Thứ năm 25/04/2024 07:33

Một số chính sách về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11-2021

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Kể từ tháng 11-2021, một số chính sách giáo dục mới như: sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học được hỗ trợ kinh phí; hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới hay quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt bắt đầu có hiệu lực.
Một số chính sách về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11-2021
Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học được hỗ trợ về kinh phí là một trong những chính sách mới có hiệu lực kể từ tháng 11-2021. (Ảnh: ĐHQGHN)

Hỗ trợ kinh phí cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học

Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 19/2012/TT-BGDĐT ngày 1-5-2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học. Thông tư có hiệu lực từ ngày 2-11-2021.

Theo đó, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học được đề xuất, đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị sẵn có của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động nghiên cứu.

Ngoài ra, sinh viên được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học theo định mức quy định của cơ sở giáo dục đại học; được công bố, hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu, các ấn phẩm khoa học và công nghệ khác trong và ngoài nước theo quy định.

Cùng với đó, sinh viên cũng được hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành; được xem xét ưu tiên cộng điểm học tập, điểm rèn luyện; ưu tiên xét cấp học bổng và các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của cơ sở giáo dục đại học và được hưởng các quyền lợi khác theo quy định.

Ngoài quy định về quyền và trách nhiệm của sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, Thông tư 26 cũng quy định về trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, người hướng dẫn có trách nhiệm tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn. tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và các quy định hiện hành.

Người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc các kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác.

Quy định về thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài

Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 7-10-2021 về Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 22-11-2021.

Quy chế quy định về thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, bao gồm: mục đích, nguyên tắc, hình thức thi; chứng chỉ; đơn vị tổ chức thi; đối tượng dự thi và đăng ký dự thi, Hội đồng thi; đề thi; tổ chức thi; chấm thi và phúc khảo; duyệt kết quả thi, quản lý chứng chỉ, báo cáo và lưu trữ hồ sơ thi; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Quy chế này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam; các Sở GD&ĐT, các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục

Thông tư số 83/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông có hiệu lực thi hành từ ngày 20-11-2021.

Thông tư 83 hướng dẫn việc quản lý kinh phí thực hiện tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới quy định tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; bồi dưỡng năng lực triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cho nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông quy định tại Mục III.2.a Điều 1 Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

Nội dung chuyên môn về tập huấn, bồi dưỡng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các nội dung về bồi dưỡng khác quy định tại Mục III.2, Mục IV.2 Điều 1 Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Ngoài ra, thông tư này không điều chỉnh đối với việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về sách giáo khoa do các nhà xuất bản thực hiện.

Thông tư áp dụng đối với các đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa làm căn cứ để các Bộ, địa phương, các cơ sở giáo dục lập dự toán chi cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cụ thể cho phù hợp để thực hiện ở địa phương.

Khuyến khích vận dụng các nội dung chi, định mức chi quy định tại Thông tư để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bằng nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động