Thứ năm 15/08/2024 03:24
Gìn giữ văn hoá người Hà Nội từ hoạt động hoà giải ở cơ sở

Kỳ 2: Những người âm thầm góp phần "giữ lửa" văn hoá người Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Có thể thấy, công tác hòa giải ở cơ sở gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố Hà Nội...
Kỳ 2: Những người âm thầm góp phần
Hoà giải viên Phan Thị Kim Tấn trao đổi với phóng viên về công tác hoà giải ở cơ sở. Ảnh: C.P

Uy tín của những người “vác tù và hàng tổng”

Nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Định Công (cũ), nay là Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải Tổ dân phố 23, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, bà Phan Thị Kim Tấn đã có hơn 20 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, là một cá nhân điển hình, tiêu biểu, tấm gương sáng trong thực hiện hòa giải ở cơ sở. Đã từng trải qua nhiều vị trí công tác, bà Tấn là người có uy tín trong cộng đồng, luôn gần gũi, gắn bó với Nhân dân.

Với vai trò là Tổ trưởng tổ hòa giải, bà Tấn luôn trăn trở làm sao để người dân dễ dàng tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Từ những trăn trở đó, bà đã chủ động thực hiện, lồng ghép các buổi sinh hoạt của chi bộ, đoàn thể, khu dân cư, tổ dân phố để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, Luật Hòa giải cơ sở…

Theo bà Tấn, để hòa giải thành công, hòa giải viên phải nỗ lực mỗi ngày rèn luyện kỹ năng “dân vận khéo”, sao cho cả lời nói và hành động phải có uy tín thì người dân mới tin, nghe. Khi xảy ra vụ việc, bà cùng tổ hòa giải không quản ngại thời gian, luôn kiên trì, gần gũi, tôn trọng và lắng nghe tâm tự nguyên vọng của người dân. Từ đó, sẽ lựa lời giải thích sao cho đủ lý, đủ tình; phân tích cặn kẽ những cái được, cái mất khi xảy ra mâu thuẫn…

Bà Tấn cùng tổ hòa giải đến gặp gỡ từng người, phân tích, khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “trên kính dưới nhường”, “tình làng nghĩa xóm”… động viên thuyết phục nhiều lần. Kết quả hai bên đã vui vẻ đồng thuận, nhà họ Đ đã trả lại đúng phần diện tích đất khu mộ tổ họ B, những mâu thuẫn đã được hóa giải hoàn toàn.

Sau hơn 20 năm gắn bó với công tác hòa giải cơ sở, bà Tấn cho rằng, hòa giải thành là nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình của các hòa giải viên, sự đoàn kết, đồng lòng đồng sức làm việc tận tâm vì giữ gìn tình làng nghĩa xóm đối với bà con Nhân dân. Phải có sự nêu gương của bản thân, làm đúng chức năng nhiệm vụ, phải công tâm, hài hòa với các bên liên quan, và phải có hiểu biết pháp luật. Vận dụng linh hoạt giữa lý và tình, phải làm sao để “dân vận khéo” và luôn được sự ủng hộ và tin tưởng của người dân.

Cùng suy nghĩ, ông Nguyễn Đình Cương, SN 1953, Trưởng thôn 1, tổ trưởng tổ hòa giải thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, tổ hòa giải thôn 1 luôn được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Hiện, tổ hòa giải thôn 1 có 8 thành viên bao gồm cả tổ trưởng.

Các hòa giải viên của tổ là những chi hội, trưởng các ban ngành, đoàn thể của thôn gồm: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh, hội nông dân, hội người cao tuổi… đều được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Nhờ vậy, tổ hòa giải thôn 1 đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc, mang lại bình yên cho thôn xóm, gắn kết tình cảm trong Nhân dân.

