Kỳ 1: Thành công ban đầu khi được vay vốn với lãi suất 0% từ chính sách cho người hoàn lương
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrao đổi với PV, Thượng tá Dương Văn Hiệp, Trưởng CATP Phủ Lý cho biết: “Chung tay, góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” là mô hình mới được xây dựng trên nền tảng thành phố thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17-4-2020 của Chính phủ về việc thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng động trong công an nhân dân và công văn số 88/CATP ngày 3-3-2020 về nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng triển khai đến công an các xã, phường trên địa bàn thành phố.
Chung tay, góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó
“Qua mô hình “Chung tay, góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương”, chúng tôi đã tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn hiểu rõ nội dung công tác tái hòa nhập cộng đồng, từng bước xóa bỏ định kiến, kỳ thị đối với người có quá khứ phạm tội. Thông qua mô hình, chúng tôi đã giáo dục, vận động các đối tượng có án phạt tù về địa phương xóa bỏ tư tưởng tự ti mặc cảm tội lỗi đã gây ra để an tâm học tập, lao động sản xuất dần ổn định cuộc sống tái hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Quan trọng nhất từ mô hình này đã nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, có sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể cũng như lôi kéo được các doanh nghiệp tham gia vào việc giúp đỡ, tạo việc làm cũng như hỗ trợ vốn sản xuất cho người từng lầm lỗi. Cái được lớn nhất của chúng tôi chính là không để ai đứng ngoài cuộc”, Thượng tá Dương Văn Hiệp cho biết.
Đại úy Nguyễn Ngọc Thắng, CA phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, Hà Nam tâm sự, chia sẻ giúp anh Long tháo bỏ được sự mặc cảm trong lòng, mạnh dạn nghĩ tới chuyện làm kinh tế |
Kết quả của mô hình sau nhiều tháng triển khai đã có những kết quả đáng mừng. Thành công ban đầu của mô hình phải kể đến anh Đinh Văn Long, SN 1985 ở phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, người từng đi tù về tội Cố ý gây thương tích. Trước kia, anh Đinh Văn Long từng làm nghề nội thất ở Gia Lai. 4 anh em chung vốn mở xưởng, làm nội thất và đang có mức thu nhập khá. Tuy nhiên, đùng một cái, năm 2008, do mâu thuẫn cá nhân, anh Long đã gây án và bị tuyên phạt 14 năm 6 tháng tù giam. Những năm tháng đầu trong trại giam Khánh Hòa, anh Long cứ nghĩ cuộc đời mình đã đặt dấu chấm hết, bởi những năm tháng trong tù còn quá dài. Thế nhưng, với khát khao làm lại cuộc đời, anh Long đã thầm nghĩ, chỉ có con đường lao động thật tốt mới có cơ hội sớm trở lại cộng đồng. Và những ngày trong trại giam, anh Long miệt mài, chăm chỉ lao động và đã được 6 lần giảm án, năm 2018 hết án trở về địa phương. “Ban đầu tôi cũng băn khoăn, có nên tiếp tục vào Gia Lai sinh sống, học nghề và định cư hay trở về quê hương. Nhưng sau đó, được sự động viên, bao bọc và tình cảm của gia đình đã khuyên tôi nên trở về quê, cách biệt với môi trường năm xưa để làm lại cuộc đời và tôi đã nghe theo...”, anh Đinh Văn Long chia sẻ.
“Thời điểm đầu tiên về quê hương, nhìn thời cuộc, tôi cũng khá hoang mang, không biết làm gì để sinh sống. Và bản thân cũng chưa thể bắt nhịp ngay với cuộc sống bên ngoài nhưng nhờ sự giúp đỡ của Đại úy Nguyễn Ngọc Thắng, CA phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, Hà Nam mà tôi đã tháo bỏ được sự mặc cảm trong lòng, mạnh dạn nghĩ tới chuyện làm kinh tế...”, anh Đinh Văn Long tâm sự.
