Thứ hai 20/05/2024 14:15

Năm 2013, Hà Nội sẽ lắp camera tại các bộ phận “một cửa”!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Việc khảo sát nhằm đánh giá sự hài lòng của người dân trong quá trình giải quyết TTHC đã được thực hiện trong tháng 7-2012. Kết quả, việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các TTHC được đánh giá cao (đạt 80% trở lên).

2012 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức điều tra xã hội học để đánh giá, nhận xét về năng lực, trách nhiệm, thái độ phục vụ của Cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) trong giải quyết TTHC. Nhân dịp năm mới, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng đã dành cho báo PL&XH cuộc trao đổi về kết quả khảo sát cũng như nguyên do của việc Hà Nội chọn năm 2013 là năm “Kỷ cương hành chính”.

- Những năm gần đây, TP Hà Nội thường chọn công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá. Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà Hà Nội đã đạt được?

+ Những năm gần đây, công tác CCHC của Hà Nội đã được tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung CCHC. Nhiều lĩnh vực đã có sự chuyển biến tích cực như: quy trình, chất lượng soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; công tác xây dựng kế hoạch CCHC; công tác tuyên truyền, quán triệt, bồi dưỡng, hướng dẫn CCHC; công tác thanh, kiểm tra CCHC... Trong đó, hoạt động thanh tra được tăng cường, mang tính chuyên sâu, qua đó đã kịp thời khắc phục những tồn tại, khuyết điểm. Việc rà soát, đơn giản hóa các TTHC cũng được thực hiện tốt. Hiện UBND TP đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 175 TTHC, công khai trên Cổng giao tiếp điện tử TP 2.335 thủ tục (trong đó 1897 TTHC của sở, ban, ngành (gồm cả các cơ quan hiệp quản), 281 TTHC của khối quận, huyện, thị xã và 157 TTHC của khối phường, xã, thị trấn).

Đáng quan tâm, một số đơn vị đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 như: Sở Thông tin và Truyền thông (6 TTHC), huyện Từ Liêm (25 TTHC), quận Tây Hồ (4 TTHC), quận Thanh Xuân (3 TTHC), Cục Thuế Hà Nội (1 TTHC) và CATP Hà Nội (2 TTHC). TP đã chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình khung “cơ quan điện tử” tại các quận, huyện Long Biên, Tây Hồ, Từ Liêm, Thạch Thất, Chương Mỹ và 62 đơn vị điểm tại các xã, phường, thị trấn, để từ đó có thể nhân rộng ra toàn TP.

Việc điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức đã được thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ và khả năng của cán bộ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng công chức được thực hiện công khai, dân chủ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đang từng bước được nâng cao.

- Ông có thể chia sẻ kết quả điều tra xã hội học đánh giá, nhận xét về năng lực, trách nhiệm, thái độ phục vụ của CBCCVC trong thực hiện giải quyết TTHC? Người dân không hài lòng về điều gì nhất?

+ Năm 2012 là năm đầu tiên Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức điều tra xã hội học để đánh giá, nhận xét về năng lực, trách nhiệm, thái độ phục vụ của CBCCVC trong thực hiện giải quyết TTHC. Chúng tôi tổ chức làm hai đợt, một đợt khảo sát tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính về sự hài lòng của người dân trong quá trình giải quyết TTHC, một đợt khảo sát về thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của CBCCVC trong thực hiện giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP. Hiện đợt hai đang được thực hiện và chưa có kết quả.

Việc khảo sát nhằm đánh giá sự hài lòng của người dân trong quá trình giải quyết TTHC đã được thực hiện trong tháng 7-2012. Kết quả, việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các TTHC được đánh giá cao (đạt 80% trở lên); quá trình giải giải quyết TTHC đạt được những chuyển biến tích cực (88,6% ý kiến cho rằng giải quyết TTHC đúng hẹn; 87,6% ý kiến ghi nhận khả năng tiếp nhận hồ sơ nhanh, không sai sót); về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức có tới 93% ý kiến cho rằng đã nắm vững về quy trình, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết TTHC chỉ đạt 53,3 %. Dù đây là một kết quả chưa cao, nhưng tôi cho rằng, nếu so sánh với mức độ hài lòng của cuộc điều tra được thực hiện năm 2007 (mức độ hài lòng chỉ là 17,4%) thì đây là một kết quả tích cực, rất đáng ghi nhận.

Còn về phần chưa hài lòng thì có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan mà nói, hiện nhiều cơ chế, chính sách cũng chưa rõ ràng, gây khó khăn, lúng túng cho cán bộ trong giải quyết TTHC. Trong các nguyên nhân chủ quan, tôi cho rằng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức cũng là một nguyên do. Ví dụ, cùng cơ chế, chính sách nhưng nếu người cán bộ tận tình, hướng dẫn chi tiết thì có thể giúp người dân thực hiện TTHC nhanh hơn. Hoặc có vướng mắc nhưng các cơ quan liên quan chủ động tổ chức hội thảo để thống nhất cách giải quyết, hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ra văn bản hướng dẫn, sửa đổi để giải quyết…

Trách nhiệm của cán bộ, công chức mà tôi muốn nói ở đây là sự tâm huyết, trăn trở với công việc vì trách nhiệm này rất khó “bắt bẻ”. Còn trách nhiệm không được gây khó khăn cho người làm thủ tục, kiểu tiếp dân không niềm nở... thì có thể dễ khắc phục như lắp camera là bắt lỗi được ngay. Thực sự mà nói, để CCHC hiệu quả thì cán bộ, công chức phải tâm huyết, trăn trở với công việc.

- Ông có bình luận gì về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Hà Nội hiện nay?

+ Ngày 18-10-2011, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 08/CTr-TU về việc: "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015", đã khẳng định quyết tâm của TP xây dựng đội ngũ CBCCVC ở các cấp, các ngành có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Cụ thể, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp: Đổi mới công tác đánh giá và rà soát, đánh giá phân loại đối tượng, chất lượng, sắp xếp, bố trí đội ngũ CBCCVC cho phù hợp. Tăng cường đào tạo nâng cao phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp hành chính, bố trí camera giám sát, tổ chức điều tra xã hội học về ý thức, thái độ phục vụ của CBCCVC… Đồng thời, từng bước nâng cao mức thu nhập của đội ngũ CBCC làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc gây phiền hà, nhũng nhiễu khi tiếp xúc với tổ chức và công dân.
Mặt khác, Sở Nội vụ đang tham mưu với UBND TP sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao, quy chế đào tạo, bồi dưỡng CBCC và các quy định về giảng viên kiêm chức. Hiện, UBND TP đã phê duyệt Đề án "Thí điểm mở lớp đào tạo 1.000 công chức nguồn của TP giai đoạn 2012 - 2015", trong đó, yêu cầu về trình độ chuyên môn khi tuyển vào lớp nguồn cao hơn so với tuyển dụng vào công chức TP qua thi tuyển hàng năm.

- Năm 2013, Hà Nội chọn là năm “Kỷ cương hành chính”. Ông có thể cho biết vì sao và các giải pháp để thực hiện?

+ Hà Nội chọn năm 2013 là năm “Kỷ cương hành chính” không phải vì nền hành chính của mình mất kỷ cương, kém nghiêm minh nên phải xác lập lại, nhằm xác định công tác này trọng tâm hơn. Bởi, một trong những nguyên nhân khiến kết quả điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu là kỷ cương chưa thật nghiêm minh, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, để đạt được mục tiêu đề ra cần tăng cường hơn về kỷ cương để nâng cao hiệu quả quản lý của từng cơ quan đối với nhiệm vụ được giao.

Cùng với việc xác định năm 2013 là năm “Kỷ cương hành chính”, TP cũng đưa ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện CCHC như thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước về tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Bên cạnh đó, TP sẽ bố trí đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng công chức cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, giáo dục thái độ ứng xử của CBCCVC và hoàn thiện, bổ sung chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức làm CCHC.

Đồng thời, duy trì và đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Năm mới, chúng tôi cũng tiếp tục điều tra xã hội học để đánh giá về trách nhiệm phục vụ của các cơ quan, đơn vị và CBCCVC trong giải quyết TTHC và coi trọng chỉ số đánh giá CCHC trong công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm…

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Bài, ảnh: Hải Lý

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động