Thứ hai 25/11/2024 02:38

Một tờ báo đẹp phải đặt “lợi ích” về phía độc giả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Với các ấn phẩm số Tết mỗi họa sĩ đều có một cách trình bày, nhưng tôi rất khâm phục người nào tạo ra được một “mã code” của riêng mình. Ví dụ như, ở trang bìa, ngoài hình ảnh và bố cục chính, họa sĩ sẽ vẽ ẩn một vài chi tiết mà chúng sẽ được xuất hiện liên tiếp trong các trang trong. Người chưa có kinh nghiệm thường không để ý nhưng thật ra nó tạo ra một sự liền mạch một cách vô thức theo các nguyên tắc về thị giác. Đó cũng là một nét riêng mà báo ngày không đủ “đất” để làm”, họa sĩ Minh Quân chia sẻ.

Ngày đầu đến với nghề “bếp núc”

Nhớ mùa đông năm 2008, tôi tình cờ được họa sĩ Quốc Hưng giới thiệu đến tòa soạn Báo Pháp luật và Xã hội để liên hệ thực tập trình bày báo. Sau khi nghe tôi đề đạt nguyện vọng, đồng chí Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bình dẫn tôi sang bên phòng làm việc của TKTS giới thiệu tôi với mọi người trong phòng và những ngày sau đó là những ngày tôi được tiếp xúc với những công đoạn “bếp núc” của họa sĩ trình bày.
Công việc trình bày báo khiến cho tôi có một hứng thú đặc biệt, bởi ở đó có sự năng động, cần sự công phu, miệt mài… Buổi sáng là thời gian họa sĩ đổ thô các trang ruột gồm những bài “nằm”, để đầu giờ chiều “tăng tốc” với các trang “nóng”. Phần trình bày trang nhất và trang tiêu điểm, bao gồm tin bài chính, thời sự thì thường “để dành” đến cuối giờ, trước khi giao nhà in mới thực hiện.

Buổi tối khoảng 22g trở đi, họa sĩ trình bày lại qua nhà in kiểm tra tiến độ, xử lý các lỗi bài vở, kỹ thuật,… sau đó in bản bông để nhà in thực hiện công đoạn in. Đó là chưa kể những hôm bị cúp điện bất ngờ, mấy anh em họa sĩ chúng tôi lại ôm cây máy tính đem sang bên nhà in copy file. Không kể có những trường hợp báo in ra mới phát hiện lỗi, người họa sĩ sẽ cùng ê-kíp của nhà in xử lý. Đến khi “ra lò” được những tờ báo đẹp có khi trời đã gần sáng, vừa đói, vừa mệt nhưng lại... vui! Vui vì nhìn những tờ báo do chính tay mình góp công sức tạo ra, thấm đượm bao tâm huyết của tập thể.

Đặc biệt, công việc trình bày báo không chỉ đòi hỏi yêu cầu về chuyên môn đồ họa, mà người họa sĩ còn phải có nhãn quan chính trị tốt. Với tờ Báo Pháp luật và Xã hội thì đây là “điều kiện bắt buộc”, đó là lời tâm sự “gan ruột” của thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau. Lần ấy, tổ họa sĩ đang chuẩn bị trình bày số báo kỷ niệm 30-4, TKTS giao cho tôi làm thử trang thời sự. Tôi hăng hái phóng to ảnh, làm nổi tít. Nhìn trang báo hoành tráng, bắt mắt, lòng khấp khởi mừng thầm, nghĩ rằng sẽ nhận được lời khen của mọi người.

Lúc duyệt bông, TBT Nguyễn Văn Bình nhẹ nhàng gấp đôi tờ maket, bức ảnh đẹp ấy bỗng nhiên bị gấp ngang mặt. TBT Nguyễn Văn Bình giải thích: “Khi trình bày ảnh trên báo mà gấp ngang mặt là điều tối kỵ”. Bài học ấy thực sự quý báu không chỉ cho tôi, mà sau này, khi trở thành họa sĩ trình bày Báo Pháp luật và Xã hội, được phân công hướng dẫn các họa sĩ trẻ về thực tập, tôi luôn lấy ví dụ đó làm trực quan để chia sẻ kinh nghiệm trình bày những bức ảnh chân dung không bị gấp ngang mặt.

Một tờ báo đẹp phải đặt “lợi ích” về phía độc giả
Họa sĩ luôn cập nhật những cách trình bày mới để phục vụ độc giả. Ảnh: Đình Tuệ

Người họa sĩ luôn “làm mới” mình

Có người ví von họa sĩ trình bày với công việc “bếp núc”, phải biết thổi hồn vào từng “món ăn”, thật cẩn thận, chăm chút, bày biện tinh tế đến từng chi tiết. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, báo điện tử, báo mạng, truyền hình lên ngôi, báo in buộc phải có những đổi mới về nội dung, sáng tạo về hình thức để thu hút người đọc. Do đó, việc trình bày sao cho tờ báo “bắt mắt” hết sức quan trọng, đòi hỏi người họa sĩ có “gu”, hiểu biết nhất định. Họa sĩ Minh Quân từng chia sẻ: “Mỗi khi bắt tay vào trình bày một số báo, việc đầu tiên của tôi là định hình xem sẽ “cất đặt” các bài viết, tin tức, ảnh… như thế nào cho hợp lý. Tôi cũng thường xuyên tham khảo thêm một số trang báo đẹp có nội dung tương tự được đánh giá cao để học tập, xem lại các số báo trước mình đã làm để khắc phục những chỗ thiếu sót, chưa ưng ý”.

Làm lâu trong nghề nên cũng có nhiều chuyện vui buồn. Có một năm, Báo Pháp luật và Xã hội sử dụng trang bìa báo tết là ảnh của một cô hoa hậu. Báo đã chế bản xong và chuyển đi nhà in từ lâu nhưng sau khoảng 2 tuần mới thực hiện lệnh in. Hôm đến nhà in, họa sĩ tá hỏa phát hiện ra Báo Tiền phong cũng dùng ảnh của chính cô hoa hậu này, cùng một màu sắc, với cùng một bộ váy áo, chỉ khác chút tư thế. Khổ nỗi là báo bạn lại in trước mấy giờ đồng hồ.

Hỏi ra mới vỡ lẽ, đội ngũ truyền thông phục vụ người đẹp ấy đã dùng cùng một bộ ảnh để cung cấp cho nhiều đơn vị khác nhau. Lợi thế của Báo Tiền phong là họ đã in trước, chưa kể hoa hậu thì vốn là “đặc sản” của tờ báo này từ nhiều năm. Ngay lập tức, trong đêm ấy, việc thiết kế lại được gấp rút thực hiện để in cho kịp ngày, đồng thời, tránh được việc “đụng hàng” với báo bạn.

12 năm trong nghề, tôi luôn có suy nghĩ việc trình bày báo phải đặt “lợi ích” về phía độc giả, bởi vậy tôi thường xuyên nghiên cứu, cập nhật những phông chữ mới, cách trình bày hiện đại phù hợp với xu hướng nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu khắt khe của độc giả. Từ đó, hình thức của tờ báo ổn định và có phong cách hiện đại, được bạn đọc ủng hộ và ghi nhận.

Bây giờ, tòa soạn đã lớn mạnh, có thêm các đồng nghiệp, có nhiều phần mềm hỗ trợ thiết kế hiện đại, công việc cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng mỗi dịp Pháp luật và Xã hội kỷ niệm ngày xuất bản số đầu tiên, trong lòng tôi không khỏi bâng khuâng khi thấy mình là một “tế bào nhỏ” của Pháp luật và Xã hội!

Thanh Tuấn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động