Thứ bảy 20/04/2024 12:03

Luật Đất đai (sửa đổi): Cần rõ hơn tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Theo đó, tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ” là như thế nào cũng cần được cụ thể hóa.
Luật Đất đai (sửa đổi): Cần rõ hơn tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ”
Cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, trong Luật Đất đai 2013 có quy định về các nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Tại Điều 74, quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất gồm những nguyên tắc: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường;

Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất; việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Và đến Luật Đất đai sửa đổi, tại Điều 79, quy định các nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất được bổ sung 3 nguyên tắc theo quy định mới như sau:

Thứ nhất: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Thứ hai: Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở.

Thứ ba: Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.

Như vậy, trong dự thảo có quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Có thể thấy, quan điểm này hết sức đúng đắn, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi.

Tuy nhiên, góp ý về vấn đề này, nhiều người đề nghị xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Liên quan đến quy định, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ đã gây khó khăn cho các bên thực hiện vì tiêu chí không cụ thể.

Bên cạnh đó, việc di chuyển chỗ ở gây ra những xáo trộn về đời sống của người dân. Theo đó, có những thiệt hại hữu hình như nhà ở, đất đai, ruộng vườn… những thiệt hại vô hình như tâm lý an cư cuộc sống, các mối quan hệ trong cuộc sống, làm ăn sản xuất kinh doanh mà người dân đã tạo lập từ bấy lâu mà không phải có trong một sớm một chiều mà nó được hoàn thiện, hình thành và gắn bó tại nơi ở cũ.

“Các tòa nhà tái định cư bỏ hoang cho người dân phố cổ tại nút giao đường 5 kéo dài (phường Gia Thụy) là một ví dụ điển hình. Người dân các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào… trước nay mưu sinh bằng cách buôn bán, mà việc buôn bán hình thành từ rất lâu, theo lối “buôn có bạn, bán có phường” nên mặc dù về vị trí địa lý, không gian, hạ tầng cơ sở có thể tốt hơn nhưng lại chưa giải quyết được nhu cầu mưu sinh nên không khiến người dân đồng lòng, chủ động chuyển sang khu tái định cư để trả lại đất cho Nhà nước” – anh Nguyễn Trọng Hùng, kỹ sư xây dựng phân tích.

Cũng trong một lần trả lời báo chí, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có phân tích về vấn đề này. Theo ông, việc thu hồi đất phải đảm bảo đời sống của người bị thu hồi đất phải tốt hơn hoặc ít nhất là bằng trước khi bị thu hồi đất – đây là cả một vấn đề lớn.

Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dành cho người bị thu hồi đất thời gian qua từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Đồng tình với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất; đồng thời đảm bảo điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ với người bị thu hồi đất, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo luật cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, chỉ ra các tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ” như thế nào?

Trước đó, trong phiên thảo luận ở Tổ về Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, về nguyên tắc bồi thường về đất trong khi Nhà nước thu hồi đất, với nội dung đảm bảo có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, bà đề nghị: Trong vấn đề hỗ trợ tái định cư cần giao việc xây dựng các tiêu chí đánh giá về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu tái định cư cho một cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể như các điều luật khác đã quy định. Ngoài ra, cần xác định giá trị đến bù đầy đủ các thiệt hại của người dân thuộc diện tái định cư, trong đó phải tính cả những thiệt hại vô tình để giúp người dân ổn định, yên tâm sinh sống tại nơi ở mới.

Đồng thuận với ý kiến của đại biểu Lan, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc thu hồi đất phải đảm bảo lợi ích quốc gia; đảm bảo việc bồi thường, di dời để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế cho người dân đến nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Điều này cũng góp phần đảm bảo lợi ích của người dân cũng như khắc phục tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.

Theo bà Thuỷ, để thực hiện được nhiệm vụ thu hồi đất, trong dự án Luật Đất đai sửa đổi cần phân cấp mạnh và giao quyền cho các cấp địa phương nhiều hơn trong việc định giá đất, trưng cầu ý kiến của người dân về vấn đề thu hồi, giải phóng mặt bằng phù hợp với nhu cầu, thực tiễn cũng như nguyện vọng của người dân…

Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3/1/2023 Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3/1/2023
Hà Nội kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) Hà Nội kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động