Thứ năm 25/04/2024 05:48
“Nóng” vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm phim chiếu mạng

Lọt nhiều cảnh nóng, bạo lực, trẻ em cũng xem được

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Phương án tiền kiểm đảm bảo an toàn nhưng nếu dựa vào công nghệ thì chúng ta chưa đủ sức, không thể kiểm soát được. Hơn nữa, phương án tiền kiểm sẽ khiến gia tăng thêm bộ máy, con người, đi ngược với xu thế chung…” là ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thông qua báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) về nội dung phổ biến phim trên không gian mạng.

“Nở rộ” phim chiếu mạng

Đó cũng là những bất cập của phổ biến phim trên không gian mạng hiện nay. Thực trạng các bộ phim chiếu mạng được sản xuất ồ ạt kéo theo nhiều hệ lụy khó kiểm soát về chất lượng, nội dung vi phạm trong phim.

Gần đây, liên tiếp các bộ phim với chủ đề giang hồ, xã hội đen nở rộ trên không gian mạng như: “Thập Tam Muội”, “Thiếu niên ra giang hồ”, “Vi cá tiền truyện”, “Người trong giang hồ”, “Trật tự mới”, “Thợ săn giang hồ”, “Thập tứ cô nương”, “Tương sinh tương khắc”, “Bi Long đại ca”, “Kẻ săn tin”,…

Hầu hết, các bộ phim đều để lọt nhiều cảnh đánh đấm, hút thuốc, lời thoại đậm chất giang hồ. Do chưa có quy định tiền kiểm và hậu kiểm nên phim chiếu mạng không phân loại độ tuổi, khó kiểm soát đối tượng khán giả truy cập.

“Nóng” vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm phim chiếu mạng
Phim chiếu mạng "Thập tam muội" để lọt những hình ảnh đánh đấm, hút thuốc

Cùng với mối lo của nhà quản lý trong việc kiểm soát chặt chẽ những nội dung “chệch đường ray” so với quy chuẩn văn hóa người Việt nay thì vấn đề khác là việc quản lý việc phổ biến phim trên không gian mạng thời công nghệ không thể đứng ngoài công nghệ.

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thông qua báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) về nội dung phổ biến phim trên không gian mạng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về phương án tối ưu trong tiền kiểm, hậu kiểm.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, Dự thảo Luật Điện ảnh quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.

Tuy nhiên, để thực hiện phương án cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), các quy định về tiêu chí, nội dung phân loại cần cụ thể.

Bên cạnh đó cần xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi cùng lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục để giám sát và xử lý kịp thời những vi phạm.

Theo đó, cần xem xét kỹ lưỡng đặc biệt về mặt kỹ thuật, về nhân lực và khả năng thực hiện kiểm soát, thẩm định nội dung phim trong bối cảnh phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử xuyên biên giới. Với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay, chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này.

Thời gian qua, có nhiều bộ phim phát hành trên nền tảng số trực tuyến Netflix – nền tảng xem phim có trả phí nổi tiếng của Mỹ vi phạm quy định phát hành. Trong đó, trường hợp 2 bộ phim “Vũ điệu đam mê” và “Những người viết huyền thoại” thuộc quyền quản lý của Nhà nước (Bộ VH-TT&DL) nhưng được phát trên nền tảng Netflix mà không xin phép cấp phép phát sóng.

Trước đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã từng yêu cầu Netflix gỡ bỏ bộ phim Trung Quốc có tựa đề “Gửi thanh xuân ấm áp của chúng ta” bởi ở tập 9 của bộ phim này đã có những hình ảnh, chi tiết liên quan đến bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Một bộ phim có tên “Lấy danh nghĩa người nhà” chiếu trên Netflix bỏ lọt những hình ảnh, chi tiết sai trái liên quan đến vấn đề chủ quyền khi chiếu hình ảnh bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”. Khán giả xem phim cho rằng, phim đã cố tình “gài” hình ảnh để quảng bá cho bản đồ có đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Cần chế tài kiểm soát chặt chẽ

Qua các dẫn chứng trên, vấn đề quản lý phim chiếu mạng internet cần được kiểm soát chặt chẽ và được “hiện thực hóa” từ Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Trong Luật cũng cần quy định rõ về việc quản lý các phim được phát hành, phổ biến trên mạng cho các thuê bao Việt Nam từ nhà phát hành đặt máy chủ ở nước ngoài như Netflix.

Theo quy định tại Điều 26 Luật An ninh mạng nêu rõ: “Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp ngoài nước quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”.

Vậy nhưng, dữ liệu ở nước ta trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan với mục đích lợi nhuận mà Nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí là bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật

Trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, các nhà quản lý cũng đã dự định đề xuất khung pháp lý trong lĩnh vực phổ biến phim trên không gian mạng với hai phương án tiền kiểm và hậu kiểm. Cùng với đó là đề xuất về việc cần thiết phải đưa ra những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với từng loại vi phạm.

Nêu ý kiến về nội dung quản lý phổ biến phim trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Phương án tiền kiểm đảm bảo an toàn nhưng nếu dựa vào công nghệ thì chúng ta chưa đủ sức, không thể kiểm soát được. Hơn nữa, phương án tiền kiểm sẽ khiến gia tăng thêm bộ máy, con người, đi ngược với xu thế chung. Ban soạn thảo vì vậy đưa ra quy định đi theo hướng hậu kiểm, với các điều khoản chặt chẽ, bắt buộc cơ quan phổ biến phim trên mạng cung cấp nội dung, chịu trách nhiệm thẩm định và công cụ gỡ bỏ nếu phát hiện nội dung sai phạm…”.

Hiện nay, phát hành phim chiếu mạng trở thành xu hướng không chỉ giới hạn ở những bộ phim ngắn, đội ngũ sản xuất nghiệp dư mà còn gây chú ý với giới làm phim chuyên nghiệp. Các dự án phim đình đám như “Bố già”, “Kẻ săn tin”,… thu hút lượng người xem “khủng”, thậm chí doanh thu từ các bộ phim chiếu mạng còn lớn hơn so với phát hành chiếu rạp truyền thống.

Luật Điện ảnh ban hành năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đến nay cần phải thay đổi để phù hợp với xu thế thời đại.

Về nội dung phổ biến phim trên không gian mạng trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đây được đánh giá là vấn đề khó, nhiều thách thức.

Do vậy, Ban soạn thảo cần tiếp thu những ý kiến từ nhà quản lý, chuyên gia, nhà làm phim để sớm hoàn thiện nội dung và đi vào thực tiễn đời sống, hạn chế những sai sót vi phạm pháp luật, văn hóa tín ngưỡng dân tộc, đảm bảo một môi trường trong sạch cho thị trường phim chiếu mạng hiện nay.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động