Thứ bảy 20/04/2024 05:51

Một hộ gia đình tại Hà Nội tự nguyện chuyển giao cá thể gấu ngựa về Trung tâm cứu hộ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 10/3/2023, Tổ chức Động vật châu Á tiếp nhận một cá thể gấu ngựa từ Hạt kiểm lâm số 5, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội. Gấu ngựa này được một hộ gia đình tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội tự nguyện chuyển giao và bày tỏ nguyện vọng đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, đồng thời không yêu cầu một khoản bồi thường nào. Hạt Kiểm lâm Số 5 trực tiếp bàn giao và đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Một hộ gia đình tại Hà Nội tự nguyện chuyển giao cá thể gấu ngựa về Trung tâm cứu hộ
Gấu sẽ được cách ly 30 ngày để quen dần với môi trường mới

Cá thể gấu được chuyển giao là một gấu ngựa đực, được gia đình nuôi từ những năm 2005. Gấu được Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội gắn chip và theo dõi định kỳ. Được biết, hộ gia đình đã được Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, đặc biệt là Hạt kiểm lâm số 5 vận động, và tuyên truyền, và cuối cùng đồng thuận chuyển giao cho Nhà nước. Cá thể gấu được Tổ chức Động vật châu Á đặt tên là Breeze (Gió).

Một hộ gia đình tại Hà Nội tự nguyện chuyển giao cá thể gấu ngựa về Trung tâm cứu hộ
Cá thể gấu được Tổ chức Động vật châu Á đặt tên là Breeze (Gió)

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 gấu ngựa từ Phụng Thượng về với Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam từ đầu năm 2023. Nhờ sự vận động và tuyên truyền hiệu quả, trong vòng 2 năm gần đây, Tổ chức Động vật châu Á và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã vận động cứu hộ được 15 cá thể gấu. Đây cũng là chuyến cứu hộ thứ hai trong năm 2023 của Tổ chức Động vật châu Á.

Theo thông tin từ Hạt kiểm lâm số 5, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, trong địa bàn hạt quản lý, thì huyện Phúc Thọ còn 115 cá thể gấu nuôi nhốt và các cơ quan chức năng vẫn triển khai vận động, kiểm tra định kỳ thường xuyên tới các hộ nuôi gấu.

Tổ chức Động vật châu Á được thành lập bởi TS. Jill Robinson MBE từ năm 1998, bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2006. Tới nay, Tổ chức đã cứu hộ và chăm sóc 261 cá thể gấu ngựa và gấu chó tại Việt Nam, trong đó 206 cá thể đang được chăm sóc trong an toàn và tự do tại trung tâm cứu hộ gấu được vinh danh và đạt tiêu chuẩn quốc tế - Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tổ chức đang phát động chiến dịch gây quỹ trên toàn thế giới, với khẩu hiệu #Nobearleftbehind - Không để một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau vì mục tiêu cứu hộ toàn bộ các cá thể gấu trong các trại nuôi nhốt tại Việt Nam, đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II sẽ được xây dựng tại VQG Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện Trung tâm gấu tại Bạch Mã đang khẩn trương xây dựng, và dự kiến có thể tiếp nhận gấu vào giữa quý 2 năm nay.

Một hộ gia đình tại Hà Nội tự nguyện chuyển giao cá thể gấu ngựa về Trung tâm cứu hộ
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 gấu ngựa từ Phụng Thượng về với Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam từ đầu năm 2023

Do bị thu hẹp môi trường sống (sự biến mất dần của các cánh rừng tự nhiên) và nạn săn bắt gấu tự nhiên đưa vào các trại gấu để trích hút mật, số lượng gấu ngoài tự nhiên ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam, chỉ còn khoảng hơn 300 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu trên cả nước. Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật. Chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên.

Ngoài tự nhiên, loài gấu có thể sống được 30-35 năm, chú gấu may mắn này có thể được sống phần đời còn lại trong an toàn và tự do. Tổ chức Động vật châu Á cam kết chăm sóc trọn đời cho gấu.

Tổ chức Động vật châu Á là một tổ chức từ thiện quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Sứ mệnh quan trọng nhất của Tổ chức là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp, và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên.

Tổ chức Động vật châu Á đã bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2007, và đưa gấu cứu hộ về sống trong Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, Tổ chức đã cứu hộ được 261 cá thể gấu (cả gấu chó và gấu ngựa), trong đó có 206 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên xanh mướt tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tại đây, gấu được chăm sóc phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, để dần khôi phục lại bản năng tự nhiên của chúng.

Một hộ gia đình tại Hà Nội tự nguyện chuyển giao cá thể gấu ngựa về Trung tâm cứu hộ
Chú gấu Gió được nhân viên của Trung tâm Cứu hộ Gấu chăm sóc

Về phương diện thúc đẩy thực thi pháp luật, Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với các cơ quan chức năng, với ngành Kiểm lâm để cứu hộ gấu, tuyên truyền pháp luật bảo vệ loài gấu. Về phương diện tìm kiếm giải pháp giảm nhu cầu mật gấu, Tổ chức phối hợp cùng các thầy thuốc đông y của Trung ương hội Đông y Việt Nam giới thiệu và phổ biến các cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu. Về phương diện giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ gấu, Tổ chức thường xuyên có các chương trình tuyên truyền tới các trường học để giúp học sinh hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ loài gấu và các loài động vật. Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam của Tổ chức cũng chào đón học sinh và các khách tham quan tìm hiểu về thực trạng cuả loài gấu cũng như thăm các chú gấu vui đùa tại các khu bán tự nhiên.

Chủ nuôi tự nguyện bàn giao cá thể gấu sau 20 năm nuôi làm thú cưng
Hà Nội cứu hộ hơn 770 cá thể động vật hoang dã
Kim Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động