Chủ nhật 19/05/2024 12:39
Bi hài chuyện ở chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn:

Kỳ 3: Những “quái chiêu” dân nhậu đối phó với CSGT

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian gần đây, câu chuyện “thổi nồng độ cồn” được bàn tán rôm rả không chỉ trên các diễn đàn mạng xã hội mà ở các cuộc nhậu, các chầu trà đá, cà phê… Người thì kể lại chuyện mình bị CSGT thổi cồn, người thì mách nhau cách tránh các chốt kiểm tra của CSGT, rủ nhau mua máy nồng độ cồn, thậm chí còn học luật online để đối phó, đòi xem chuyên đề, kiểm tra máy đo nồng độ cồn của CSGT…
-	Máy đo nồng độ cồn được rao bán trên mạng với nhiều mức gia khác nhau. Ảnh: Bạch Dương
Máy đo nồng độ cồn được rao bán trên mạng với nhiều mức gia khác nhau. Ảnh: Bạch Dương

“Cười ra nước mắt” với máy đo nồng độ cồn mua trên mạng

Nghe bạn bè rỉ tai về việc mua máy nồng độ cồn riêng để chủ động di chuyển mỗi khi đi nhậu tránh bị CSGT xử phạt. Anh Hà, trú tại quận Long Biên, Hà Nội đã lên mạng và dễ dàng tìm mua một chiếc máy đo nồng độ cồn mini với giá gần 500 nghìn đồng. Mấy hôm sau, cơ quan tổ chức liên hoan trước khi nghỉ lễ 2/9, anh Hà cùng đồng nghiệp ung dung vì mang theo máy thổi cồn, mọi người bảo nhau cứ uống. Sau cuộc nhậu kiểm tra, nếu ai quá nồng độ cồn thì bắt taxi về, nếu nồng độ cho phép thì tự lái xe về.

Anh Hà kể: “Sau cuộc liên hoan, tôi mang máy ra để cả hội thổi. Đến lượt tôi, máy báo ở mức cho phép. Do đó tôi tự chạy xe máy về nhà, trên đường về thì gặp chốt đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT CATP Hà Nội. Tôi tự tin dắt xe vào chốt và rất hợp tác thổi vào máy đo nồng độ cồn, trong đầu nghĩ rằng mình sẽ không “dính cồn” được. Thật bất ngờ, máy đo nồng độ cồn của CSGT lại cho kết quả kịch khung. Tôi đã bị lập biên bản xử phạt ở mức cao nhất đối với người điều khiển xe máy”.

Liên quan đến chiếc máy đo nồng độ cồn, anh Nam, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cũng có một câu chuyện “cười ra nước mắt”. Với đặc thù công việc là hay phải đi tiếp khách nên không thể tránh khỏi những cuộc nhậu. Từ khi lực lượng CSGT tăng cường xử lý nồng độ cồn, anh Nam cũng khá lo lắng. Ngoài việc thường xuyên chuẩn bị các loại thực phẩm giải rượu thì anh Nam cũng quan tâm đến máy đo nồng độ cồn.

Thấy bạn bè, người thân mua nhiều loại máy khác nhau, giá chỉ từ 200 đến 500 nghìn đồng. Sau khi tham khảo thì những người này khuyên anh Nam không nên mua máy giá rẻ vì đo không chính xác. Đúng lúc lên mạng tìm hiểu và được tư vấn máy đo cồn chính hãng giá gần 3 triệu đồng. Nghe lời quảng cáo của người bán, anh Nam liền đặt một chiếc.

Khi nhận được máy, anh Nam liền test thử sau bữa cơm trưa của gia đình, anh uống 2 lon bia rồi thổi cồn. Kết quả nồng độ cồn vượt mức cho phép, anh Nam gật gù cho rằng máy đo này khá chính xác. Tuy nhiên, khi vợ của anh cầm máy lên xem và cũng thử thổi chơi dù không hề uống bia rượu. Và kết quả ngã ngửa khi máy báo trong hơi thở của vợ anh có cồn ở mức trên 0,4mg/L khí thở. Sau đó, những người trong gia đình anh Nam thổi đều cho kết quả “dính cồn”.

