Luận bàn về một số vấn đề bất cập trong hoạt động đấu giá tài sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐẩy mạnh xã hội hoá trong ĐGTS, các tổ chức ĐGTS tăng lên đáng kể về cả số lượng và chất lượng |
Bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá
Theo đó, Điều 72 Luật ĐGTS sản quy định, có 5 trường hợp bị hủy kết quả ĐGTS. Tuy nhiên, chỉ duy nhất tại khoản 2 của Điều này có quy định về thẩm quyền, cụ thể: “Hợp đồng dịch vụ ĐGTS, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật này”.
Như vậy, chỉ khi người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 (cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức ĐGTS, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả ĐGTS) mà hợp đồng dịch vụ ĐGTS, hợp đồng mua bán tài sản bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì kết quả đấu giá mới bị hủy.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những bất cập đã nêu của Luật ĐGTS không những làm phát sinh việc bỏ sót, không xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về ĐGTS, mà còn gây khó khăn lúng túng cho tổ chức ĐGTS, cơ quan quản lý Nhà nước, người có tài sản đấu giá và người mua tài sản đấu giá khi bị rơi vào các trường hợp cụ thể (quy định tại khoản 1,3,4 và 5 Điều 72 Luật ĐGTS), có nhu cầu được tuyên bố hủy kết quả ĐGTS.
“Điều này sẽ càng khó hơn, trong bối cảnh liên quan đến việc ĐGTS đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau về mối quan hệ hành chính hay quan hệ dân sự trong từng giai đoạn ĐGTS”, luật sư Thái chia sẻ.
Trước những bất cập về thẩm quyền hủy kết quả ĐGTS tại Điều 72, các chuyên gia khuyến nghị, Luật ĐGTS phải hoàn thiện về thẩm quyền hủy kết quả ĐGTS đối với từng trường hợp cụ thể, theo hướng giao quyền về Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực tiếp quyết định, khi các trường hợp thỏa mãn điều kiện hủy kết quả ĐGTS theo luật định.
Bất cập trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
Việc không có quy định cụ thể, rõ ràng về thời gian nộp hồ sơ lựa chọn tổ chức ĐGTS dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS, mỗi nơi làm một kiểu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực trong việc nộp hồ sơ tham gia việc lựa chọn tổ chức ĐGTS để tổ chức cuộc đấu giá.
Thực tế cho thấy, việc thông báo bán ĐGTS trên trang thông tin điện tử là một bước tiến lớn của Luật ĐGTS, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong trình tự, thủ tục; là kênh thông tin về tài sản đấu giá cho phép các khách hàng có thể lựa chọn mua tài sản đấu giá ở mọi lúc, mọi nơi trong thời đại công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có trang thông tin điện tử để các chủ tài sản đăng tải thông báo về lựa chọn tổ chức bán ĐGTS, đã làm giảm tính chất công khai, minh bạch trong thủ tục ĐGTS. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử là vấn đề cần phải thực hiện ngay để đảm bảo hoạt động ĐGTS công khai, minh bạch.
Các chuyên gia đề xuất, bên cạnh tăng cường chấn chỉnh, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy định chặt chẽ hơn nữa đối với việc lựa chọn tổ chức ĐGTS, bởi có như vậy mới có thể ngăn chặn, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, thất thoát tài sản Nhà nước thông qua đấu giá.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện, đảm bảo đủ thời gian cần thiết cho nhiều tổ chức ĐGTS có thể chuẩn bị hồ sơ và tham gia lựa chọn ĐGTS, đồng thời tăng tính cạnh tranh, minh bạch trong hoạt động ĐGTS, các chuyên gia cũng cho rằng, cần kéo dài thời gian nộp hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá, ít nhất phải là 10 ngày làm việc. Điều này được cho sẽ tránh tùy tiện hoặc quy định thời gian quá ngắn gây khó khăn cho tổ chức ĐGTS có năng lực, kinh nghiệm khi tham gia nộp hồ sơ lựa chọn tham gia đấu giá khi mà trên thực tế đã và đang tồn tại không ít trường hợp như vậy.