Chia sẻ về kinh nghiệm hòa giải, ông Cương cho biết, khi nắm được thông tin vụ việc mâu thuẫn trên địa bàn thôn, ông cùng thành viên tổ hòa giải đến nghe từng bên trình bày sự việc mâu thuẫn và mong muốn của từng bên. Sau khi tìm hiểu hai bên mâu thuẫn, ông sẽ thống nhất ngày, giờ, địa điểm tiến hành hòa giải. Sau đó, ông sẽ thông báo cho các hòa giải viên cùng có mặt. Khi đã đông đủ các thành phần tham dự buổi hòa giải, ông Cương sẽ giới thiệu các thành phần, đồng thời trình bày nội dung của việc mâu thuẫn giữa hai bên để mọi người nắm được, rồi cùng nhau phân tích, chia sẻ một cách hài hòa, công tâm nhất để hai bên hiểu ra vấn đề…

Có những vụ việc phức tạp thì ông Cương sẽ mời thêm 2 người cao tuổi trong thôn, có uy tín trong cộng đồng dân cư, để có tiếng nói. Cố gắng vận dụng những kiến thức pháp luật, sự nhẹ nhàng, khéo léo trong lời ăn tiếng nói để từ mâu thuẫn nhỏ thành không có, từ mâu thuẫn lớn lại thành nhỏ, để hai bên xích lại gần nhau, sự việc được hóa giải.

Gắn kết với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”

Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở của UBND thành phố Hà Nội cho thấy con số ấn tượng: trong 10 năm (từ năm 2014 đến tháng 6/2023), tổng số vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh phải hòa giải ở cơ sở toàn Thành phố là 63.699 vụ, đã giải quyết 61.316 vụ, hòa giải thành 51.829 vụ, đạt tỷ lệ 84,45%. Đặc biệt năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành toàn thành phố đạt trên 86%.

Kỳ 2: Những người âm thầm góp phần
Ra mắt Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: P.B

Nhiều quận, huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao như: Ba Đình, Long Biên, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Oai… Hiện nay, toàn Thành phố có 4.994 tổ hòa giải với tổng số 32.101 hòa giải viên. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả.

Thành phố có nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực. Hiện Thành phố có 3.001/4.994 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”.

Kết quả triển khai mô hình tổ hòa giải 5 tốt trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã từng bước được nhân rộng ở các địa bàn dân cư; thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải trên địa bàn.

Số tổ hòa giải 5 tốt tăng dần qua các năm. Năm 2017, toàn TP có: 1.698/5.395 tổ hòa giải 5 tốt (chiếm 31,4%); năm 2018: có 2.071/5.393 tổ hòa giải 5 tốt (38,4%); năm 2019: 2.591/5427 tổ hòa giải 5 tốt (chiếm 47,74%); năm 2020: 2.637/4975 tổ hòa giải 5 tốt (chiếm 53%); năm 2021: 2.822/4937 (chiếm 57%); năm 2022: 3.001/4994 (60,09%). Số vụ việc mâu thuẫn giảm: Giai đoạn từ năm 2014-2017: trung bình tiếp nhận: 8.745 vụ/năm; giai đoạn từ năm 2018 - tháng 6/2023: trung bình tiếp nhận: 5.221 vụ/năm, giảm 3.524 vụ/năm. Nhiều đơn vị tích cực duy trì mô hình hoạt động “Tổ hòa giải 5 tốt” như Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Mỹ Đức, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Sóc, Sơn. Tỷ lệ số tổ hòa giải 5 tốt trên 80%.

Có thể thấy, công tác hòa giải ở cơ sở gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đội ngũ luật gia, luật sư ngày càng tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Nhân dân ngày càng tự nguyện giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng hòa giải, tăng cường đoàn kết nội bộ Nhân dân, sử dụng hiệu quả hương ước, quy ước trong công tác hòa giải.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Những câu chuyện hàn gắn tình cảm xúc động… Kỳ 1: Những câu chuyện hàn gắn tình cảm xúc động…
Nhật Nam - Nguyễn Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động