Anh Nam lắc đầu ngao ngán: “Bỏ tiền ra mua cái máy gần 3 triệu đồng, cuối cùng chỉ dùng làm đồ chơi cho con... Tốt nhất là ra đường đã uống rượu bia thì thuê xe về để đảm bảo an toàn cho mình và người khác, đừng nên tìm cách chống chế, đối phó để rồi mất tiền oan”.

Theo Thông tư 07/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở có chu kỳ kiểm định là 12 tháng. Máy đo nồng độ cồn đạt tiêu chuẩn phải dán tem kiểm định và còn trong thời hạn giá trị ghi trên tem.

Các thiết bị này phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.

-	Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt. Ảnh: Bạch Dương
Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt. Ảnh: Bạch Dương

Tài xế say khướt vẫn đòi kiểm tra máy đo nồng độ cồn của CSGT

Trong quá trình thực hiện nhiêm vụ, tổ công tác thuộc Trạm CSGT Đa Phước, Phòng CSGT CATP Hồ Chí Minh lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại ngã tư quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh, đoạn qua huyện Bình Chánh, phát hiện anh T.M.M điều khiển xe loạng choạng, có dấu hiệu đã sử dụng rượu bia nên đã yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả anh M vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,644 mg/L khí thở.

Tuy nhiên, anh M không đồng ý với kết quả của máy đo nồng độ cồn mà tổ công tác sử dụng, không chấp hành ký vào biên bản vi phạm. Không những thế, anh M còn yêu cầu được kiểm tra máy đo nồng độ cồn của CSGT vì cho rằng máy đo không chính xác. Dù tổ công tác đã giải thích, tuyên truyền và nhiều lần yêu cầu anh này ký vào biên bản nhưng hơn 30 phút sau anh M vẫn không chấp hành. CSGT buộc phải mời công an (CA) phường sở tại đến và xử lý vụ việc theo quy định.

Một trường hợp khác là anh L.T.T, trú tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, điều khiển xe trong tình trạng say xỉn, đi không vững nhưng không chấp hành việc đo nồng độ cồn, không xuất trình được giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe. Sau đó, anh T còn tự ý rời khỏi chốt kiểm tra, tổ công tác phải mất khá nhiều thời gian để mời anh này trở lại làm việc.

Song, anh T vẫn tỏ thái độ bất hợp tác, chây ỳ không cho CSGT đo nồng độ cồn. Tổ công tác sau đó đã lập biên bản đối với anh T về hành vi không chấp hành yêu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ và lập biên bản tạm giữ phương tiện của anh T.

Liên quan đến việc người dân có quyền yêu cầu kiểm tra máy đo nồng độ cồn, xác minh nguồn gốc và tem kiểm định để đảm bảo việc đo nồng độ cồn chính xác hay không, tại Hội nghị công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2023, Thiếu tướng Lê Xuân Đức – Phó Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an cho hay, trong quy chế dân chủ bảo đảm công tác trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT đã công khai kế hoạch trên website của Cục và CA các tỉnh, thành phố.

"Phương tiện, thiết bị nghiệp vụ trang cấp cho lực lượng CSGT theo quy định của Bộ Công an. Do vậy người dân được giám sát, kiểm tra những gì được pháp luật quy định. Đối chiếu pháp luật cho thấy không có việc quy định kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của dụng cụ này. Việc kiểm tra thuộc về phạm vi, chức năng của cơ quan chức năng. Trách nhiệm của người dân đã được quy định cụ thể trong quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông", Thiếu tá Lê Xuân Đức cho biết.

Phó Cục trưởng Cục CSGT chia sẻ, hiện nay trên máy đo nồng độ cồn có hai chế độ. Một là chế độ đo định tính, hai là đo định lượng. Việc đo nồng độ cồn hiện nay được thực hiện bằng hai bước: Đo định tính, sau đó mới đo định lượng. Những người ăn hoa quả, sử dụng thuốc đau răng, uống siro… thì đã được đo bằng định tính, xác định có cồn mới đo bằng định lượng. CSGT thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo không xử lý sai quy định.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Đối mặt với những tình huống “khó đỡ” khi đo nồng độ cồn
Kỳ 2: Muôn vàn lý do của các “ma men” để né phạt
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động