Phí và thù lao chưa… thỏa đáng
Tại khoản 2 Điều 66 và khoản 1 Điều 4 Luật ĐGTS, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ ĐGTS và Thông tư số 48/2017/TT-BTC quy định chế độ tài chính trong ĐGTS. Và tại thời điểm 2 Thông tư này ra đời, nhiều ý kiến đánh giá là rất cần thiết, tuy nhiên, từ thực tế triển khai, các tổ chức ĐGTS lại cho rằng, 2 Thông tư đã nêu còn bất cập dẫn đến những hệ lụy rất lớn, không chỉ làm thất thoát tài sản Nhà nước, gây phiền toái cho người tham gia đấu giá, mà còn làm phát sinh không ít tiêu cực trong khâu bán tài sản.
Theo các chuyên gia, những bất cập trong cơ chế trả thù lao bán vượt giá khởi điểm như vậy đã làm nảy sinh tiêu cực thông qua hành vi thông đồng giữa đơn vị có tài sản với tổ chức bán đấu giá, như không đăng thông tin lựa chọn tổ chức ĐGTS theo quy định tại Điều 56 Luật ĐGTS. Trong khi, các DN, tổ chức ĐGTS chân chính, làm nghiêm túc, làm tốt và không có tiêu cực thì thường ít được lựa chọn, mặc dù các cuộc đấu giá trước đã bán thành công và bán được giá cao hơn giá khởi điểm rất nhiều. Ngoài ra, còn phát sinh tiêu cực, tổ chức bán đấu giá tạo điều kiện cho khách hàng thông đồng, liên kết dìm giá, chia nhau phần chênh lệch và tổ chức bán đấu giá sẽ được chia một phần lợi nhuận đó.
Luật sư Thái cho biết, Điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư số 45/2017/TT-BTC quy định, mức tối đa thù lao dịch vụ ĐGTS của một hợp đồng dịch vụ ĐGTS là không quá 300 triệu đồng. “Như vậy, với hợp đồng có giá khởi điểm khoảng 3.000 tỷ đồng, sau khi bán thành công, giá trúng đấu giá chênh lệch so với giá khởi điểm khoảng 2.000 tỷ đồng thì thù lao dịch vụ đấu giá chỉ là 300 triệu đồng. Trong khi đó, nếu hợp đồng có giá khởi điểm 200 tỷ đồng, giá trúng đấu giá vượt giá khởi điểm khoảng 100 tỷ đồng thì mức thù lao cũng vẫn là 300 triệu đồng. Như vậy là quá bất hợp lý”, luật sư Thái phân tích.
Theo luật sư Thái, bản chất của chi phí dịch vụ là tiền công dịch vụ mà người có tài sản đấu giá phải trả cho tổ chức ĐGTS, còn các chi phí thực tế khác mà tổ chức ĐGTS đã bỏ ra để thực hiện việc bán đấu giá thì người có tài sản phải trả lại cho tổ chức đấu giá là hợp lý.
Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật ĐGTS của Bộ Tư pháp, nhằm đẩy mạnh việc xã hội hoá, nâng cao hiệu quả các hoạt động của ĐGTS, sau 5 năm triển khai thi hành Luật ĐGTS, số lượng các tổ chức ĐGTS đã tăng lên đáng kể và đang tiến tới giải thể các Trung tâm dịch vụ ĐGTS công. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hoá ĐGTS thì cần phải đưa ra những giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, bất cập vẫn còn tồn tại trong lĩnh vực này. Tính đến tháng 8/2022, cả nước có gần 600 DN ĐGTS và 58/63 Trung tâm dịch vụ bán ĐGTS tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. |
Nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản | |
Chấm dứt hoạt động của DN đấu giá tài sản | |
Nguyên tắc đấu giá tài sản và quyền của những người tham gia đấu giá tài sản |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại