Lãnh đạo Công an huyện Lục Yên nêu nguyên nhân chưa khởi tố vụ án
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVì sao chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can?
Theo nạn nhân Nguyễn Văn Tỵ, gia đình ông có thuê người làm lại con đường đi vào nhà tại thôn Khe Phay, xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Khoảng 18g ngày 6-5-2021, ông Tỵ cùng thợ đang đổ bê tông (trong phạm vi lối đi của gia đình) bất ngờ bị vợ chồng ông Lê Văn Thái, SN 1967 và bà Phạm Thị Anh, SN 1971 cầm theo gậy, cuốc sắt xông xuống chửi bới và dùng hung khí tấn công tới tấp. Trong đó, bà Phạm Thị Anh cầm theo cuốc sắt bổ thẳng vào người, vào đầu ông Tỵ, còn ông Lê Văn Thái dùng gậy tấn công tới tấp vào người, vào tay, vào vai và vào đầu nạn nhân. Hậu quả, ông Tỵ bị gãy hở xương cẳng tay trái, chấn thương vai trái và chấn thương sọ não.
2 vợ chồng đối tượng cầm hung khí nguy hiểm tấn công gây thương tích nặng, làm gãy hở xương cẳng tay trái |
Gần 2 tháng trôi qua, vợ chồng đối tượng gây ra vụ việc vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tại sao Cơ quan CSĐT CA huyện Lục Yên cũng chưa khởi tố vụ án để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật?
Ngoài vết thương hở, chưa kể vết thương trật khớp, di chứng ảnh hưởng đến khớp cổ tay cũng có tỷ lệ từ 5-9% |
Trao đổi với PV, Trung tá Đỗ Mạnh Thắng, Phó trưởng CA huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Cơ quan CA huyện Lục Yên đang điều tra vụ việc cố ý gây thương tích tại thôn Khe Phay, xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Bước đầu xác định, khoảng 18g10 ngày 6-5, do mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, ông Lê Văn Thái và vợ là bà Phạm Thị Anh (cùng trú tại thôn Khe Phay, xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đánh gây thương tích cho ông Nguyễn Văn Tỵ, SN 1953, ở cùng thôn. Hậu quả khiến nạn nhân bị thương phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái. Ngày 8-6, Cơ quan CSĐT CA huyện Lục Yên đã ra quyết định trưng cầu Trung tâm Pháp y tỉnh Yên Bái xác định tỷ lệ % tổn hại sức khỏe của ông Nguyễn Văn Tỵ. Tại bản kết luận giám định số 100/TgT ngày 14-6-2021 của Trung tâm pháp y tỉnh Yên Bái kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây lên hiện tại là: 10%.
Theo dõi chấn thương sọ não kín do bị đánh |
Lý giải với PV vì sao vụ án cố ý gây thương tích đã rõ và đã xác định được đối tượng cầm hung khí tấn công nạn nhân gây thương tích mà chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can? Trung tá Đỗ Mạnh Thắng cho rằng vụ án đã rõ hết rồi nhưng đang chờ kết quả giám định?!
Giấy ra viện của Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái |
Trả lời câu hỏi của PV, Trung tá Đỗ Mạnh Thắng đánh giá như thế nào về vết thương của nạn nhân, khi bị đối tượng dùng hung khí tấn công khiến cho nạn nhân gãy hở xương cẳng tay trái, chấn thương vai trái, theo dõi chấn thương sọ não kín do bị đánh mà chỉ có 10%? Trung tá Thắng cho rằng, CQCA chứng minh hành vi phạm tội hay không phạm tội, còn giám định thương tích bên cơ quan chuyên môn đánh giá và vào khung khoản nào CQCA sẽ áp đúng khung khoản đó!?
Luật sư bày tỏ quan điểm...
Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, khi một người dùng hung khí nguy hiểm cố ý gây thương tích cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật dưới 11% cũng đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% là phạm tội thuộc khoản 2 (có mức hình phạt từ hai năm đến bảy năm). Bởi vì, việc dùng hung khí nguy hiểm sẽ làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nên đây là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án này, nếu Cơ quan CSĐT làm rõ việc 2 đối tượng dùng gậy, dùng cuốc tấn công vào tay, vào vai và vào đầu nạn nhân Tỵ thì hành vi của 2 đối tượng Lê Văn Thái và vợ là Phạm Thị Anh có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội Cố ý gây thương tích theo điểm a, c, h... Điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Hình ảnh gia đình bị hại cung cấp cho thấy vợ chồng ông Thái, bà Anh đã dùng hung khí tấn công ông Tỵ |
Đánh giá về kết quả trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Yên Bái xác định tỷ lệ % tổn hại sức khỏe của ông Nguyễn Văn Tỵ. Theo đó, Tại bản kết luận giám định số 100/TgT ngày 14-6-2021 của Trung tâm pháp y tỉnh Yên Bái kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây lên hiện tại là: 10%. Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, thì Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28-8-2019 quy định tỷ lệ % tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Trong đó, tại Chương 7 quy định tỷ lệ % tổn thương cơ thể do tổn thương cơ, xương khớp thì tại mục III, phần 3 quy định về Gãy thân xương cánh tay một bên dưới cổ phẫu thuật thì tỷ lệ % di động từ 11%-43% tùy theo vị trí và độ dài của xương. Ngoài ra, chưa kể vết thương trật khớp, di chứng ảnh hưởng đến khớp cổ tay cũng có tỷ lệ từ 5%-9%. Bên cạnh đó, còn vết thương ở vai và theo dõi chấn thương sọ não kín do bị đánh...
Điều 134 Bộ Luật Hình Sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên; b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên; e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình; h) Có tổ chức; i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc; l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê; m) Có tính chất côn đồ; n) Tái phạm nguy hiểm; o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. 3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại