Kỳ 3: Hiện thực hóa giấc mơ “quận nghệ thuật sông Hồng”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBãi giữa sông Hồng sẽ trở thành công viên văn hóa đa chức năng. Ảnh: Khánh Huy |
Từ tiềm năng sẵn có
Từng gây tiếng vang với đề án “quận nghệ thuật sông Hồng” năm 2021 bởi tính đột phá, sáng tạo, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh tiếp tục mang chủ đề này đến hội thảo khoa học “Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” tìm kiếm giải pháp hiện thực hóa “quận nghệ thuật sông Hồng” cho Hà Nội.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho biết, cách đây 6 năm, tìm kiếm cơ hội, mảnh đất để xây dựng “quận nghệ thuật sông Hồng”, ông và các cộng sự đã khảo sát bờ vở sông Hồng. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh tin rằng, một thành phố với chính sách kinh tế phát triển đất nước, phân chia lợi ích thì đầu tư cho nghệ thuật, sáng tạo là “đòn bẩy” cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Năm 2021, TP Hà Nội tổ chức cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội. Dự án “quận nghệ thuật sông Hồng” trao giải nhất. Qua cuộc thi, TP Hà Nội nhìn thấy tiềm năng phát triển, qua đó, đề án “Công viên bãi giữa sông Hồng” hiện đang được đề xuất thực hiện.
Theo quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông chảy qua nội đô kéo dài từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì, dân số hơn 181.000 người, tổng diện tích khoảng 686 ha. Khu vực được định hướng trở thành khu đa chức năng gồm các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và không gian cảnh quan, trục không gian lịch sử liên kết Hồ Tây - Cổ Loa.
UBND TP Hà Nội đã giao bốn quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ nghiên cứu đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng”, kinh phí từ ngân sách các quận.
Tại hội thảo khoa học “Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội, các kiến trúc sư, nhà quản lý đã chỉ ra những vướng mắc trong về quy hoạch đê điều. Trong đó, thách thức lớn nhất là tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách quản lý đất đai, hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ trong việc quy hoạch phát triển.
Đó là hiện trạng sông Hồng chưa khai thác được, gần như nguyên sơ đối với khu vực bãi. Cản trở lớn nhất trong việc hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị là các quy định đảm bảo an toàn phòng chống lũ, đê điều... Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đề cập khu vực bãi giữa, bãi bồi không thuộc danh mục được phép xây dựng.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm chỉ rõ bất cập trong quản lý dân cư, đất đai khu vực bãi giữa. Theo ông Phạm Tuấn Long, nhiều người ở các tỉnh khác đến sống trong các nhà bè, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, cảnh quan sông Hồng. Phát sinh vi phạm sử dụng đất sai mục đích, nhiều hộ dân tự ý dựng lều lán tạm, nhà khung cột tre, mái lá, nhà cấp bốn. Trong khi đó, dân cư Hoàn Kiếm sống bên sông Hồng với mật độ cao, thiếu không gian công cộng.
Ông Phạm Tuấn Long khẳng định, quận Hoàn Kiếm chủ trương thống nhất không phát triển đô thị khu vực này, xác định khu vực bãi giữa phục vụ hoạt động cộng đồng, khai thác giá trị lịch sử, văn hóa, di sản dọc sông gắn với vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ về đề án “quận nghệ thuật sông Hồng”. Ảnh: Mộc Miên |
Quy hoạch Thủ đô: Tầm nhìn và khát vọng
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai đồng thời lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 để trình Quốc hội vào năm 2024. Đây là thời cơ cũng là thách thức trong công tác quy hoạch, phát triển Thủ đô.
Vừa qua, Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được gửi xin ý kiến các cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Dự thảo quy hoạch gồm 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hoá.
Nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội bao gồm: 5 quan điểm phát triển, 8 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 2 ưu tiên thực hiện (vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh sang, tái thiết đô thị…). Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu tổ chức thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển (không gian văn hoá, không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh, không gian số).
Cùng với đó, đề án “Xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” tiếp tục được lấy ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, kiến trúc sư trong ngành. Nhằm hiện thực hóa “quận nghệ thuật sông Hồng”, biến hai bên bờ sông và Bãi Giữa trở thành một không gian kiến trúc đô thị hiện đại, văn minh, sinh thái…, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, cần có sự vào cuộc quyết liệt, tầm nhìn chiến lược và sự chung sức đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và người dân.
Theo ý kiến chuyên gia, về địa giới Hà Nội đã vượt sông Hồng từ trên một thế kỷ trước (1903) và một thế kỷ sau đó đã có đơn vị hành chính đô thị là quận (2004) nay có thêm một số quận, nhưng về “thế” vẫn xác định là mặt hướng sông Hồng. Việc lấy sông Hồng làm mặt tiền, thế hướng sông Hồng, không cản trở tầm nhìn đối với quy hoạch Thủ đô, là xu hướng phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
Với vị thế của Thủ đô, hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng”, TP Hà Nội không chỉ xây dựng, phát triển trở thành đô thị đặc biệt, mà còn hướng tới trở thành kinh đô sáng tạo châu Á, thực hiện cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: “Đánh thức” di sản công nghiệp trở thành không gian sáng tạo Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng quản lý Di sản (Sở văn hóa và Thể thao Hà Nội), TP Hà Nội rất quan ... |
Kỳ 1: Sức hút mới của các di sản công nghiệp |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại