Thứ ba 07/05/2024 09:38

Lao xe vào CSGT: Chống người thi hành công vụ hay giết người?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong những ngày gần đây liên tiếp xảy ra các vụ chống đối CSGT làm nhiệm vụ. Đây là hành động coi thường luật pháp, cần xử lý nghiêm khắc, công khai theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Cao Văn Lý đâm thẳng xe vào chiến sỹ CSGT rồi bỏ chạy 2km
Ông Cao Văn Lý đâm thẳng xe vào chiến sỹ CSGT rồi bỏ chạy 2km

Theo đại diện Cục CSGT, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian tới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với các hành vi chống đối, lực lượng CSGT sẽ phối hợp các lực lượng chức năng củng cố hồ sơ cương quyết xử lý bằng pháp luật hành chính hoặc hình sự để răn đe người tham gia giao thông về thượng tôn pháp luật và không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Mới đây, ngày 6/2, đối tượng Kiều Tiến Tâm, SN 1994, điều khiển xe mô-tô, biển số 24P5-2859 chở Vũ Quang Vinh, SN 1993, đều trú tại TP Lào Cai, đi hướng phường Bình Minh đến phường Kim Tân. Do có biểu hiện vi phạm giao thông, 2 người bị CSGT ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe. Tuy nhiên, Tâm không chấp hành mà tăng ga cho xe đâm thẳng vào tổ công tác, khiến một chiến sĩ ngã xuống đường bị đa chấn thương, nứt hộp sọ và đang được cấp cứu tại BV Việt Đức, Hà Nội.

Cơ quan chức năng xác định người điều khiển xe máy có nồng độ cồn ở mức 0,303 mg/l khí thở. Hiện CQ CSĐT, CA TP Lào Cai đang tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ hành vi của đối tượng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 5/2, tại Vĩnh Phúc cũng xảy ra vụ việc ông Cao Văn Lý, 65 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Tường bất tuân lệnh dừng kiểm tra của tổ công tác. Ông Lý đã không dừng xe, điều khiển ôtô tiến thẳng tới tổ công tác, khiến một CSGT buộc phải bám vào nắp capô.

Tài xế sau đó lái ô tô đi hơn 2km và gây tai nạn giao thông với một người đi xe máy, đồng thời khiến nam cảnh sát bị hất văng xuống đường. Hậu quả cả cán bộ cảnh sát và người đi đường bị thương, phải đi cấp cứu. Ngày 8/2, VKSND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can với ông Cao Văn Lý về tội "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 330 BLHS.

Vậy, trong hai trường hợp chống đối và có các hành vi trên, người vi phạm sẽ bị xử lý ra sao? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, cả hai trường hợp trên đều là "Chống người thi hành công vụ" quy định rõ tại Điều 330 BLHS 2015 (sửa đổi 2017). Người vi phạm có thể bị xử lý với khung hình phạt từ 6 tháng đến 7 năm.

Luật sư Thái phân tích, việc khởi tố hành vi chống người thi hành công vụ, hay Giết người trong những vụ việc như thế này thường dựa vào hành vi, ý chí và mối quan hệ nhân quả, tính chất mức độ của vụ việc đó như thế nào.

Luật sư Thái cũng cho rằng, trên thực tế, đã có án lệ về hành vi trên. Đối với hành vi điều khiển phương tiện là mô tô lao thẳng vào tổ công tác đang làm nhiệm vụ, hất cán bộ CSGT đang làm nhiệm vụ lên nắp capo thì những hành vi này không đơn thuần là không chấp hành hiệu lệnh nữa. Đó là các hành vi chống người thi hành công vụ, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, gây mất ổn định trật tự xã hội.

Vì vậy, những hành vi trên hoàn toàn có thể xử lý hình sự và cần phải xử lý hình sự theo quy định tại Điều 330 BLHS để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Bên cạnh đó, nếu hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội có thể bị truy cứu Trách nhiệm hình sự về "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người".

Nếu hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hậu quả tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội "Giết người" theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 123 BLHS, hình phạt có thể áp dụng cao nhất là tử hình.

Trong vụ việc điểu khiển xe mô tô tông xe vào CSGT đang làm nhiệm vụ thì việc tạm giữ hình sự là thủ tục đầu tiên để xác minh sự việc. Sau khi có đầy đủ thông tin về vụ việc thì CQ CSĐT sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện các thủ tục điều tra theo quy định.

Tuy nhiên, để khởi tố vụ án này thì CQĐT cần chứng minh được lỗi cố ý của người vi phạm. Nếu sự việc chỉ do vô ý hoặc do lỗi kỹ thuật từ động cơ… mà không phải là do lỗi cố ý cản trở, chống người thi hành công vụ thì hành vi này sẽ không bị xử lý hình sự.

Nếu hành vi manh động của người điều khiển phương tiện không phải là mục đích cản trở thi hành công vụ, không nhằm mục đích để chạy trốn khỏi bị xử lý vi phạm giao thông, mà họ thực hiện hành vi tấn công người thi hành công vụ do thù tức, mục đích là để tước đoạt tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội "Cố ý gây thương tích” hoặc tội” Giết người".

Trong hai trường hợp trên ta thấy rằng, hành vi của người phạm tội đã sử dụng phương tiện là nguồn nguy hiểm cao độ cụ thể là xe mô tô, ôtô, nhằm để đạt được mục đích ngay lúc đó đã coi thường pháp luật bất chấp kết quả, mặc dù biết hành vi này có thể gây chết người.

Hành vi này cũng được xem là hành vi nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng của cán bộ CSGT. Do vậy, đây cũng có thể truy tố là hành vi “Giết người” được quy định tại Điều 123 BLHS 2015 (sửa đổi 2017).

Dấu hiệu chống người thi hành công vụ rõ ràng Dấu hiệu chống người thi hành công vụ rõ ràng

Luật sư cho rằng, tùy tính chất mức độ mà tài xế có thể đối mặt với các khung hình phạt khác nhau.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động