Thứ sáu 26/04/2024 10:20

Lại chuyện cái "chuồng cọp" chặn đường sống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Rạng sáng ngày 4-4, vụ cháy nhà riêng trên phố Tôn Đức Thắng đã cướp đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình, trong đó có một phụ nữ còn đang mang thai. Theo nhiều nhân chứng tại hiện trường, những người trong gia đình không thể thoát ra khỏi đám cháy bởi lối đi duy nhất ở tầng 1 đã bị bít do đám cháy quá lớn. Còn trên tầng thượng, chính cái “chuồng cọp” của gia đình họ đã cướp đi lối thoát của họ.

Trước vụ hỏa hoạn này chỉ 5 ngày, vụ cháy xảy ra tại căn nhà cấp 4 phường Cát Lái (Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã gây hậu quả xót xa không kém khi cả 6 người trong gia đình đều thiệt mạng.

Căn nhà này bị bít bùng tứ phía, chỉ có một lối ra vào là cửa chính nhưng bị 5 chiếc xe máy chắn ngang. Khi ngọn lửa bùng lên, 6 người đang ngủ say bên trong không thể thoát nạn. Người duy nhất sống sót nằm ngủ phía bên ngoài cũng bị bỏng nặng trong lúc tìm cách cứu người thân.

Một lần nữa, câu chuyện bất cập từ cái “chuồng cọp” hoặc những ngôi nhà phố bít bùng lại được người ta nhắc đến. Không chỉ đến các vụ cháy mới đây xảy ra người ta mới thấy sự tai hại của những ngôi nhà bít bùng hay những "chuồng cọp" kiên cố chống trộm. Mà từ trước đó không lâu, nhiều những cái chết thương tâm vì cháy nhà khiến ai ai đều ám ảnh.

Lại chuyện cái
Hiện trường vụ cháy tại phố Tôn Đức Thắng rạng ngày 4-4.

Ví như vào tháng 12-2019, tại ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong ngõ 143 phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra vụ hỏa hoạn khiến ba bà cháu mắc kẹt.

Khi người dân nghe tiếng kêu cứu phát ra từ bên trong, đến dập lửa cứu người, không thể tiếp cận do ngôi nhà được quây “chuồng cọp” xung quanh, cửa ra vào khóa 2-3 lớp. Khi lực lượng chức năng dập tắt được đám cháy thì các nạn nhân đã tử vong.

Chuyện ở các thành phố lớn ở Việt Nam một tấc đất là một tấc vàng không còn lạ. Chính thế nên việc gia cố thêm diện tích bằng cách cơi nới trên không là giải pháp tương đối hữu hiệu cho các hộ dân ở các khu tập thể cũ, các khu nhà ở chung của các hộ gia đình ở phố cổ… Và lúc này, cái “chuồng cọp” là sự lựa chọn thỏa đáng nhất.

Không chỉ giúp các hộ gia đình gia tăng diện tích sử dụng, “chuồng cọp” còn có tác dụng ngăn ngừa trộm cắp xâm nhập vào nhà. Chính thế nên không chỉ ở các chung cư, tập thể cũ… mà cả các nhà phố cũng lựa chọn phương pháp này để gia cố trong ngôi nhà của mình.

Không quá khó để bắt gặp những chuồng cọp lô nhô, lổn nhổn hiển hiện trên bộ mặt đô thị Hà Nội. Có những lúc, nó là một “đặc trưng” của các khu tập thể như Kim Liên, Giảng Võ, Thanh Xuân Bắc…

Chuyện làm “chuồng cọp” đã như chuyện thường tình đến độ, trong giao dịch mua bán căn hộ, những “chuồng cọp” này cũng được tính đến như một diện tích sở hữu riêng.

Thế nhưng sau tất cả những tiện lợi, những thoải mái vì có thêm vài m2 trong nhà, và sự cẩn thận để phòng chống trộm, nhiều gia đình đã tự đặt dấu chấm hết cho sinh mạng của người thân khi có hỏa hoạn.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), trong năm 2020 trên toàn quốc xảy ra hơn 5.300 vụ cháy nổ, làm chết gần 100 người.

Số vụ cháy thống kê được là 5.354 vụ và 33 vụ nổ, tổng số người chết 89 người, bị thương 184 người. Tại thành thị xảy ra 1.443 vụ, khu vực nông thôn xảy ra 1.321 vụ.

Nguyên nhân của các vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện 1.201 vụ, do sơ suất bất cẩn sử dụng lửa, nhiệt 512 vụ… Tình hình cháy trong khu dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh tiếp tục diễn biến phức tạp và chiếm 40,7% tổng số vụ cháy xảy ra trong năm. Nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

Ngoài những yếu tố khác, thì nguyên nhân các đám cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người ở tại các đô thị lớn chủ yếu do không có lối đi.

Theo đó, xu hướng phòng trộm diễn ra hầu hết ở các loại nhà tại các đô thị. Do tận dụng diện tích nên phần lớn nhà ở Hà Nội là những nhà dạng nhà ống, cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Trong vụ cháy hôm 4-4 vừa qua, thì lối thoát này đã bị khói lửa chặn.

Vì thế, phương án tiếp theo được lựa chọn là chạy lên tầng trên, nhưng tầng trên này lại bị chiếc “chuồng cọp” chặn.

Mỗi lần có một vụ cháy gây thiệt hại về người do người dân bị chặn đường thoát là một lần báo chí truyền thông, các cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo về “chuồng cọp” hay chuyệt bít bùng khi xây nhà.

Nhưng có vẻ như người dân hay lo sợ nhưng cũng dễ quên, thế nên năm này qua năm khác, những vụ hỏa hoạn xảy ra vẫn cứ được người ta xót xa vì đáng lẽ nạn nhân vẫn còn con đường sống nếu không có cái… “chuồng cọp”.

Do vậy, khuyến cáo của các cơ quan chức năng về việc người dân không được chủ quan và cần có ý thức tự trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ. Không vì cái tiện cho cuộc sống, không vì ngăn trộm mà chặn luôn đường sống của chính mình.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động