Lương cơ bản Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể từ 60-70 triệu đồng/tháng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty Nhà nước đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến hoàn thiện.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là 1 trong 3 đơn vị được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng. Ảnh minh họa |
Dự thảo cũng đưa ra 2 phương án tiền lương áp dụng như sau:
Phương án 1 (quy định tiêu chuẩn dựa trên quy mô hiện hành). Trong đó, loại 1, áp dụng đối với Cty có chỉ tiêu kế hoạch hàng năm: Vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên; doanh thu từ 50.000 tỷ đồng trở lên và có 10 đầu mối quản lý (Cty con hạch toán độc lập hoặc phụ thuộc) hoặc tổng số lao động sử dụng từ 5.000 người trở lên. Loại 2, áp dụng đối với Cty có chỉ tiêu kế hoạch hàng năm: vốn sản xuất, kinh doanh dưới 10.000 tỷ đồng; doanh thu dưới 50.000 tỷ đồng và có dưới 10 đầu mối quản lý hoặc tổng số lao động sử dụng dưới 5.000 người.
Phương án 1 có ưu điểm là thuận lợi cho việc ban hành tiêu chuẩn chung vào năm 2021.
Phương án 2 (căn cứ quy mô hiện hành để ấn định loại Cty). Trong đó loại 1 áp dụng đối với Cty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Cty mẹ - Tổng Cty Hàng không Việt Nam. Loại 2, áp dụng đối với Cty mẹ - Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam. Phương án này có ưu điểm là đơn giản vì chỉ có 3 đơn vị nhưng khó tổng kết để ban hành tiêu chuẩn chung vào năm 2021 và khó cho việc áp dụng đối với các Cty con thuộc 3 đơn vị trên.
Theo Dự thảo, việc thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất áp dụng đối với 3 Tập đoàn, Tổng Cty gồm: Cty mẹ - Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNTP); Cty mẹ - Tổng Cty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines); Cty mẹ - Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Thời gian thực hiện thí điểm từ năm 2019 đến khi Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng áp dụng đối với các DN Nhà nước.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc lựa chọn thí điểm 3 đơn vị trên có tính đại diện để xây dựng cơ chế chung sau khi thí điểm vì: 1- Có đại diện DN 100% vốn Nhà nước và đại diện DN cổ phần chi phối của Nhà nước là cơ sở để quy định chính sách tiền lương chung đối với DN Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW; 2- Có đơn vị sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc thị trường (VNTP, Vietnam Airlines), có đơn vị ngoài sản xuất, kinh doanh còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị về chủ quyền, an ninh, quốc phòng (VATM); 3- Tính chất về lao động đều có yếu tố đặc thù (VNTP có lao động công nghệ cao, Vietnam Airlines có lao động là phi công cạnh tranh quốc tế, VATM có kiểm soát viên không lưu và một số chức danh phải tuân thủ theo quy chuẩn điều hành bay an toàn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thông lệ quốc tế); 4- Ngoài ra các đơn vị trên được thành lập, hoạt động ổn định và lâu dài, có đầy đủ hệ thống quy chế, nhân lực để triển khai việc thực hiện thí điểm cải cách tiền lương.
Dự thảo sẽ hết hạn lấy ý kiến vào ngày 5-8-2019.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại