Kỳ 1: Lấy nhầm vào đất vẫn được coi là có căn cứ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBỗng dưng mất đất
Có trong mơ, vợ chồng ông Trần Văn Dũng, thôn Lý Nhân, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng không nghĩ sẽ có một ngày bị vợ chồng người hàng xóm liền kề là Phan Văn Sinh khởi kiện ra tòa về tranh chấp quyền sử dụng đất. Ông Sinh cho rằng, năm 1994 có mua của UBND xã Phú Xuân 159m2 đất ngay sau nhà ông Dũng.
Ông Trần Văn Dũng cho biết, phần đất ông Sinh nhận là của mình vốn là phần đất sau nhà, thuộc kho lương thực cũ, được bố ông lấn chiếm từ những năm 1980, sau đó cho vợ chồng ông sử dụng. Cuộc sống hàng chục năm qua vẫn diễn ra bình thường, không có tranh chấp.
Không chỉ gia đình ông, hàng nghìn m2 đất kho cũng được các hộ gia đình khác sử dụng, xây nhà, công trình phụ và làm vườn và chưa hề bị UBND xã lập biên bản phạt hành chính. Nếu căn cứ Luật Đất đai, gia đình ông và các hộ dân khác hoàn toàn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Ông Trần Văn Dũng không ngờ mảnh đất mình sử dụng hàng chục năm bỗng một ngày lại thành đất của hàng xóm. Ảnh: G.B. |
Căn cứ vào đơn khởi kiện của ông Sinh, ngày 30-8-2019, TAND huyện Bình Xuyên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa là bà Trần Thị Thủy. Đại diện VKSND huyện Bình Xuyên có bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- KSV. HĐXX đi đến quyết định buộc vợ chồng ông Dũng phải trả cho vợ chồng ông Sinh 82m2 đất.
Không đồng tình, ông Dũng làm đơn kháng cáo. Ngày 12-1-2021, TAND tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên tòa phúc thẩm. Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa là ông Trần Văn Thái. Đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc có ông Phùng Ngọc Tuấn-KSV. Tại đây, HĐXX quyết định buộc vợ chồng ông Dũng phải trả vợ chồng ông Sinh 76,8m2 đất.
Tài liệu không rõ vị trí đất
Vậy cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã xác minh bằng cách nào để ra được diện tích lúc thì 82m2 đất, lúc thì 76,8m2 đất để buộc ông vợ chồng ông Dũng phải trả đất cho vợ chồng ông Sinh?
Các quyết định dựa vào 3 tài liệu chính gồm: “Phiếu thu số 03, ngày 4-8-1994 và Biên lai thu tiền mặt số 13, ngày 24-8-1994. Tiếp theo là Biên bản xác định diện tích đất thổ cư nhân dân, ngày 3-8-1994. Thành phần trong biên bản này gồm: Bà Nguyễn Thị Lê, Phó chủ tịch UBND xã Phú Xuân; ông Phan Văn Quế, địa chính; ông Phạm Văn Đông, Trưởng khu 2 và chủ hộ là Phan Văn Sinh.
Biên bản được lập ra nhưng các thành viên trên không ký. Cuối biên bản, chỉ có một phó chủ tịch khác ký và đóng dấu nhưng người này không có mặt tại hiện trường. Đại diện chủ nhà ghi tên ông Phan Văn Sinh nhưng thực tế ông Sinh không có mặt vì đi làm ăn xa nên vợ ông là bà Tâm đứng ra ký thay.
Cả ba tài liệu này cho thấy không xác định được số ô, thửa cụ thể về vị trí đất cũng như thông tin cụ thể về việc mua, bán đất. Chẳng có dòng nào nói rằng đất ông Sinh mua đang nằm ở vườn nhà ông Dũng. Với những giấy tờ hết sức mông lung nhưng hai cấp tòa vẫn dùng đó làm bằng chứng và không phân tích rõ nội dung từng tài liệu. Mặt khác, tòa công nhận cam kết của bà Nguyễn Thị Lê, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Văn Quang, cán bộ địa chính.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2004, sau khi vào cuộc thanh tra một loạt vi phạm đất đai của lãnh đạo xã Phú Xuân thời điểm năm 1994, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên đã ban hành Quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Nguyễn Văn Quang vì các vi phạm liên quan đến đất đai, trong đó có việc bán đất khu kho lương thực (cũ) không đúng sự thật, trái quy định của Nhà nước. Chi tiết quan trọng này lại không được hai cấp tòa xem xét tới.
Không có số ô, số thửa, mốc giới, vị trí đất… chứng minh việc giữa gia đình ông Sinh và UBND xã Phú Xuân mua, bán đất nhưng TAND huyện Bình Xuyên vẫn mời một công ty đo đạc về đo vẽ, đồng thời đưa ra nhận định, phần đất của ông Dũng đang sử dụng là 286m2, thừa so với GCNQSDĐ là 82m2. Như vậy, phần thừa này là của ông Sinh. Quan điểm này cũng được đại diện VKSND đồng cấp chấp thuận. Rõ ràng TAND huyện Bình Xuyên đang lấy một số đo diện tích đất mới tinh để áp vào chuyện mua, bán đất đầy mơ hồ trong quá khứ.
Sang đến phiên tòa phúc thẩm, ông Dũng đề nghị đo đạc lại diện tích đất gia đình mình. Sau khi TAND tỉnh Vĩnh Phúc cho người về đo đạc mới lộ ra sự thật rằng TAND huyện Bình Xuyên đo chẳng đúng chút nào, đất thừa nhà ông Dũng chỉ có 76,8m2 thôi.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc tòa cấp sơ thẩm đã đo lẹm cả vào phần đất của bố ông Dũng là cụ Mai tới 5,2m2. Xử đất của con rồi lấy luôn đất của bố. Mặc dù TAND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng phải sửa một phần bản án sơ thẩm liên quan đến diện tích đất không đúng kia nhưng vẫn khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm xử: “có căn cứ”? Cũng như Tòa án cấp sơ thẩm, HĐXX Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, phần đất thừa 76,8m2 được gia đình ông Dũng sử dụng hàng chục năm nay thuộc về vợ chồng ông Sinh.
Theo bản đồ đang lưu giữ tại UBND xã Phú Xuân, đất kho lương thực cũ hiện lên tới 8.650m2. Nếu theo cách xử của hai cấp tòa, vợ chồng ông Sinh có thể đòi đất ở bất cứ đâu, miễn là thuộc về đất của kho cũ. Nếu cho rằng đất của hàng xóm liền kề cứ thừa là của nhà ông Sinh thì không chỉ trường hợp nhà ông Dũng, phía ông Sinh và vợ có quyền yêu cầu tòa lấy bất cứ đất của hàng xóm liền kề nào, chỉ cần phần đất đó của họ không nằm trong “sổ đỏ”.
Câu hỏi đặt ra ở đây, ông Sinh đang đòi tới 159m2 đất, vì sao hai cấp tòa chỉ xác định được đất của ông Sinh là 82m2 rồi 76,8m2? Phần diện tích đất còn lại đi đâu rồi? Vì sao gia đình ông Sinh cho rằng mình mua đất, có cả xác nhận của chính quyền xã mà vẫn không rõ phần đất của mình ở đâu, để rồi 82m2 cũng ừ, 76,8m2 "cũng gật"?
Một thửa đất chỉ ghi chung chung, không rõ tờ bản đồ, không rõ số ô, thửa, vị trí thì làm sao có thể đo vẽ chính xác được.
Theo lời ông Dũng, TAND huyện Bình Xuyên xử xong nhưng không cung cấp bản án cho ông. Ngày 16-4-2021, nghĩa là sau phiên xét xử sơ thẩm gần 2 năm, ông Dũng có mặt tại TAND huyện Bình Xuyên yêu cầu cung cấp bản án theo quy định.
Tại đây, Chánh văn phòng có tên Nguyễn Tấn Tám không đồng ý đưa bản chính mà chỉ cung cấp cho ông bản sao Bản án số: 14/2019/DS-ST, ngày 30-8-2019.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại