Thứ sáu 26/04/2024 20:32

Mang nụ cười trọn vẹn cho trẻ hở hàm ếch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Nhìn các bé bị sứt môi, hở hàm ếch mà tội nghiệp đến nhói lòng. Trong khi hầu hết gia đình các em đều có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi phải cố gắng hết sức đem lại nụ cười, niềm vui cho các con và những gia đình thiếu may mắn ấy”.

Đó là chia sẻ của bác sĩ Đặng Thị Liên Hương, khoa Răng – hàm – mặt, BVĐK Hà Đông. Bác sĩ Hương không chỉ giỏi về chuyên môn, yêu nghề y, tâm huyết với người bệnh, mà còn có tấm lòng nhân ái sâu sắc, luôn đau đáu trong mình với nỗi đau của những trẻ không may mắn khi sinh ra đã bị khe hở môi vòm miệng và muốn làm tất cả những gì tốt nhất để trẻ được nở nụ cười chan chứa niềm hạnh phúc như bao trẻ bình thường khác.

Bác sĩ Hương tâm sự: “Hồi tôi học hết lớp 11 tôi đi chữa răng, bác sĩ là học sinh cũ của bố mẹ tôi. Anh bác sĩ nha khoa có hỏi tôi là năm sau em thi trường gì? Tôi có định hướng là thi ĐH Ngoại thương vì tôi là dân chuyên ngữ, nhưng anh có nói chuyện là con gái thì nên làm ngành có chữ thầy sẽ rất tốt. Anh thấy làm bác sĩ răng – hàm - mặt khá phát triển và độc lập tác chiến được. Nghe bùi tai tôi đổi từ khối D sang khối B vào năm cuối cấp và thi vào trường ĐH Y Hà Nội chuyên ngành Răng – hàm – mặt. Đến năm 2007, tôi tốt nghiệp loại giỏi và tiếp tục học nội trú hơn 3 năm. Tôi vinh dự được trường giữ lại làm giảng viên bộ môn. Thế là nghiễm nhiên tôi thành thầy giáo”.

mang nu cuoi tron ven cho tre ho ham ech
Bác sĩ Đặng Thị Liên Hương (thứ hai từ trái sang) cùng y bác sĩ BVĐK Hà Đông trong một lần tổ chức thực hiện phẫu thuật miễn phí cho trẻ khe hở môi vòm miệng.

Làm giảng viên trường y không giống như làm giáo viên chỉ cần dạy lý thuyết mà còn phải dạy sinh viên làm chuyên môn. Đối với giảng viên trường y, sinh viên phải đến BV để giảng viên truyền đạt được những kiến thức chuyên môn trên lý thuyết và thực tế khi tham gia khám, chữa bệnh như các triệu chứng, chẩn đoán, các biện pháp điều trị bệnh... Qua đó, sinh viên sẽ nắm vững chuyên môn hơn. Theo tiếng gọi thôi thúc của niềm đam mê được chuyên tâm điều trị cho người bệnh, tháng 2-2017, bác sĩ Hương về khoa Răng – hàm – mặt, BVĐK Hà Đông công tác, mang trọng trách mới của người thầy thuốc, phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bác sĩ Hương tự hào, vinh dự được làm cả thầy giáo và thầy thuốc, hai nghề thầy đều cao quý và mang trọng trách cao nhưng người phụ nữ trẻ đã không quản ngại, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Tại BVĐK Hà Đông, bác sĩ Hương cùng các y, bác sĩ trong khoa Răng – hàm – mặt đã nỗ lực triển khai nhiều kỹ thuật mới để người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế chất lượng cao. Bác sĩ Hương được BSCKII Trịnh Xuân Học, Trưởng khoa Răng - hàm - mặt, BVĐK Hà Đông tin tưởng đề xuất BV cử đi học kỹ thuật hàm NAM tức sử dụng khí cụ tiền phẫu thuật cải tiến cho trẻ sơ sinh có khe hở môi vòm miệng từ giai đoạn sơ sinh và kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ cho trẻ khe hở môi vòm miệng. Không phụ lòng tin của mọi người giao phó, bác sĩ Hương đã nỗ lực học tập kỹ thuật mới ở BV Nhi Trung ương. Chỉ sau thời gian 3 tháng, bác sĩ Hương đã làm chủ được kỹ thuật và triển khai ứng dụng ngay tại khoa.

Qua tìm hiểu, bác sĩ Hương cho biết, thống kê hiện nay ở Việt Nam có khoảng từ 1/700 - 1/800 trẻ sinh ra bị khe hở môi vòm miệng. Tỷ lệ khe hở môi vòm miệng có thể thực hiện hàm NAM rất là nhiều nhưng gia đình chưa được biết đến để tiếp cận kỹ thuật này. Nhớ lại ca đầu tiên thực hiện thành công đeo hàm NAM cho một bé sơ sinh bị khe hở môi vòm miệng, bác sĩ Hương kể: “Bố mẹ bé là trí thức, phát hiện con bị khe hở môi vòm miệng từ sớm khi còn trong bào thai nhưng bố mẹ quyết giữ lại bé. Bé sinh tại khoa Sản của BV và được chuyển sang đơn nguyên sơ sinh để chăm sóc. Bởi vì bé bị khe hở môi vòm miệng nên bé được chăm sóc bằng sonde dạ dày, bơm sữa. Nếu cứ phải chăm sóc như vậy sẽ vất vả cho cả bé, các y bác sĩ và người nhà vì người nhà khó làm, các y bác sĩ mỗi ngày nhiều cữ thì cũng vất vả. Cháu được 3 ngày tuổi thì khoa Nhi đã mời khoa Răng - hàm - mặt hội chẩn tình trạng sức khỏe của cháu bé. Khoa Răng – hàm – mặt tiến hành đánh giá, chỉ định tư vấn với gia đình làm hàm NAM cho cháu bé. Sau 1 ngày, tôi cùng với sự nỗ lực hỗ trợ của các bác sĩ của khoa đã tạo hàm NAM cho bé. Sau khi lắp, bé đã nhanh chóng thích nghi ngay với hàm NAM và bé có thể bú sữa bình thường như bao bé khác mà không phải ăn qua sonde dạ dày nữa”.

“Thành công bước đầu là tiền đề vững chắc cho hành trình chinh phục chiến thắng. Tôi cảm thấy rất vui và đánh giá ca bệnh đã thành công tốt đẹp. So với thoạt đầu nhìn thấy hình hài bé rất đáng thương, môi của bé bị hở toang hoác, mũi của bé bị lệch. Đến khi bé đeo hàm NAM, được phẫu thuật, môi của bé đã gọn lại rất đẹp, mũi của bé tròn trịa rất xinh và đáng yêu. Đó là thành quả của sự nỗ lực không chỉ của cá nhân tôi mà còn là sự cố gắng của cả khoa Răng - hàm - mặt”, bác sĩ Hương khiêm tốn chia sẻ.

Với mong muốn được làm gì đó tốt nhất cho người bệnh đã thôi thúc bác sĩ Hương cùng bác sĩ Trịnh Xuân Học và BV cố gắng tìm các nhà tài trợ để có thể hỗ trợ cho các bệnh nhi phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch. Vinh danh những điều tốt đẹp, việc làm của bác sĩ Hương không chỉ đơn thuần là phát triển khoa Răng - hàm - mặt, khẳng định thương hiệu BVĐK Hà Đông, mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, nhân lên những tấm lòng nhân ái đong đầy yêu thương.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động