Cũng nhờ sự vận động và thuyết phục của Đại úy Thắng mà anh Long được bà con chòm xóm, họ hàng cho vay vốn sản xuất. Không những vậy, thực hiện mô hình “Chung tay, góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương”, anh Long đã được một doanh nghiệp đóng trên địa bàn cho vay vốn để sản xuất kinh doanh. Số tiền 50 triệu đồng không phải là lớn nhưng việc được cho vay với lãi suất 0% trong thời hạn 5 năm chứng tỏ người dân vẫn dành niềm tin và hy vọng những con người từng có quá khứ lầm lỗi tiến bộ và trở thành những công dân tốt.
Hiệu quả từ thực tiễn
“Tôi đã rất xúc động khi nhận được lời đề nghị hỗ trợ vốn vay làm ăn không lãi suất trong thời hạn 5 năm. Và bất ngờ hơn là số tiền ấy được anh giám đốc trao ngay trong buổi gặp mặt ấy, trước sự chứng kiến của bao người. Sự tin tưởng của mọi người là động lực để tôi phấn đấu”, anh Đinh Văn Long cho biết. Long là một trong số những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho người từng có quá khứ lầm lỗi nhưng có quyết tâm vượt khó vươn lên được mời tới dự hội nghị. Nhớ lại cảm giác hôm đó, anh Long cho rằng mình là người may mắn vì nhận được sự tin tưởng, giúp đỡ của mọi người. Hiện cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Long không chỉ cho thu nhập tốt mà còn tạo việc làm cho 5 lao động khác có thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Khi chúng tôi xuống xưởng gỗ của anh Long, Đại úy Nguyễn Ngọc Thắng cũng có mặt ở đây, đang ngắm nghía tác phẩm do anh Long làm ra, nói cười vui vẻ như đôi bạn thân. Tuyệt nhiên không một cử chỉ, lời nói nào cho thấy có khoảng cách giữa một người là chiến sỹ công an với anh thợ mộc từng có quá khứ lầm lỗi. Chỉ vào họ, bố anh Long cười bảo từ lâu đã coi anh Thắng như người nhà bởi chính người cán bộ này đã nhen nhóm cho ông và người thân lòng tin và sự hy vọng vào đứa con lầm lỗi. Giờ đây ông không chỉ vui vì thấy con trai trưởng thành mà còn hy vọng Long sớm lập gia đình để niềm vui của ông được trọn vẹn...
Anh Đinh Văn Long được vay vốn ổn định sản xuất và còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác có thu nhập ổn định... |
Theo Trung tá Trần Hữu Chương, Đội trưởng Đội THAHS và HTTP CATP Phủ Lý thì thời gian qua, thực hiện nghị định 49/2020/NĐ-CP ngày 17-4-2020 và Chỉ thị số 05/CT-BCA ngày 1-4-2019 của Bộ Trưởng Bộ công an về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng địa bàn dân cư, CATP Phủ Lý đã vận động nhân dân xóa bỏ thái độ định kiến, kỳ thị với người có quá khứ phạm tội và tháo gỡ tư tưởng tự ti mặc cảm của người lầm lỗi khi về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, lôi kéo được các doanh nghiệp tham gia vào việc tiếp nhận vào làm việc hoặc hỗ trợ người có án phạt tù có vốn để đầu tư sản xuất... Những việc làm cụ thể đó, được CATP Phủ Lý (Hà Nam) làm thông qua việc xây dựng mới và duy trì hai mô hình: “Quản lý giáo dục đối tượng tại cộng đồng dân cư góp phần phòng chống tội phạm” và “Chung tay, góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương”. Trong đó mô hình chung tay giúp đỡ người lầm lỗi vượt khó, hoàn lương vừa được triển khai thực hiện tại phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý (Hà Nam) đã thu được những kết quả bước đầu đáng mừng...
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại