Mùa lễ hội với tâm thế đặc biệt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDo hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Lễ hội Gò Đống Đa năm nay không được tổ chức, nhưng người dân vẫn tới bái vọng từ xa. |
Tạm dừng các hoạt động phần hội
Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước, trải dài trong năm nhưng tập trung chủ yếu vào đầu xuân năm mới. Trước khi có dịch bệnh toàn cầu, các lễ hội đầu xuân tạo nét văn hóa đặc sắc, thu hút du khách thập phương tham gia hàng năm.
Để thích ứng với tình hình mới, tại các di tích trên địa bàn Hà Nội, các nghi thức dâng hương, tế lễ, tri ân các bậc tiền nhân có công với nước được thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm thành kính, trang nghiêm và nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng. Trong khi đó, các hoạt động phần hội được tạm dừng, hạn chế tối đa tập trung đông người để tránh những nguy cơ về dịch bệnh.
Tại huyện Mỹ Đức, nơi có lễ hội chùa Hương, một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, bên cạnh việc tuyên truyền bảo đảm văn minh lễ hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông... huyện đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, sẵn sàng lực lượng giám sát công tác phòng, chống dịch. Thời điểm đầu năm mới, chùa Hương luôn tấp nập khách hành hương vãng cảnh, trong đó, riêng ngày khai hội hằng năm, di tích đón khoảng 80.000 du khách. Năm nay, thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của UBND huyện Mỹ Đức về mở cửa tổ chức đón khách tới chùa Hương. Di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) sẽ đón khách trở lại từ ngày 16-2 sau gần 20 ngày tạm dừng khai hội để phòng dịch Covid-19. TP giao Sở Văn hóa Thể thao chủ trì, phối hợp Sở Y tế hướng dẫn huyện thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định.
Lễ hội gò Đống Đa tại Hà Nội hàng năm thu hút rất đông người dân tham gia, để bày tỏ lòng biết ơn tới người anh hùng áo vải Quang Trung và ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trải qua thăng trầm thời gian, đi dự lễ hội gò Đống Đa đã trở thành một nhu cầu thiết yếu với người dân trong những ngày đầu xuân năm mới. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Lễ hội Gò Đống Đa không được tổ chức, nhưng người dân vẫn tới bái vọng từ xa.
Lễ hội Đền Sóc hàng năm khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Lễ hội đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ và ngợi ca người anh hùng Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân dưới thời Vua Hùng Vương. Năm nay các nghi thức dâng hương, tế lễ được thực hiện từ sáng sớm, với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện Nhân dân địa phương trong đó chỉ duy trì phần lễ tri ân các bậc tiên thánh.
Chủ động phương án quản lý
Trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã xem xét giảm thời gian, quy mô tổ chức lễ hội. Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã “kích hoạt” hệ thống kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố với việc công bố rộng rãi đường dây nóng phản ánh thông tin liên quan đến hoạt động trên; tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra công tác phòng chống dịch trong hoạt động di tích và lễ hội từ ngày 5-2. Cùng với đó, các địa phương có lễ hội, nhất là các lễ hội lớn, thời gian kéo dài, thu hút đông người…, cũng đồng loạt xây dựng kế hoạch siết chặt phòng dịch mùa lễ hội, phân công cụ thể các đơn vị triển khai nhiệm vụ ngăn chặn từ xa việc tập trung đông người vào các ngày chính hội, đúng với chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và TP.
Nếu công tác phòng, chống dịch không đảm bảo, trường hợp nếu có bất trắc xảy ra thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Giảm quy mô, dừng tổ chức, xây dựng kịch bản ứng phó cũng là cách tốt nhất để hạn chế quá đông người tham gia và chủ động trong công tác tổ chức lễ hội.
Sự chủ động trong việc xây dựng các phương án quản lý, giám sát hoạt động lễ hội sẽ hướng tới mục tiêu làm sao vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại