Thứ sáu 22/11/2024 13:43
Khơi nguồn sáng tạo giá trị di sản công nghiệp Hà Nội:

Kỳ 2: “Đánh thức” di sản công nghiệp trở thành không gian sáng tạo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng quản lý Di sản (Sở văn hóa và Thể thao Hà Nội), TP Hà Nội rất quan tâm và hi vọng di sản công nghiệp sẽ trở thành một phần di sản đô thị, di sản văn hóa của TP. Sau thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Nhà máy xe lửa Gia Lâm được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo mới. Đây cũng là cơ hội để Hà Nội thúc đẩy phát triển Thành phố sáng tạo năng động trong thời gian tới.
-	Trưng bày đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực thu hút giới trẻ. Ảnh: Mộc Miên
- Trưng bày đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực thu hút giới trẻ. Ảnh: Mộc Miên

“Cú nổ” sáng tạo từ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Với diện tích hơn 20ha, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã tổ chức khoảng 60 các hoạt động phong phú, mang đến cho du khách trải nghiệm đúng nghĩa của Lễ Hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Lần đầu tiên, nhiều du khách được thưởng thức văn hóa lễ hội, chương trình nghệ thuật, triển lãm ngay trong các phân xưởng nhà máy.

Bên cạnh là các cầu trục, máy móc gia công được các kiến trúc sư sắp đặt tạo sự gắn kết có tính biểu tượng nhưng vẫn giữ nguyên trạng giá trị di sản công nghiệp. Từ đầu máy hơi nước Tự Lực - biểu tượng lịch sử một thời của ngành đường sắt Việt Nam đến các không gian Pavilion và triển lãm kiến trúc tại các phân xưởng nóng, phân xưởng gia công.

Trong cuộc đối thoại thuộc khuôn khổ triển lãm “Không gian kiến trúc và nghệ thuật phân xưởng nóng” do TOOB Studio thiết kế, kiến trúc sư Hồng Quang cho biết, khi tiếp nhận phân xưởng nóng 1B, nhóm kiến trúc sư choáng ngợp trước quy mô công xưởng rộng lớn. Hàng chục máy móc tại xưởng giữ nguyên trạng là kho tư liệu quý.

Để bắt tay thực hiện, nhóm kiến trúc sư đã lên ý tưởng biến phân xưởng nóng trở thành một nhà ga đúng nghĩa bằng hiệu ứng âm thanh và ánh sáng. Từng khung sắt tưởng chừng sẽ là ranh giới ngăn cản sự sáng tạo, nay được khoác lên diện mạo mới, đầy sức sống thu hút giới trẻ. Du khách được cung cấp tư liệu ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng và thưởng thức các chương trình biểu diễn nhằm góp phần hoàn thiện bức tranh trải nghiệm di sản.

“Chúng ta đang sở hữu công trình là không gian cho các nghệ sĩ, các kiến trúc sư hiện thực hóa ý tưởng và không gian tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hội tụ rất nhiều tiềm năng trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo”, kiến trúc sư Hồng Quang chia sẻ.

Một điểm nhấn khác tại không gian xưởng 3B2 do dự án “Về làng” thực hiện đã mang đến chuỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như gốm Bát Tràng, gốm Bắc Ninh, mây tre đan làng nghề Phú Vinh,… Bên cạnh đó, đơn vị thiết kế khu vực trải nghiệm vẽ gốm cho du khách.

Bắt nhịp thời đại công nghệ số, “tuyến tàu di sản” khởi hành từ Tháp nước Hàng Đậu, kết nối giữa hai đầu ga Long Biên, ga Gia Lâm đi qua cây cầu Long Biên minh chứng lịch sử và cuối cùng, dừng chân tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, di sản công nghiệp thiết yếu trong tiến trình phát triển của Thủ đô là hoạt động nhận được nhiều ngợi khen của du khách.

Với các hoạt động phong phú tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, vừa truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo - Đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.

Đưa giá trị di sản công nghiệp là một phần di sản đô thị

Di sản công nghiệp đang được nhiều quốc gia nhìn nhận như một phần của văn hóa, lịch sử xã hội. Từ ý tưởng biến di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo, Nhà máy xe lửa Gia Lâm được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo sau thành công từ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Cty Đường sắt Việt Nam nêu đề xuất cần duy trì những không gian sáng tạo nghệ thuật sau Lễ hội. Đây là một phần quan trọng trong phát huy di sản công nghiệp. Năm 2023, kỷ niệm 142 năm ngành Đường sắt Việt Nam và 118 năm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Từ hiệu ứng của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, ngành đường sắt sẵn sàng phối hợp để tạo sức sống cho những tác phẩm nghệ thuật ngày càng có chất lượng về sau.

Thực tế, ngành đường sắt Việt Nam nói chung, TP Hà Nội nói riêng đang sở hữu nhiều di sản công nghiệp có giá trị. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác và phát huy hiệu quả giá trị đích thực, khơi nguồn sáng tạo di sản công nghiệp đòi hỏi cần có quy hoạch cụ thể, đảm bảo đúng quy định pháp lý.

Nhận định tiềm năng chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, TS.KTS Đinh Thị Hải Yến cho biết, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sở hữu không gian lớn 20ha, có thể ngăn chia tự do cho những nhu cầu sử dụng linh hoạt. Đáp ứng nhu cầu đa dạng, biến đổi theo thời gian, có không gian cho những sự kiện đông người. Về mặt kiến trúc, khu vực Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có giá trị di sản (tính văn hóa), hình thức không gian, cấu trúc, chi tiết, vật liệu khác biệt với không gian dân dụng thông thường, giúp khơi gợi những ý tưởng mới mẻ, đánh thức tiềm năng sáng tạo.

TS Đinh Thị Hải Yến phân tích, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có kiến trúc đẹp, khung công trình, hạ tầng kỹ thuật, chi tiết công nghiệp sẵn có để tận dụng ngay trong sử dụng và trang trí mà không tốn nhiều chi phí. Nằm vị trí trung tâm đô thị, trung tâm khu dân cư, rất dễ kết nối với công chúng, dễ dàng đem những sản phẩm sáng tạo đến với cộng đồng.

Với vị trí gần sân bay, nhà ga, trung tâm của tuyến đường sắt nội đô ngoại thành, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm kỳ vọng có thể trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo mới. Việc tái thiết cơ sở công nghiệp cũ thành không gian sáng tạo là rất cần thiết, nơi thúc đẩy hoạt động kinh tế sáng tạo.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quan tâm đến việc phát huy, bảo tồn giá trị di sản công nghiệp, tái thiết công trình kiến trúc nhà máy, công xưởng cũ thành công viên văn hóa, giải trí, đóng góp cho nền công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, di sản công nghiệp vẫn chưa phát huy hết giá trị vốn có.

Theo quyết định số 3952/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP. Hà Nội (đợt 1), có 9 cơ sở nhà, đất phải di dời . Việc di dời 9 nhà máy cũ ra khỏi nội đô đã mở ra quỹ đất rất lớn cho TP. Đây là cơ hội để Hà Nội tái thiết công trình cũ thành không gian sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Sức hút mới của các di sản công nghiệp
Thiết kế sáng tạo của Hà Nội: Đánh thức những di sản công nghiệp
Dấu ấn khác biệt của “tuyến tàu di sản”
Những di sản công nghiệp Hà Nội đã từng "vang bóng một thời"
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động