Kỳ 1: Bước chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNông nghiệp - nông thôn - nông dân luôn được Hà Nội xem là lĩnh vực then chốt, trụ đỡ của nền kinh tế. (ảnh: Văn Biên) |
Những kết quả đáng khích lệ
Luật Thủ đô là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với sự phát triển của Hà Nội, được thông qua ngày 21-11-2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, với các cơ chế đặc thù đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển Thủ đô.
Hơn 8 năm qua, kể từ khi có hiệu lực, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô.
Khi quy hoạch Thủ đô, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã xác định xây dựng Hà Nội hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong tương lai. Điều đó cho thấy, trong chiến lược phát triển Thủ đô, lĩnh vực nông nghiệp cũng rất được quan tâm phát triển. Nhờ đó, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,35%. Trong đó, trồng trọt tăng 2,4%, chăn nuôi tăng 4%, thủy sản tăng 6,06%.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, TP đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giá trị tăng từ 3 - 8 lần so với trồng lúa. Cụ thể, TP đã xây dựng 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20 ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; phát triển 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh 20 ha/vùng cho giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Về lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn TP đã xây dựng được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; có hơn 2.800 trang trại, gia trại chăn nuôi.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), toàn TP có 164 mô hình, trong đó, có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản.
Giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC ước đạt khoảng 32% giá trị nông nghiệp toàn TP. Hạ tầng kinh tế kỹ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư, nông thôn từng bước được đổi mới; hệ thống giao thông nông thôn liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa gần 100%, đường liên thôn được bê tông hóa trên 95%; có 91% đường ngõ xóm và 50% đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa và 100% các hộ dân được sử dụng điện thường xuyên từ các nguồn điện lưới.
Vai trò định hướng của TP là hết sức rõ nét
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, là giai đoạn rất nhiều khó khăn đối với ngành NN&PTNT Hà Nội. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo sát sao của TP, sự chủ động, tích cực của các sở ngành, địa phương và các thành phần kinh tế, nông nghiệp - nông thôn - nông dân vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, ngành nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng bình quân 2,6%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hoá, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho hàng triệu nông dân. Thu nhập bình quân đầu người dân đến đầu năm 2021 đã đạt 55 triệu đồng/năm, cao hơn 6 triệu đồng/năm so với mục tiêu đề ra.
Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Hầu hết các hộ dân đã có điện thoại; 100% số xã có internet. Không còn người dân phải sinh sống trong nhà ở dột nát. Toàn TP cũng đã có 13 huyện và 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra, và trở thành địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới lớn nhất cả nước.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhấn mạnh, để đạt được kết quả đáng khích lên trên, bên cạnh nỗ lực của toàn ngành, sự tham gia tích cực, chủ động, trách nhiệm của các đơn vị liên quan và đông đảo thành phần kinh tế - xã hội, thành quả của “tam nông” có được một phần quan trọng đến từ sự quan tâm của TP. Nông nghiệp - nông thôn - nông dân luôn được Hà Nội xem là lĩnh vực then chốt, trụ đỡ của nền kinh tế.
Vai trò định hướng phát triển của TP là hết sức rõ nét, đặc biệt là trong giai đoạn nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tính riêng từ năm 2016 đến 2020, dù ngân sách đầu tư công còn nhiều khó khăn, nhưng TP vẫn ưu tiên huy động tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn là 80.595 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn là 62.459 tỷ đồng.
“Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng từ 2,5 - 3% trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2025, 100% số huyện của Hà Nội về đích nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp TP. Hà Nội cũng phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo vào năm 2025”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại