu đã trở thành phương thuốc mà ông sử dụng để trốn tránh và quên đi sự trớ trêu đang hiện hữu trong gia đình mình. Thương bố, nhiều lúc Tiến cũng ngồi uống rượu với ông, bố con cùng tâm sự. Thế nhưng khi đã trở nên nát rượu thì bố Tiến thường buông ra những lời hằn học để rồi cuối cùng là những câu cay độc chửi vợ con. Trong một lần bị bố vô cớ mắng chửi, Tiến tâm sự với đám bạn và được những người bạn này rủ đi chơi cho khuây khỏa. “Tôi có ba thằng bạn thân, cùng cảnh áo vải, dân lao động cả thôi. Chúng tôi đi ăn, uống rượu rồi đi hát karaoke”, Tiến nhớ lại.
Theo tài liệu điều tra, khoảng 17g ngày 3-11-2007, Tiến được ba người bạn rủ đến nhà Bích, một người bạn trong nhóm ăn cơm và uống rượu. Sau khi ăn xong, cả nhóm kéo nhau đi hát karaoke. Đến khoảng 21g30, nhóm của Tiến hát xong thì Tiến cùng một người bạn ra ngoài trước và trong lúc chờ bạn thanh toán tiền, Tiến và người bạn này đứng nói chuyện ở sân. Trong lúc hai người đang nói chuyện thì một thanh niên từ trong nhà đi ra, vừa đi vừa chửi đổng. Cho rằng người này có ý chửi mình, Tiến liền xô tới gây sự dẫn tới hai bên đôi co và có lời thách thức nhau. Tiến túm tóc thanh niên lạ mặt, giúi đầu anh ta xuống đồng thời thọc tay vào túi quần lấy con dao nhọn cầm ở nhà Bích đi để gọt hoa quả, đâm hai nhát vào đối phương khiến người này thiệt mạng trên đường đi cấp cứu. “Lúc đó tôi say quá có biết gì đâu. Vì tôi say nên các bạn mới bảo không hát nữa. Ai ngờ…”, Tiến lắc đầu buồn bã. Nam phạm nhân này tỏ ra ân hận khi bảo không hề quen biết nạn nhân và mãi tới khi hầu tòa mới biết người bị mình cướp đi mạng sống tên là Dương.
Phạm nhân Phan Trung Tiến. Ảnh: N.Vũ |
Rơi lệ khi nhắc tới cha mẹ
Về trại giam Ngọc Lý cải tạo bản án chung thân, Tiến bảo lần đầu nghe tòa tuyên phạt 20 năm tù đã mất mấy đêm không ngủ. Nhưng khi gia đình bị hại kháng cáo, mức án dành cho Tiến nặng hơn song tâm trạng của Tiến khi ấy lại không có cảm giác gì. “Lúc nghe tòa tuyên tôi 20 năm tù, tôi thấy tâm tư mình nặng trĩu nhưng đến lúc nhận bản án nặng hơn thì trong tôi vẫn chỉ có suy nghĩ thế là lại phải xa nhà lâu hơn rồi”, Tiến bộc bạch.
Thanh niên này bảo có hai điều khiến anh ta ân hận nhất đó là không thể làm tròn chữ hiếu ngày bố mất và mẹ đau ốm bệnh tật mà không lo thuốc thang được cho mẹ.
Nhà nghèo nên việc thăm gặp của gia đình Tiến đếm trên đầu ngón tay. Cố gắng lắm thì mỗi năm mẹ Tiến tới thăm con trai một lần vào dịp gần Tết. Hai năm nay, Tiến không có người thăm gặp mà chỉ gửi quà theo đường bưu điện. Mỗi lần được gọi điện về nhà, Tiến thường trò chuyện với mẹ và nhận được câu trả lời rằng mọi chuyện ở nhà vẫn bình thường. Mãi tới tháng vừa rồi trò chuyện với cô em gái út, Tiến mới biết mẹ đang bệnh nặng phải nghỉ ở nhà. “Tôi đã khóc rất nhiều, thậm chí mất cả tuần không sao chợp mắt được vì cái tin mẹ bệnh tật hành hạ. Tôi thấy mình là đứa con bất hiếu, người anh chẳng ra gì”, Tiến nói, đôi mắt rớm lệ.
Cải tạo lao động ở đội làm mi giả, công việc của Tiến không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mẩn. Tiến bảo đã quá quen với những đòi hỏi ấy bởi tính đến nay, anh ta đã làm việc ở đây được hơn chục năm rồi.
Nói về dự định của mình, Phan Trung Tiến bảo mặc dù thời gian ở trại còn dài nhưng vẫn luôn ấp ủ một kế hoạch cho ngày trở về. “Nói thì xa vời nhưng với nhiều năm xếp loại khá tôi tin tưởng sẽ tới ngày được xét giảm xuống án có thời hạn và ngày trở về của tôi sẽ không còn bao xa nữa. Tôi dự định sau này về sẽ xin làm đại lý bán hàng cho Cty gốm sứ, nơi mà tôi đã từng làm việc trước khi vào đây. Đến lúc đó tôi sẽ có tiền để thuốc thang, chữa bệnh cho mẹ. Chỉ mong mẹ giữ gìn sức khỏe đợi được tôi trở về”, Tiến tâm sự.
Nói rồi thanh niên này lặng lẽ quay đi. Dường như anh ta đang cố để chúng tôi không nhìn thấy những giọt nước đang chuẩn bị tràn ra nơi khóe mắt. Hẳn là Tiến đang rất ân hận và day dứt khi nhắc đến người mẹ một đời lam lũ của mình.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại