Thứ ba 16/04/2024 14:59

Mỗi năm có gần 6.000 người Việt chết do hít phải khói thuốc lá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trên toàn cầu, khói thuốc lá thụ động giết chết 1,2 triệu người mỗi năm. Có tới 2/3 (64%) nạn nhân là phụ nữ và 15% là trẻ em. Điều đó đồng nghĩa gần 760.000 phụ nữ vô tội và 180.000 trẻ em vô tội chết vì hít phải khói thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, WHO ước tính mỗi năm có gần 6.000 người chết vì hít phải khói thuốc thụ động.

Thông tin trên được TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra tại Lễ Phát động Chiến dịch xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 3-4.

TS. Kidong Park cho biết thêm, cùng với hút thuốc thụ động thì mỗi năm, trên thế giới có hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, WHO ước tính có gần 40.000 người tử vong do sử dụng thuốc lá mỗi năm.

Đối với những cái chết do hút thuốc thụ động chúng ta có thể cùng nhau ngăn chặn được. “Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các bạn hãy bắt đầu việc này bằng cách thực hiện ​​nhà hàng và khách sạn không khói thuốc. Bạn hãy bắt đầu thực hiện bằng cách đặt gắn các biển báo cấm hút thuốc ở các khu vực dễ quan sát ở khách sạn và nhà hàng của bạn”, TS. Kidong Park bày tỏ.

PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá-Bộ Y tế nhấn mạnh: Môi trường du lịch không khói thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá; giúp nhân viên ngành du lịch, khách du lịch giảm nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Từ đó, giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho việc khám và chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Đồng thời, góp phần bảo vệ cảnh quan du lịch, tạo môi trường du lịch trong lành, thu hút khách du lịch.

Mỗi năm có gần 6.000 người Việt chết do hít phải khói thuốc lá
PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá bày tỏ mong muốn thông qua chiến dịch truyền thông này, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch nhận thức rõ hơn nữa các quy định của pháp luật về các địa điểm cấm hút thuốc và sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào việc xây dựng môi trường không khói thuốc (ảnh: V.H)

Thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả đánh giá tác động của các chiến dịch truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá hằng năm tại Việt Nam của tổ chức Sức khỏe cộng đồng toàn cầu cho thấy nhận thức của người dân đối với các quy định của pháp luật về các địa điểm cấm hút thuốc cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các mô hình nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn nhà hàng không khói thuốc được nhân rộng trên toàn quốc. Riêng tại quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), đã có 18 phường, 311 nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tham gia phong trào “Đảm bảo an toàn thực phẩm” và thực hiện “Môi trường không khói thuốc”, trong đó hơn 100 nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chí và được UBND quận công nhận và gắn biển nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc lá.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, việc thực thi môi trường không khói thuốc lá tại các khách sạn, nhà hàng cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn nữa bởi việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các khách sạn, nhà hàng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đa phần chủ nhà hàng, khách sạn chưa thực sự quan tâm tới việc thực hiện các quy định về xây dựng môi trường không khói thuốc lá trong khách sạn, nhà hàng. “Theo nghiên cứu năm 2020 của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại các địa điểm này còn tương đối cao với gần 80% khách hàng hút thuốc thụ động tại nhà hàng, 65% hút thuốc thụ động tại các khách sạn”, TS. Lương Ngọc Khuê nêu.

Bên cạnh đó, tâm lý e ngại của người quản lý, của nhân viên khách sạn, nhà hàng đối với việc nhắc nhở khách hàng hút thuốc còn tồn tại, vì vậy việc vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá tại các khách sạn và nhà hàng còn diễn ra phổ biến. Trên thị trường lại xuất hiện một số sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, ảnh hưởng xấu tới học sinh và thanh thiếu niên nói chung.

Mỗi năm có gần 6.000 người Việt chết do hít phải khói thuốc lá

Sau Lễ phát động các đại biểu đã tham gia gắn biển cấm hút thuốc tại một số khách sạn, nhà hàng. Cùng với đó, có khoảng 200 khách sạn, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội tham gia chiến dịch và cam kết thực tuân thủ nghiêm các quy định về địa điểm cấm hút thuốc theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (ảnh: V.H)

Để thực hiện có hiệu quả mô hình khách sạn, nhà hàng không khói thuốc, TS. Kidong Park gợi ý: Nếu có thêm một số nỗ lực từ cơ quan thực thi, ví dụ như có các chuyến giám sát, nhắc nhở của cảnh sát thì tỷ lệ tuân thủ sẽ tăng lên đáng kể. Số liệu từ nghiên cứu do WHO hỗ trợ tại TP Hải Phòng và tỉnh Thái Nguyên cho thấy mức độ tuân thủ sẽ tăng ít nhất là 15% khi thực hiện các can thiệp ​​đơn giản này.

Ngoài ra, kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, sáng kiến ​​nhà hàng và khách sạn không khói thuốc rất tốt cho hoạt động kinh doanh. Bạn có thể tiếp thị khách sạn và sáng kiến ​​của mình bằng cách sử dụng điểm nhấn là khách sạn hay nhà hàng của bạn quan tâm tới việc bảo vệ sức khỏe của khách hàng. Việc thực thi này thực ra là có ý nghĩa rất to lớn, nó bảo vệ sức khỏe thậm chí cả mạng sống của con người.

Đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam khẳng định: Đây là một chiến dịch hết sức có ý nghĩa với các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng nói riêng và cộng đồng nói chung. Bên cạnh việc thực hiện theo đúng quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì xây dựng môi trường không khói thuốc lá sẽ giúp cho các khách sạn, nhà hàng xây dựng hình ảnh về một môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh trong lành, hướng bảo vệ sức khỏe của nhân viên, chủ cơ sở và cho các khách hàng. Qua đó, góp phần tạo dựng hình ảnh về một môi trường du lịch thân thiện, trong lành, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Chiến dịch này và kêu gọi sự tham gia của các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP Hà Nội cùng cam kết thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về xây dựng môi trường không khói thuốc lá”, bà Đỗ Hồng Xoan bày tỏ.

Nhiệm vụ phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới vẫn cần nhiều sự nỗ lực cố gắng không chỉ của riêng ngành y tế mà cần sự chung tay của các cấp, các ngành, trong đó rất cần sự chung tay của các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn nhà hàng.

“Chúng tôi cũng mong rằng thông qua chiến dịch truyền thông này, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch nhận thức rõ hơn nữa các quy định của pháp luật về các địa điểm cấm hút thuốc và sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào việc xây dựng môi trường không khói thuốc, mang lại những lợi ích cho chính các khách sạn, nhà hàng, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho mọi người”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động