Lý giải của CDC Hà Nội về việc nhân viên y tế không thay găng tay khi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhằm “bóc” F0 ra khỏi cộng đồng, đánh giá nguy cơ tình hình dịch, từ ngày 9-8 Hà Nội triển khai chiến dịch xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trên quy mô rộng với khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR. Trong đó, xét nghiệm cho toàn bộ người dân tại “nhóm đỏ”; xét nghiệm cho những người có ho, sốt, khó thở... qua khai báo y tế; xét nghiệm cho “nhóm da cam” bao gồm các đối tượng là nhân viên y tế, bệnh nhân, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị, lái xe, người giao hàng, bảo vệ tòa nhà...
Tại “vùng xanh” được xét nghiệm theo hộ gia đình tại các quận và các huyện có nguy cơ cao, mỗi hộ gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao nhất (có thể căn cứ theo tiền sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên tới các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ...
Trong quá trình các nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu, đã có nhiều người lo lắng khi thấy "nhân viên y tế chỉ đúng 1 đôi găng tay và bộ bảo hộ đó mà tiếp xúc với bao người để lấy mẫu... nếu trong trường hợp có một người dân là F0 thì những người lấy mẫu sau tiếp liệu có bị nhiễm từ chỗ lấy mẫu không"?, tài khoản có tên Thùy T... bày tỏ.
Giải đáp vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết: Mục đích của việc sử dụng găng tay trong quá trình lấy mẫu là bảo vệ an toàn cho cả nhân viên y tế và người được lấy mẫu.
Theo Quyết định 5188 QĐ-BYT ngày 14-12-2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19, áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh có quy định về việc đeo găng tay y tế trong quá trình lẫy mẫu, nhân viên y tế phải đeo hai lớp, lớp một (lớp bên trong) là găng tay y tế luôn giữ sạch, tránh không để tiếp xúc với dụng cụ bẩn. Sau mỗi lần lấy cho từng người phải thay găng tay y tế, nhằm đảm bảo người lấy mẫu và nhân viên không bị lây nhiễm virus.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, hiện nay trong tình hình dịch phức tạp, việc lấy mẫu trong cộng đồng nhiều, số lượng người lấy mẫu lớn, ngày 24-6-2021, Bộ Y tế tiếp tục ban hành công văn số 5063/BYT-DP về sử dụng PPE khi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. “Công văn quy định khi lấy mẫu, nhân viên y tế sử dụng một đôi găng tay và khử khuẩn bằng dung dịch cồn sau mỗi lần lấy mẫu để không xảy ra lây nhiễm chéo. Như vậy có thể thấy, quy định của Bộ Y tế cho phép sau mỗi lần lấy mẫu không phải thay găng ngay mà sát khuẩn bằng cồn”, ông Khổng Minh Tuấn nói.
Theo quy định thì dung dịch cồn được dùng sát khuẩn có độ cồn từ 60-80%, nếu nồng độ cồn thấp thì sẽ không thể diệt được virus. Cồn có thể làm hỏng găng tay sau nhiều lần sát khuẩn, gây nguy hiểm khiến mầm bệnh lây lan. Do đó, quy định đã nêu rõ chỉ sát khuẩn găng tay tối đa 6 lần sau khi lấy mẫu, hoặc thấy găng tay bị hỏng là phải thay găng tay.
CDC Hà Nội cũng đã chỉ đạo tới các quận, huyện “nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu, yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc”, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khi thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên quên quy trình chuẩn. Vì vậy, trong tình huống này, người dân có quyền giám sát nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nêu.
Thành phố đang tiếp tục thực hiện lấy gần 1 triệu mẫu xét nghiệm trong đợt 2, thời gian theo kế hoạch hết ngày 20-8 phải lấy xong. Đây thực sự là áp lực đối với lực lượng y tế tại các quận, huyện nên có thể chỗ này, chỗ khác chưa tuân thủ đúng quy trình.
CDC có các đội giám sát, hỗ trợ quận, huyện để đôn đốc, nhắc nhở việc tuân thủ các quy định chuyên môn về công tác lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản…
Tính đến 19g ngày 19-8, toàn thành phố đã lấy được 421.108 mẫu, trong đó có 107.259 mẫu đã có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm. Cụ thể, khu vực phong tỏa lấy 21.776 mẫu, đã có 8469 mẫu âm tính; khu vực nguy cơ cao lấy 184.412 mẫu, đã có 54.761 mẫu âm tính; đối tượng nguy cơ lấy 214.920 mẫu, đã có 44.029 mẫu âm tính.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại