Năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa đặt mục tiêu đóng góp 10% GRDP của TP Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLễ hội đường phố TP Hà Nội. Ảnh Khánh Huy |
Phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Kế hoạch nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của TP.
Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng gồm: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh, Thiết kế, Ẩm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí. Đồng thời quan tâm phát triển các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Điện ảnh, Truyền hình và Phát thanh, Xuất bản, Thời trang…
Mục tiêu đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực.
Phấn đấu doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố. Duy trì phát triển ổn định, bền vững các ngành: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Thiết kế, Ẩm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí.
Đẩy mạnh phát triển các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Điện ảnh. Tiếp tục phát triển các ngành: Nhiếp ảnh và Triển lãm, Thời trang, Truyền hình và Phát thanh, Xuất bản...
Mục tiêu đến năm 2045, ngành CNVH Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác; là tiền đề để xây dựng Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa và bền vững; trở thành thành phố kết nối toàn cầu, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại và Sáng tạo, ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực. Hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.
Tăng cường giới thiệu sản phẩm làng nghề qua sự kiện du lịch |
Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, xúc tiến đầu tư, quảng bá, phát triển các loại hình CNVH sẵn có lợi thế, tiềm năng, đảm bảo phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Trong đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích cho người dân và doanh nghiệp các cơ chế hợp tác công - tư trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển văn hóa; khuyến khích xây dựng, hình thành, phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức hợp tác công - tư để phát triển văn hóa.
Nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi di sản công nghiệp, biệt thự cũ, di sản đô thị... thành các không gian sáng tạo văn hóa mới phục vụ phát triển CNVH.
Xây dựng cơ chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đặc thù đối với các khu vực phố cổ, phố cũ, làng cổ, khu vực hai bên bờ sông Hồng…
Rà soát, đề xuất cơ chế chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội thúc đẩy phát triển CNVH Thủ đô.
Đẩy mạnh phát triển chương trình "Nghệ thuật với học đường” nhằm giáo dục nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ, góp phần hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh trên địa bàn TP. |
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
Theo kế hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ kế cận có trình độ chuyên môn cao, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành CNVH trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhà sáng tạo, văn nghệ sĩ, nghệ nhân… có quá trình cống hiến, đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển văn hóa và CNVH Thủ đô; Khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy, hỗ trợ trao truyền tri thức, kỹ năng, bí quyết thực hành; phát huy thế mạnh của các nhà hát của ngành làm hạt giống phát triển ngành CNVH của Thủ đô.
Khuyến khích và cử cán bộ có trình độ, nghệ sĩ, diễn viên… xuất sắc đi đào tạo, học tập kinh nghiệm tại các nước có nền CNVH phát triển; hình thành và phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia chất lượng cao.
Bồi dưỡng năng lực sáng tạo thông qua tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, diễn đàn Mạng lưới sáng tạo… góp phần mở rộng, phát triển các nguồn nhân lực để tạo ra các sản phẩm văn hóa có hàm lượng thiết kế sáng tạo và chất lượng cao, xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế cho các ngành CNVH của Thủ đô.
Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện chương trình giáo dục sáng tạo trong hệ thống giáo dục Thủ đô. Triển khai chương trình “Sân khấu học đường, “Nghệ thuật với học đường” nhằm giáo dục nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ, góp phần hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh trên địa bàn TP.
Xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho du lịch văn hóa, chú trọng nhân lực quản lý, hướng dẫn viên du lịch, cộng đồng dân cư địa phương có tài nguyên du lịch văn hóa và nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ hoạt động du lịch đạt chất lượng cao.
Có cơ chế hỗ trợ để phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi; tạo điều kiện để các nghệ nhân tham gia công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề đặc biệt là đối với một số nghề thủ công truyền thống có giá trị văn hóa đang có nguy cơ mai một.
Về tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản tư liệu, tên đường phố Hà Nội, thông tin về Mạng lưới thành phố Sáng tạo Hà Nội để quản lý, kết nối, chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.
Xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, đề xuất nhu cầu và nội dung cụ thể để Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa mới trên địa bàn TP trong đó tập trung vào đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nhằm hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CNVH Thủ đô.
Xây dựng đề án hình thành các khu vực, trung tâm hoạt động văn hóa nghệ thuật của Thủ đô, Trung tâm biểu diễn Nghệ thuật Quốc gia, các Chương trình giới thiệu tinh hoa văn hóa các Thủ đô trên thế giới và văn hóa đặc sắc các vùng miền; thúc đẩy phát triển các loại hình nghệ thuật, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành CNVH.
Ngoài ra, Kế hoạch đề xuất xây dựng các hoạt động về thu hút và hỗ trợ đầu tư, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và triển khai các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo.
Nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh” | |
Xây dựng Nghị quyết chuyên đề về ''Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025'' |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại