Thứ năm 25/04/2024 14:42

Lợi ích, quyền và sự bảo vệ cho trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Bộ Y tế, tính từ ngày 05 – 7 - 2021 đến 30 – 7 - 2021 có khoảng 5% tổng số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội là trẻ em từ 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta.

Covid-19 đã bắt đầu xâm nhập vào các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

Theo đó, trong báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31 – 8 - 2021 có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 trẻ em. Không chỉ nhiễm hay phơi nhiễm Covid-19, trẻ em còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều trẻ em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng, nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm Covid -19.

Lợi ích, quyền và sự bảo vệ cho trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách
5% tổng số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội là trẻ em từ 0-5 tuổi. Ảnh minh họa

Tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Covid-19 đã bắt đầu xâm nhập vào các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung, nguy cơ lây lan sang nhiều em khác. Trong và sau đại dịch, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, lao động trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nguy cơ gia tăng.

Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến trẻ em, trong Hội nghị trực tuyến để đánh giá và tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của đại địch COVID-19 đến trẻ em, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức, TS Annie Chu, Điều phối viên Nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân -WHO tại Việt Nam cho biết: “Các bằng chứng hiện có cho thấy trẻ em ít có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do nhiễm Covid-19 so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là chúng ta phải dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như giữ khoảng cách an toàn, tránh đám đông và tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên rửa tay. Các biện pháp phòng ngừa riêng của người lớn cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa lây truyền vi rút cho trẻ em”.

Cũng vậy, bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF quan điểm, việc ban hành, hướng dẫn của Bộ Lao động TBXH về bảo vệ trẻ em và phụ nữ khỏi bạo lực trong khu cách ly tại cơ sở và tại nhà là điều cần thiết. Ngoài ra, việc Bộ Y tế ban hành Quyết định số 7020/BYT-MT hướng dẫn về cách ly tại nhà và phòng, chống Covid-19 cho trẻ em cũng là điều đáng hoan nghênh. Bà cho rằng, lợi ích, quyền và sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách, quyết định và hướng dẫn liên quan đến các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19. “Các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng cần được tiếp tục. Cán bộ, nhân viên tuyến đầu tiếp xúc với trẻ em cần được trang bị khẩn cấp kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em” – bà Lesley Miller nói.

Lợi ích, quyền và sự bảo vệ cho trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách
Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEFA. Ảnh: Giáp Tống

Đảm bảo mọi trẻ em đều được học tập

Việc cần thiết ngoài chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho trẻ em, việc để trẻ em tiếp tục được học tập cũng là điều cần kíp. Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GDĐT, cần chỉ đạo của ngành giáo dục trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ em không đến trường nhưng không ngừng việc học và các hoạt động giáo dục khác. Đồng thời đề xuất cần có hướng dẫn bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học trong điều kiện dịch COVID-19 còn kéo dài và hướng dẫn quy trình xử lý khi phát sinh các tình huống về dịch bệnh.

Còn theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL, ngoài việc cùng các cấp chính quyền tuân thủ các nguyên tắc chống dịch, các thành viên trong gia đình cần tăng cường đọc sách, tập luyện thể dục thể thao tại nhà “Cả nhà tập ngay - đánh bay Covid”.

Trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh quan điểm, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cập nhật thường xuyên các vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn thành phố để đánh giá tình hình và kịp thời chỉ đạo địa phương xây dựng các giải pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em an toàn trong khu phong tỏa, khu cách ly tạm thời. “Kết nối các dịch vụ xã hội sẵn có từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và đàm phán với các dự án để chuyển đổi hoạt động sang hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em, cho gia đình trẻ đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kịp thời, phù hợp”- ông nói.

Ngày 8-9-2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị trực tuyến để đánh giá và tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của đại địch COVID-19 đến trẻ em. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có 25 điểm kết nối, tại Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố đang hoặc đã là điểm nóng của đại dịch COVID-19; trên 200 đại biểu là đại điện lãnh đạo các bộ, sở, ngành, tổ chức, đoàn thể: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và một số tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam: UNICEF, WHO, Save Children, Child Fund…

Phát biểu trong Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá: “Các chính sách hỗ trợ cho trẻ em là F0, F1, phụ nữ đang mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 06 tuổi được triển khai nhanh chóng, kịp thời, trên 108 nghìn người lớn và trẻ F1 được hỗ trợ tiền ăn với gần 116 tỷ đồng. Ngay từ tháng 4/2020, 13 đầu tài liệu, 200 ngàn ấn phẩm truyền thông được biên soạn và phát hành đến các khu cách ly tập trung, gia đình và cộng đồng, hàng trăm bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (BVCSGD TE) được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em sớm được quan tâm triển khai…”

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động