Thứ bảy 20/04/2024 18:01

Mua trái phiếu, nâng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những sai phạm trong phát hành, mua bán, tư vấn, phân phối trái phiếu DN (TPDN) thời gian qua đã khiến kênh gọi vốn này trở nên trầm lắng sau một thời gian dài sôi động.

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra ngập ngừng với các quyết định mua bán. Ngoài sai phạm liên quan đến các đơn vị, tổ chức, thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tính chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong đầu tư trái phiếu là việc cần làm ngay để trái phiếu riêng lẻ thực sự là thị trường của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ai chịu trách nhiệm?

Sau sự việc liên quan đến chuyện Tân Hoàng Minh lừa dối khách hàng khi phát hành trái phiếu, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Nhân viên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội kiểm tra thông tin trái phiếu của doanh nghiệp trước khi đưa lên sàn. Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội kiểm tra thông tin trái phiếu của doanh nghiệp trước khi đưa lên sàn. (Ảnh: Phạm Hùng)

Trong khi nhà đầu tư Tân Hoàng Minh vẫn vất vả với hành trình đòi tiền mua trái phiếu của mình thì câu chuyện ai chịu trách nhiệm, lấy lại tiền mua trái phiếu như thế nào lại được quan tâm hơn bao giờ hết.

Về vấn đề này, tại cuộc họp báo thông tin về hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chiều 8/10, do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh khẳng định, khi người dân gửi tiền ngân hàng thì ngân hàng là nơi huy động vốn của người dân để kinh doanh tiền tệ.

Tiền gửi là tài sản và được đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp khi rút tiền. Với nhà đầu tư trái phiếu, người có trách nhiệm trả tiền đầu tư là công ty phát hành trái phiếu, cụ thể ở đây là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông.

“Trái phiếu là kênh đầu tư, huy động vốn khi một công ty có nhu cầu vay và kênh đầu tư này được thực hiện theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Khi DN phát hành trái phiếu thì phải đảm bảo trả tiền gốc và lãi cho nhà đầu tư vào ngày đáo hạn” - ông Tuấn nói.

Nói về rủi ro TPDN, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, rất cần truyền thông cho nhà đầu tư cá nhân, để họ ý thức được rủi ro TPDN cũng như nợ xấu trái phiếu. Rộng hơn, nhà đầu tư cần hiểu về Luật Phá sản DN vừa và nhỏ. “Nhiều người nghĩ rằng, phá sản là vi phạm pháp luật, nhưng thực tế không phải.

Nhiều chủ DN vừa và nhỏ làm việc rất tâm huyết và tuân thủ hoàn toàn các quy định pháp luật vẫn có thể gặp rủi ro như yếu tố thị trường, yếu tố tự nhiên bất khả kháng, dẫn tới phá sản và việc phá sản này nằm ngoài ý kiến chủ quan của họ. Không phải DN vừa và nhỏ nào phá sản cũng là xấu, lừa đảo kiếm tiền. Điều này có thể làm cho các nhà đầu tư hiểu lầm” - ông Quỳnh phân tích thêm.

Còn trên thị trường trái phiếu quốc tế, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT Fiin Group cho rằng, hầu hết các quốc gia có thị trường TPDN phát triển đều chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu nhất định. “Với Việt Nam, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư nên bình tĩnh khi tiếp nhận những thông tin này. Lãi suất TPDN cao hơn ngân hàng vì chuẩn thấp hơn ngân hàng và nếu có chậm trả gốc, trả lãi trái phiếu, thì cũng nên coi là điều bình thường. Thái Lan hay Malaysia cũng như vậy”- ông Thuân bình luận.

Nâng cao tính chuyên nghiệp

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Một trong những thay đổi quan trọng của Nghị định 65 là bổ sung các cơ chế, chính sách để nâng cao tính chuyên nghiệp, tính minh bạch, và tính tự chịu trách nhiệm với các chủ thể trong việc tham gia thị trường. Các chủ thể bao gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, tổ chức trung gian và cơ quan quản lý (từ Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính, HNX, VDS trong việc tạo dựng cơ sở hạ tầng lưu ký cũng như như giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ trên thị trường trong thời gian tới).

“Điểm mà tôi nghĩ rất quan trọng là quy định trách nhiệm đối với chính bản thân nhà đầu tư, tức khi tham gia thị trường phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin (không phải chỉ gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư không, mà còn gắn với trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu cũng như đại lý phát hành, xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp). Tất cả phải cùng hợp sức để cung cấp, minh bạch hóa thông tin” - ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết.

Theo ông Quỳnh, điểm quan trọng nhất của thị trường TPDN là tính minh bạch. Còn rủi ro thì trên thị trường có nhiều cấp độ cao thấp khác nhau. Tùy theo sự lựa chọn của cá nhân thì không thể cấm người ta được, nhưng khi họ chấp nhận rủi ro thì họ phải tự chịu trách nhiệm trên cơ sở minh bạch, không được phép tạo ra cơ chế mà để người lợi dụng sự không minh bạch (bất cân xứng thông tin) tạo ra sự hiểu lầm, tạo ra nhận định, đánh giá sai dẫn đến việc thiệt hại của các bên tham gia thị trường.

Trong quy định mới đã có điều khoản rất rõ ràng để đảm bảo tất cả các thành phần tham gia thị trường có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin và chịu trách nhiệm việc tham gia thị trường của mình khi chúng ta đã nắm rõ và có thông tin một cách đầy đủ.

Theo các chuyên gia, cấu trúc của thị trường vốn nói chung thiết kế rất nhiều kênh để DN huy động vốn, chứ không chỉ có mỗi trái phiếu phát hành riêng lẻ. Mỗi một sản phẩm đều có một vai trò riêng nhưng không thể thay thế được tất cả vai trò của thị trường.

Trái phiếu có trái phiếu phát hành công chúng và riêng lẻ, tính chất sản phẩm phục vụ cho đối tượng tham gia khác nhau, chứ không thể đánh đồng. Đã phát hành riêng lẻ thì phải dành cho đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp, mức độ công bố thông tin, vận hành của thị trường phải khác với phát hành công chúng.

Bởi phát hành công chúng có thể tiếp cận mọi nhà đầu tư, không giới hạn thì chuẩn mực phát hành phải cao hơn. Còn phát hành trái phiếu riêng lẻ, đương nhiên khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư chuyên nghiệp phải cao hơn so với nhà đầu tư thông thường.

Vì thế, Nghị định 65 đưa phát hành riêng lẻ về đúng bản chất, đặc biệt tăng tính chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm của các thành phần tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ tài chính, ngân hàng - Bộ Tài chính cho biết, tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư là một trong những rủi ro lớn có thể phát sinh trong thời gian vừa qua. Theo đó, việc nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư trái phiếu DN là một sửa đổi quan trọng của Nghị định 65.

Theo đó, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, đối với cả phương thức xác nhận nhà đầu tư theo danh mục đầu tư nhà đầu tư, phải đảm bảo có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng.

Đây là một điểm rất mới, tăng trách nhiệm của nhà đầu tư hơn khi khi đưa ra quyết định đầu tư của mình, đó là khi mua trái phiếu DN, nhà đầu tư phải đọc một bản công bố thông tin và phải tự mình kí vào bản đó, xác nhận mình tiếp nhận đầy đủ những thông tin DN công bố; đồng thời, nhà đầu tư phải hiểu pháp luật và chịu trách nhiệm về việc đầu tư trái phiếu DN của mình.

Một điểm nữa về nhà đầu tư, đó là nhà đầu tư sẽ không được tham gia vào các hợp đồng cùng đầu tư trái phiếu do các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác rao bán. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán DN, điều này sẽ giúp giải quyết một rủi ro rất lớn trong thời gian vừa qua.

“Có thể thấy, có những DN vi phạm hiện nay đang trong quá trình xử lý, họ đứng ra kêu gọi những nhà đầu tư không chuyên nghiệp tham gia vào một hợp đồng cùng đầu tư trái phiếu và bản thân nhà đầu tư khi tham gia hợp đồng lao động đó, cũng không sở hữu trái phiếu đó mà chỉ cùng tham gia. Hệ lụy rất lớn với bộ phận nhà đầu tư này. Nghị định 65 cũng bổ sung các quy định để giải quyết vấn đề đó” - ông Dương nói.

"Vừa rồi có một số DN chứng khoán đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử lý hình sự. Chúng tôi cho rằng, việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc vì người đảm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư là các nhà phát hành.

Khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật thì chúng tôi đã làm việc với các nhà phát hành để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các công ty phát hành đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư." - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

"Về khả năng "hô biến" thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, với các quy định hiện tại, riêng về năng lực tài chính, phải có 2 tỷ đồng tiền mặt và duy trì trong 180 ngày thì cơ hội lách cực kỳ khó. Nếu giả định nhà đầu tư đó không có đồng nào và phải chạy qua đêm như trước kia xảy ra thì phải có 360 tỷ đồng. Đó là điều hầu như không thể diễn ra với nhà đầu tư cá nhân. Thế nên rất khó để lách." - Chủ tịch HĐQT Fiin Group, ông Nguyễn Quang Thuân.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sắp đáo hạn sẽ tác động lớn đến nhiều lĩnh vực? Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sắp đáo hạn sẽ tác động lớn đến nhiều lĩnh vực?
Hà Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động