Văn hóa
Kỳ lạ lễ hội chui kiệu cầu may ở Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hội đình Hoàng được người dân Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức hội chính 5 năm một lần với quy mô lớn trên toàn xã, gồm 12 thôn.
|
Ngày 1/3, xã Cổ Nhuế, nay là phường Cổ Nhuế 1, 2 đã tưng bừng khai mạc Lễ hội kỷ niệm 995 năm thành lập làng. |
|
Hội đình Hoàng được người dân Cổ Nhuế tổ chức hội chính 5 năm một lần với quy mô lớn trên toàn xã, gồm 12 thôn. Nghi lễ gồm: Rước kiệu thánh, rước giá văn, rước Phật đình, rước phướn… |
|
Được cho là một trong những lễ hội lâu đời nhất trên đất Hà thành, Cổ Nhuế có tên cũ là Kẻ Noi, hội làng bắt đầu được tổ chức từ năm Mậu Thìn 1028, tức năm thứ 19 triều vua Lý Thái Tổ. Cũng vào năm này, làng Kẻ Noi chính thức được đổi tên thành làng Cổ Nhuế và xin được tôn Hoàng tử hiệu Đông Chinh Vương làm Thành hoàng để thờ phụng. |
|
Tích xưa kể rằng, năm Thuận Thiên thứ 18 (1027) thời vua Lý Thái Tổ, Hoàng Vương phụng chiếu vua cha đi dẹp giặc ở Văn Châu (Lạng Sơn). Đến tháng 2 năm sau (Mậu Thìn 1028), Hoàng Vương thắng trận trở về, dân làng đứng hai bên đường nghênh đón thành kính. Sau đó, dân làng Cổ Nhuế được vua xuống chiếu ban cho 1.600 mẫu ruộng và miễn tô thuế. Đến năm Thiên Thánh thứ hai, Hoàng Vương và nàng công chúa thứ tư con vua Lý, tên là Tả Minh Hiến, đã bỏ tiền xây dựng đình Hoàng. |
|
Đến nay, hội đình Hoàng vẫn được duy trì tổ chức sau gần 1.000 năm với định kỳ 5 năm một lần. Tâm điểm của lễ hội là rước kiệu thánh Vân Du. |
|
Hành trình của đám rước đi từ đầu làng đến cuối làng, bắt đầu tại đình Hoàng tới chùa Trung Hưng, qua chùa Sùng Quang, qua đền Bà Chúa, chùa Anh Linh, đi đến đâu dâng lễ đến đấy, sau đó rước thánh hồi cung. |
|
Ông Nguyễn Duy Hùng - Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2, đại diện Ban Tổ chức cho biết: "Lễ hội là một nét đẹp văn hóa, là dịp tưởng nhớ công ơn của thánh hoàng làng đã có công gây dựng nên xã Cổ Nhuế, nay là phường Cổ Nhuế 1, 2 ngày nay. Lễ hội góp phần giáo dục lớp trẻ lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống ông cha để lại, tri ân các bậc tiên tổ". |
|
Đoàn rước kiệu thánh Vân Du đi qua đường làng, 2 bên là người dân và du khách cùng tham gia bày nhang đèn, mâm cỗ, bái vọng. |
|
Hội đình Hoàng là một nét đẹp văn hóa của người dân Cổ Nhuế hàng nghìn năm nay. |
|
Tại hội rước kiệu thánh Vân Du, người dân có tục chui dưới kiệu để cầu may, cầu phước, cầu lộc. |
|
Anh Nguyễn Văn Long (phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Trong ngày rước kiệu, người dân sẽ chui qua kiệu Thánh để xin phước may mắn. Chủ yếu là trẻ em sẽ chui qua kiệu, ví dụ như trẻ chậm nói, chậm đi thì xin phước khỏe mạnh, nhanh nói. Ngày nay, trẻ em chui kiệu để xin phước học hành đỗ đạt, giỏi giang". |
|
Bà Vũ Thị Thán (phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: "Dân làng vẫn luôn tự hào khi có lễ hội lịch sử cả nghìn năm tuổi. Vì thế, người dân từ trẻ nhỏ đến người già đều vui vẻ, hăng hái tham gia lễ hội. Đây cũng là dịp để người lớn giáo dục truyền thống cho trẻ nhỏ, cầu cho một năm sức khỏe dồi dào, công việc thuận buồm xuôi gió". |
|
Trẻ nhỏ được cha mẹ bế chui qua kiệu rước thánh Vân Du để cầu may mắn, mạnh khỏe. |
|
Hội rước kiệu thánh Vân Du được tiến hành từ 7h30 đến 14h30 ngày 1/3. |
|
Hình ảnh đông đúc, tấp nập tại hội đình Hoàng. |
|
Hội đình Hoàng có lịch sử gần nghìn năm, là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời nhất tại Hà Nội. |
|
Trải qua gần nghìn năm lịch sử, người dân Cổ Nhuế vẫn gìn giữ được những nét đẹp về một lễ hội văn hóa lâu đời. |
Khánh Huy