Thứ sáu 22/11/2024 07:43
Ngành nghệ thuật truyền thống “điêu đứng” trước nỗi lo “kép”:

Kỳ 1: Khi lãnh đạo Nhà hát ngồi trên “ghế nóng”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Giữa đại dịch Covid-19, sân khấu truyền thống “đóng cửa” thời gian dài khiến lãnh đạo các đơn vị như ngồi trên ghế “nóng”, đặc biệt là bài toán giữ người để nghệ sĩ không bỏ nghề hay nỗi lo đối diện với tự chủ tài chính khi “cơm áo không đùa với khách thơ”.

“Cú đấm bồi” vì đại dịch Covid-19

Trong cuộc trò chuyện, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tống Toàn Thắng chua xót thốt lên: “Làn sóng của đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam như một “cú đấm bồi” cho sân khấu truyền thống “đóng băng” hoàn toàn”.

Theo NSND Tống Toàn Thắng, vào ngày 27-3-2021 khi tình hình Covid-19 được kiểm soát, Liên đoàn Xiếc tổ chức khai xuân. Tuy nhiên, sân khấu tròn mở đèn sáng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 tháng, cửa rạp phải đóng cửa do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội. Các chương trình biểu diễn hợp đồng tạm hoãn, hủy dù đã lên kế hoạch biểu diễn kỹ lưỡng.

“Năm 2021, chúng tôi đầu tư làm chương trình “Gala Xiếc 3 miền” ở Hà Nội, 5 đêm ở Quảng Ninh. Suất diễn dịp 30-4 bán vé hết rồi đều phải trả tiền lại cho khán giả. Tiền chi phí mời diễn viên 3 miền từ vé máy bay, chi phí ăn, ở, chưa biết lấy nguồn thu ở đâu để bù vào. Không chỉ gánh nợ vì đầu tư vào chương trình, Liên đoàn Xiếc còn phải xoay xở để trả lương cho khoảng 60 diễn viên trẻ thuộc diện hợp đồng. Liên đoàn rất muốn giữ chân các em và mong được ký hợp đồng dài hạn, đưa vào biên chế, đóng bảo hiểm cho họ, nhưng kiểm toán lại không đồng ý và chỉ cho ký hợp đồng thời vụ. Không biểu diễn, không có doanh thu, trong khi hợp đồng trẻ lại chiếm đông đảo, Liên đoàn càng khó khăn trong việc trả lương cho lực lượng này”, NSND Tống Toàn Thắng giãi bày.

Không chỉ riêng đơn vị Liên đoàn Xiếc Việt Nam, 11 đơn vị Nhà hát trực thuộc Bộ VH,TT&DL cũng “điêu đứng” trước nghịch cảnh sân khấu phải “đóng cửa” theo quy định phòng, chống dịch bệnh.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, với tinh thần chủ động, năng động xây dựng các chương trình mới. Tuy nhiên, mỗi lần xây dựng xong vở diễn thì đợt dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại khiến vở diễn phải tạm hoãn trình diễn.

Nhà hát Tuồng đang luyện tập chương trình “Nghệ thuật với khán giả trẻ” theo chủ trương của Bộ VH, TT&DL nhằm tiếp cận khán giả trẻ, giới thiệu đặc trưng, giá trị độc đáo của nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ. Khi đang chạy chương trình tập luyện thì buộc phải tạm dừng vì Hà Nội thực hiện “giãn cách xã hội”. Có thể, xây dựng chương trình xong nhưng không thể trình diễn vì đối tượng khán giả trẻ là sinh viên, học sinh cũng nghỉ học.

Đợt tháng 4-2021, đơn vị Nhà hát Tuồng Việt Nam là đơn vị duy nhất trong 12 đơn vị truyền thống báo cáo tổng duyệt vở diễn đặt hàng năm 2021. Đó là vở “Làm vua”. Vở diễn tạo ra thu nhập cho anh em nghệ sĩ, báo cáo đầu việc đặt hàng chuyên môn của đơn vị.

Hiện Nhà hát cũng tập huấn, nâng cao tay nghề cho diễn viên, nhạc công để chủ động trong công việc chuyên môn của mình. Vì phải thực hiện quy định “giãn cách xã hội” tại Hà Nội khiến cho ban lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng “bối rối” trong việc xoay sở tình thế hoạt động.

Kỳ 1: Khi lãnh đạo Nhà hát ngồi trên “ghế nóng”

Nghệ thuật Tuồng sẽ được đưa lên sân khấu truyền hình. (Ảnh Nhà hát Tuồng Việt Nam)

Nỗ lực giữ chân nghệ sĩ trẻ

Ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ: “Đối với ngành nghệ thuật biểu diễn, không thể tập trung đông người, trong khi Tuồng là môn nghệ thuật đặc thù kén khán giả, hoạt động trong điều kiện khó khăn, vừa phải lo kinh phí trả lương, giữ chân nghệ sĩ trẻ không bỏ nghề tạo sức ép lớn cho lãnh đạo đơn vị. Hiện, lực lượng trẻ hưởng hệ số lương viên chức bậc IV khoảng 60 người. Việc đóng cửa Nhà hát trong thời gian dài khiến nhiều nghệ sĩ họ cũng trăn trở với nghề, Không thể kéo dài mãi lòng yêu nghề nếu không thể duy trì được cuộc sống sinh hoạt”.

Nghệ sĩ trẻ Tuấn Hiệp, công tác tại Đoàn Thể nghiệm (Nhà hát Tuồng Việt Nam) chia sẻ: “Do dịch Covid-19, các hoạt động Nhà hát đóng cửa, với tiền lương 1,86 triệu đồng cộng tiền trợ cấp nghề thì mỗi tháng em được 3,1 triệu đồng và không có bất cứ một khoản thù lao nào khác. Dù được Nhà hát Tuồng Việt Nam hỗ trợ điều kiện ăn, ở tại khu tập thể của Nhà hát nhưng khi sân khấu đóng cửa, Hiệp phải lựa chọn công việc làm tín dụng cho ngân hàng với mức lương hạn hẹp”.

NSND Tống Toàn Thắng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng bày tỏ: “Kể từ đợt dịch đầu tiên bùng phát năm 2020, rất nhiều nghệ sĩ đã phải chọn lựa công việc tay trái như bán hàng online, trồng rau sạch đem lên TP bán, có nghệ sĩ về quê làm thợ mộc. Ai cũng muốn tiếp tục gắn bó với nghề nhưng vì lương bậc IV quá thấp, không đủ chi tiêu trong tháng. Có nghệ sĩ đã bỏ nghề do không chịu được cuộc sống khó khăn”.

Trước những khó khăn trên, thời gian qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam duy trì đầu tư, tinh luyện các vở diễn cổ, trích đoạn đặc sắc để biểu diễn, giới thiệu và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Thậm chí, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay từ giữa năm 2020, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tổ chức ghi hình nhiều vở tuồng cổ do nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn, đăng tải trên mạng xã hội Youtube để giới thiệu và quảng bá.

Trong đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam kết hợp với Nhà hát Cải lương dàn dựng vở diễn “Thượng thiên Thánh Mẫu” trong dự án “Huyền sử Việt”, dự kiến ra mắt vào tháng 9-2021.

Sắp tới, các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ diễn vở tuồng“Trung thần” trong chuyên đề Nhà hát Truyền hình trên sóng truyền hình VTV1. Đó không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu “đóng cửa” mà còn tạo cơ hội, động lực làm nghề cho nghệ sĩ trẻ.

Với hướng phát sóng chương trình nghệ thuật trên truyền hình, vừa phát triển sân khấu truyền thống, vừa kích cầu nhu cầu thưởng thức của khán giả là cách “lấy ngắn nuôi dài” để sân khấu truyền thống tồn tại và phát triển.

(còn nữa)

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động