Kỳ 2: bản lĩnh trước tình huống ''ngàn cân treo sợi tóc''
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐội cứu hộ đường thủy PVC (Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam) đưa cụ ông Lê Tuấn Tú (Yên Bái) ra khỏi căn nhà mênh mông nước. |
Chậm 30 phút là không thể cứu người
Chị Bình kể lại, khoảng 4h sáng ngày 9/9, lũ đổ vào Tuy Lộc, nhà bố đẻ chị nằm trong vùng bị nước ngập nặng nhất, vượt qua đỉnh điểm mà nhiều người dân dự đoán trước đó. Vì nước lên nhanh nên việc tiếp cận với các gia đình chưa di tản, nằm trong vùng nước ngập sâu là vô cùng khó khăn, có những nhà không có phương tiện nào có thể tiếp cận được. Trong khi đó, bố chị Bình là cụ Lê Tuấn Tú, hơn 80 tuổi, bị huyết áp cao, nhịn đói từ sáng vẫn đang một mình chống chọi với lũ ở nhà.
“Tôi và các thành viên trong gia đình lòng rối như tơ vò, chỉ lo bố gặp trường hợp xấu nhất. Điện mất, sóng điện thoại mất, không thể liên lạc được với cụ. Có những lúc dường như tuyệt vọng vì không có phương tiện nào có thể di chuyển vào khu vực nhà tôi. Đến 19h ngày 9/9, Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam - Đội cứu hộ đường thủy PVC cùng lực lượng chức năng đến. Lúc ấy, chúng tôi mới còn tia hy vọng bố được cứu. Trước khi đi, tôi cũng phân vân vì lúc đó trời tối, mưa rất to, có nguy cơ sạt lở đất vô cùng nguy hiểm. Tôi lo lắng vì lỡ đâu có điều gì bất trắc sẽ nguy hiểm cho các thành viên của đoàn. Nhưng các anh nói với giọng dứt khoát: “Vào được”. Thực sự lúc đó, tôi rất xúc động, chỉ biết khóc trước lòng tốt và sự quyết tâm của các anh”, chị Bình kể.
Khi vào đến nhà, các thành viên nhanh chóng tản ra tìm kiếm cụ Tú và đưa cụ lên xuồng, di chuyển ra nơi an toàn. Anh Vũ Minh Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam - PVC Club, thành viên chuyến cứu hộ cụ ông cho biết: “ Trong quá trình đi, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì nước chảy xiết, trời thì tối, có những lúc nhầm đường. Khi vào đến nơi, gọi mãi không thấy cụ, cô con gái rất lo lắng nhưng rất may sau đó đã tìm được cụ trong tình trạng cơ thể yếu, người lạnh ngắt, da nhợt nhạt vì ngâm trong nước quá lâu. Sau đó, chúng tôi đưa cụ cùng con chó và vài vật dụng quan trọng lên xuồng, ra khỏi vùng nguy hiểm”.
Chị Lê Thị Mỹ Bình chia sẻ thêm: “Có ngồi trên xuồng mới cảm nhận được những nguy hiểm mà đội cứu hộ phải vượt qua để cứu giúp mọi người. Khu vực nhà tôi thuộc địa hình khó tiếp cận nhất mà các anh vẫn vào được có thể nói là kỳ tích. Nếu không có chuyên môn, bản lĩnh thì rất khó có thể tiếp cận để cứu người ra. Ngoài bố tôi, trên chiếc xuồng đó, các anh còn đưa thêm vài người dân nữa rời đi. Những chiếc xuồng khác của đội cứu hộ cũng cứu được rất nhiều người, có thuyền chở được cả hơn chục người, trong đó có nhiều cụ già.
Chúng tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn các anh từ trong sâu thẳm tấm lòng. Chỉ cần 30 phút nữa, có lẽ bố tôi đã không thể cứu được vì nước lên quá nhanh. Với gia đình chúng tôi, các anh chính là ân nhân, là những anh hùng không ngại khó khăn, nguy hiểm vì đồng bào”.
Một cụ bà ở Yên Bái được đội cứu hộ đưa ra khỏi vùng nguy hiểm. |
Chuyến cứu hộ bà con các tỉnh phía Bắc có lẽ là hành trình không thể nào quên trong cuộc đời các thành viên đội cứu hộ PVC. Một trong những gia đình mà anh Vũ Minh Hùng và các thành viên đội cứu hộ ấn tượng nhất trong chuyến cứu hộ Yên Bái là gia đình gồm cụ bà gần 80 tuổi, một người con 53 tuổi bị tai biến và một người bị bệnh về phát triển trí não, hoàn cảnh rất khó khăn. “Nghĩ đến gia đình này mà cắt ruột cắt gan. Rất may là đoàn đã đến kịp và giúp đỡ họ”, anh Hùng kể.
Hay một trường hợp khác, cậu thanh niên không nhờ được phương tiện nào vào đưa bố mẹ mình ra vì địa hình rất nguy hiểm thì đội của anh Hùng đã nhận nhiệm vụ khó khăn này. “Tôi nhớ có một cậu thanh niên đến xin chúng tôi: “Các anh cứu bố mẹ em với!”. Đường vào nhà cậu này rất khó khăn. Vị trí lại rất nguy hiểm, một mặt là sông, nước chảy rất mạnh. Nếu không đi cẩn thận, rất có thể chúng tôi sẽ bị đẩy ra sông. Nhưng khi đó, chúng tôi nghĩ cậu ấy còn rất trẻ. Nếu bố mẹ cậu ấy có chuyện gì, cậu ấy sẽ rất đáng thương. Thế là chúng tôi quyết tâm lái xuồng vào đó. Nhà cậu ấy ngoài cánh đồng, nước ngập gần hết''. Để phòng bất trắc, chúng tôi phải huy động tất cả vật dụng mang theo để đảm bảo tính mạng cho bản thân và người dân. Ngoài bố mẹ cậu thanh niên, chúng tôi cũng đưa được nhiều người dân ở dãy nhà đó ra ngoài”, anh Hùng nhớ lại.
Đội cứu hộ đưa cụ già bị bệnh nặng (Thường Tín) ra khỏi vùng nước ngập sâu. |
Hạnh phúc của bà con là hạnh phúc của chính mình
Anh Trần Trọng Dũng (Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội), một thành viên của Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam chia sẻ, bản thân định ở nhà vài ngày để chống lụt vì thời điểm đó, phường Phúc Tân nhiều nơi nước ngập khá sâu, cộng với việc con nhỏ đang bị ốm. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin Tuyên Quang bị ngập nặng, thiếu phương tiện di chuyển cứu hộ bà con, anh đã xung phong chở thuyền lên và ở đó giúp đỡ người dân đến chiều hôm sau mới về.
“Chiều 10/9, chúng tôi chở 2 chiếc xuồng hơi lên Tuyên Quang. Tuy dọc đường đi có mệt và đói nhưng không muốn dừng lại vì tình cảnh đang rất cấp bách. 19h, chúng tôi có mặt tại địa phương, được các đồng chí Công an dẫn đường vào nhà dân, cứ thế lao vào công việc. Làm xuyên đêm đến 5h sáng hôm sau, tôi nghỉ một lúc rồi lại tiếp tục giúp đỡ bà con. Đến chiều 11/9, khi không còn ai nguy hiểm chúng tôi mới trở về Hà Nội”, anh Dũng cho biết.
Đội cứu hộ giúp đưa người dân Đông Anh đến nơi an toàn. |
Không chỉ hỗ trợ bà con các tỉnh phía Bắc, Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam còn có nhiều đội nhóm ở lại Hà Nội sẵn sàng trực chiến. Nhận nhiệm vụ hỗ trợ người dân những vùng ngập lụt tại Thường Tín, Đông Anh, anh Phùng Đức Hiệu chia sẻ: “Dưới sự chỉ đạo của Thành đoàn Hà Nội, chúng tôi được câu lạc bộ phân công nhiệm vụ hỗ trợ bà con Hà Nội tại Thường Tín, Đông Anh. Ngày 11/9, 20 xe bán tải của anh em chúng tôi có mặt sẵn tại UBND xã Tự Nhiên để hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi đã đến từng hộ dân ngoài đê bị ngập sâu, đưa các em học sinh ở hai xã Tự Nhiên và Chương Dương di chuyển vào trường THCS Nguyễn Trãi A ở tạm; đưa các cụ già, người ốm đau bệnh tật… đến nơi an toàn. Đêm 12/9, đội chúng tôi gần 20 người tiếp tục nhận nhiệm vụ ở Đông Anh, mang 5 xuồng hơi đến hỗ trợ người dân trong tình cảnh nước đã lên đến nóc nhà. Người dân rất phấn khởi khi cảm nhận được sự quan tâm của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể. Chúng tôi cũng cảm thấy rất vui vì được góp một phần nhỏ bé của mình giúp đỡ mọi người”.
Anh Trần Trung Dũng (đứng cuối) và các thành viên đội cứu hộ đưa lực lượng chức năng đến các khu vực bị cô lập để hỗ trợ người dân. |
Đặc biệt, trong điều kiện đường xá ngập lụt ở Thường Tín, anh Phùng Đức Hiệu cùng các thành viên câu lạc bộ đã nhanh chóng giúp đỡ được 4 trường hợp khẩn cấp, gồm 1 bệnh nhân suy thận cần lọc máu vào Bệnh viện Thanh Nhàn, 1 người bị khó thở cần cấp cứu, 1 cháu bé vào viện, 1 cụ già sống thực vật di chuyển từ vùng nước ngập sâu xã Tự Nhiên ra nhà con cái ở Ninh Sở.
Từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam luôn có mong muốn giúp đỡ đồng bào khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc. Vì thế mà họ luôn đầy ắp sự nhiệt huyết, máu lửa và bản lĩnh, sẵn sàng lao vào những nơi nguy hiểm bởi thiên tai, dịch bệnh. Với họ, niềm vui và hạnh phúc của bà con là niềm vui, hạnh phúc của chính mình.
(Còn nữa…)
Kỳ 1: Đường đi khó, có chúng tôi |
Xúc động những món quà ấm áp của các em học sinh Hà Nội hướng về đồng bào vùng bão lũ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại