Thứ bảy 09/11/2024 02:28

Lý do 5% dân số mắc bệnh phình động mạch não nhưng phần lớn không cần điều trị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, phình động mạch não là dị dạng mạch não rất hay gặp, khoảng 3-5% dân số bị phình động mạch não, nhưng phần lớn không cần điều trị vì nhỏ, không gây triệu chứng và chỉ được chẩn đoán tình cờ khi chụp não.
Lý do 5% dân số mắc bệnh phình động mạch não nhưng phần lớn không cần điều trị
Một ca phẫu thuật mạch máu não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Minh Nhật

Phình động mạch não gặp nhiều ở nữ hơn nam, tuổi hay gặp nhất là 40-60. Phình động mạch não hiếm khi gặp ở trẻ em.

Hiện chưa rõ nguyên nhân bệnh phình động mạch não. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị phình động mạch não được ghi nhận như: chấn thương, nhiễm trùng, huyết áp cao, hút thuốc, bệnh thận. Một số ít trường hợp phình động mạch não có yếu tố gia đình.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, phình động mạch não nguy hiểm nếu vỡ hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh. Khi bị vỡ phình mạch, máu chảy tràn trong não và người bệnh có nhiều biểu hiện như đau đầu dữ dội (chưa từng đau như vậy), nôn, buồn nôn, liệt, lơ mơ và hôn mê nếu chảy máu nhiều.

Khối phình động mạch não lớn dù không vỡ có thể chèn ép gây một số triệu chứng như: đau đầu, chèn ép dây thần kinh số III gây sụp mi mắt, chèn ép dây thần kinh số II gây mờ mắt hoặc mù… Hầu hết các trường hợp phình động mạch não nhỏ không gây triệu chứng gì và được chẩn đoán tình cờ khi chụp não.

Để chẩn đoán xác định phình động mạch não, bác sĩ sẽ cho người bệnh chụp cắt lớp vi tính sọ não, cắt lớp vi tính mạch, cộng hưởng từ não, cộng hưởng từ mạch, chụp mạch máu não.

Tuy nhiên, không phải tất cả người bệnh phình động mạch não cần thiết phải điều trị. Theo đó, bác sĩ sẽ điều trị phình mạch não nếu phình động mạch não bị vỡ, khối phình to chèn ép các tổ chức xung quanh, hoặc túi phình động mạch não lớn. Điều trị phình động mạch não có nhiều phương pháp, mổ kẹp túi phình hoặc can thiệp nút mạch.

PGS Hệ khuyến cáo, người bệnh cần thay đổi để có lối sống lành mạnh hơn, không hút thuốc, không uống rượu, không để bị tăng huyết áp, mỡ máu cao, béo phì, không tránh thai bằng thuốc ngừa thai… vì sẽ làm tăng nguy cơ vỡ khối phình mạch.

Người bệnh cũng cần theo dõi định kỳ 6 tháng một lần trong những năm đầu tiên, và khám định kỳ 12 tháng một lần trong những năm tiếp theo. Khi khối phình mạch to lên thì cần phải can thiệp. Nếu sau 10-20 năm, khối phình không phát triển to lên thì bệnh nhân có thể sống chung với bệnh một cách hòa bình và lành mạnh. Do đó khi đã được các bác sĩ giải thích, tư vấn thì người bệnh không nên hoang mang lo lắng, có tinh thần lạc quan để giảm áp lực tâm lý.

Suýt lỡ "thời gian vàng" vì lấy kim chọc máu các đầu ngón tay, tai, chữa tai biến mạch máu não
“Kỳ tích” cứu sống bệnh nhi 11 tuổi vỡ túi phình mạch máu não
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động