Làm rõ liệu có lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách giáo khoa?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐề nghị rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, VKSND Tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của UBTVQH về chất vấn tại phiên họp.
Vấn đề đổi mới giáo dục, sách giáo khoa tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên UBTVQH. Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, bà rất chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, vì mảng giáo dục và y tế bao giờ cũng được đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm vì đụng đến tất cả mọi người.
Bà Nga đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, có giải pháp ngăn chặn các tiêu cực phát sinh. “Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ để tổng rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi”, bà Nga nói.
Qua ý kiến của Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, và thông tin từ dư luận, từ cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ GD&ĐT và Chính phủ kiểm tra làm rõ những câu hỏi nghi ngại xung quanh việc độc quyền của Nhà xuất bản giáo dục.
“Tại sao bây giờ khác với các thế hệ trước, một bộ sách không dùng được 2-3 thế hệ, ví dụ năm nay anh học, năm sau em học? Bây giờ toán lớp 1 ghi luôn là luyện tập chung vào SGK, như thế này thì đương nhiên lớp sau không dùng được. Tại sao chúng ta lại ghi bài tập luôn vào SGK?
Chúng tôi chuyển đến Bộ GD&ĐT để làm rõ, thứ nhất là lý do vì sao mà chúng ta để phí mỗi năm khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ vào việc mua sách sau đó đến năm sau không dùng được nữa”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp hỏi.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ có biểu hiện gì thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách không. Ảnh: quochoi.vn |
Có hay không lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách?
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải mong muốn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT “quan tâm thêm cho một số vấn đề”, đặc biệt tình trạng phát hành sách giáo khoa sử dụng một lần.
“Mỗi quyển sách chỉ 10.000-12.000 đồng nhưng nó ảnh hưởng tới muôn nhà. Hiện nay có 15,6 triệu học sinh, vì vậy nó ảnh hưởng tới tất cả các gia đình. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này liên quan tới có biểu hiện gì thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không”, bà Hải nói.
Theo bà Hải, mục đích sách sử dụng một lần hay sách sử dụng nhiều lần hoàn toàn là do người in sách, chưa nói đến chuyện giấy rất phí, ảnh hưởng đến môi trường. Ở Mỹ người ta vẫn dùng lại SGK, sử dụng SGK còn rèn luyện cho người sử dụng tính tiết kiệm, cẩn thận.
“Ngoài SGK còn có việc phát hành sách tham khảo. Có hay không việc ép học sinh phải mua sách tham khảo. Có phụ huynh học sinh nhắn tin cho tôi nói có quyển sách tham khảo chúng tôi mua từ đầu năm tới cuối năm không dùng đến, vẫn mới tinh. Đề nghị Bộ trưởng cho tổng kết, đánh giá việc thực hiện này trong thời gian vừa qua như thế nào”, Trưởng ban Dân nguyện nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng phải công bố chương trình tổng thể, công bố chương trình bộ môn, các nhà khoa học, các chuyên gia mới viết sách, hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt, in ấn, dạy thử rồi mới làm đại trà.
“Lộ trình đó hiện nay thực hiện như thế nào, nếu Bộ GD&ĐT muốn rằng năm 2019 triển khai thì ngay từ bây giờ phải công bố, nhưng đến nay chưa công bố được chương trình bộ môn. Thời gian đâu để các chuyên gia viết sách và làm thực nghiệm, điều đó tạo dư luận băn khoăn”, ông Bình nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng cho biết, Ủy ban này đã giám sát trong năm 2018 về vấn đề xuất bản SGK và sẽ công bố giám sát cuối năm nay.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng đề cập đến cơ sở vật chất. Nếu trước đây vấn đề này đặt ra chủ yếu ở vùng cao thì bây giờ đang xuất hiện ở các TP lớn, ví dụ như Hà Nội thiếu phòng học. Nghị quyết của Chính phủ nói một lớp khoảng 35 học trò thì Hà Nội không phải 35, thậm chí có thể gấp đôi học trò trong lớp.
“Đối tượng của giáo dục là con người, là tương lai của đất nước. Giáo dục là dịch vụ đặc biệt chứ không phải dịch vụ bình thường. Do đó, mỗi vấn đề tác động đến giáo dục cần cẩn trọng và hết sức nghiêm túc”, ông Bình nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại