Năm 2022 tăng trưởng tín dụng khoảng 14%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTính từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đã dành hơn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ triển khai các hoạt động an sinh xã hội trên toàn quốc |
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Cùng với đó, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN và mọi tầng lớp dân cư.
Về nợ xấu, ông Đào Minh Tú cho biết, đây là một trong những thách thức đối với hệ thống trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ nợ xấu (gồm nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã tăng lên 3,79%.
Nếu xét đến các tác động của dịch, các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi) có nguy cơ thành nợ xấu, tỉ lệ này lên tới 8,2% (con đánh giá dự báo, cuối năm 2020 là 5,08%).
Về vấn đề lãi suất, ông Đào Minh Tú cho biết, sẽ được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, DN và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu.
Phương án tín dụng sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch. Không tập trung vốn cho những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản bao gồm đầu cơ, vốn cho dự án lớn với rủi ro hệ số cao; thị trường chứng khoán đầu cơ, tăng trưởng nóng không giúp thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định…
Ngành Ngân hàng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu rút tiền mặt của người dân
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), dự báo nhu cầu rút tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2022 sẽ không căng thẳng như mọi năm.
Việc rút tiền mặt giảm bớt là do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người dân, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử, từ hệ thống ATM sang các hệ thống thanh toán khác như thanh toán 24/7, điểm thanh toán chấp nhận thẻ, thanh toán bằng di động…
Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tương đối tốt. Trong 10 tháng của năm 2021, giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%...
Ngân hàng Nhà nước luôn coi trọng và xác định quản lý tiền mặt là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quản lý, điều hành. Việc bảo đảm an toàn kho quỹ trong hệ thống ngân hàng được Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định đã được ban hành.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn yêu cầu các ngân hàng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022; giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền.
Có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn); hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc của khách hàng trong quá trình giao dịch qua ATM, ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp ATM nuốt thẻ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại