Thứ sáu 19/04/2024 01:32

Kinh tế- xã hội Thủ đô đạt kết quả toàn diện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Kinh tế-xã hội của Hà Nội năm 2019 đạt được kết quả toàn diện: Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GRDP) tăng 7,46% - cao nhất trong 4 năm trở lại đây, đạt kế hoạch đề ra; xuất khẩu tiếp tục tăng cao (25,8%); thu ngân sách được đảm bảo; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện…

Ngày 3-12, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khoá 15, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của TP trong năm 2019.

Theo đó, kinh tế-xã hội của Thủ đô năm 2019 đạt kết quả toàn diện. Các chỉ tiêu cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 264.710 tỷ đồng, đạt 100,6% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ; Chi ngân sách địa phương ước 83.729 tỷ đồng, đạt 82,9% dự toán đầu năm.

Xuất khẩu duy trì tăng trưởng cao, nhập khẩu được kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 25,8% (cùng kỳ tăng 18,83%), trong đó, điểm sáng là đã mở rộng được thị trường xuất khẩu, mặc dù chưa nhiều nhưng Hà Nội đã có sản phẩm xuất sang châu Phi; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 31,5 tỷ USD, tăng 1,77% (cùng kỳ tăng 7,47%).

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn năm trước; các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển. GRDP ước tăng 7,46% (năm 2018 tăng 7,12%), trong đó: Dịch vụ tăng 6,8% (năm 2018 tăng 6,89%); Công nghiệp-Xây dựng tăng 9,16% (năm 2018 tăng 8,34%), riêng công nghiệp tăng 8,13% (năm 2018 tăng 7,73%) và xây dựng tăng 11,68% (năm 2018 tăng 9,87%)…

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: tăng ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng (86,89%), giảm ngành nông nghiệp (còn 1,8%). GRDP/người ước đạt 127,6 triệu đồng - vượt kế hoạch đề ra.

Năm 2019, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, trong đó, tập trung chỉ đạo, đôn đốc hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn; đồng thời rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai. Tuyên truyền và triển khai thực hiện các chính sách của TP về cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty... xếp hạng Chỉ số PCI năm 2018 tăng 4 bậc, xếp thứ 9/63, hoàn thành sớm hơn 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ.

kinh te xa hoi thu do dat ket qua toan dien
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Thế Hùng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô trong năm 2019 (ảnh: C.T)

Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 8,05 tỷ USD-cao nhất sau 30 năm mở cửa và hội nhập và là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước. Trong đó, 800 dự án cấp mới, vốn 1,5 tỷ USD; 165 lượt dự án tăng vốn, vốn tăng 1,1 tỷ USD; 1.100 lượt góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam, tổng giá trị 5,45 tỷ USD. Lũy kế tổng số vốn đạt 42 tỷ USD với 5.300 dự án còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo diện tích đạt 86%. Hoàn thành nhiều khu đô thị hiện đại, chỉnh trang đô thị, môi trường, cây xanh được quan tâm (dự kiến trồng mới 1,6 triệu cây xanh, hoàn thành vượt chỉ tiêu Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh), tạo diện mạo mới cho Thủ đô. Nhiều dự án cảo tạo môi trường được triển khai. Tiến độ xây dựng nông thôn mới khá nhanh, đời sống người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại và hạn chế: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2-2019 đến nay, mặc dù có xu hướng chậm lại từ đầu tháng 9-2019 nhưng diễn biến vẫn phức tạp; đàn lợn giảm 33,4% tổng đàn so với cùng kỳ.

Chỉ số PAPI năm 2018 tăng 2 bậc nhưng vẫn trong nhóm thấp nhất cả nước, trong đó có chỉ số thành phần mới được đưa vào xác định trong năm 2018 (Quản trị môi trường, Quản trị điện tử) đạt điểm sổ rất thấp.

Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo có chuyển biến tích cực song vẫn còn thấp; tỷ lệ giao đất dịch vụ, tỷ lệ giải ngân XDCB chưa đạt yêu cầu. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm, ảnh hưởng tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đáp ứng tiến độ đề ra.

Quản lý vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn hạn chế, nhất là ở các làng nghề. Ô nhiễm không khí quan trắc được tại các trạm không quan trắc tự động cho thấy chất lượng không khí suy giảm mạnh trong thời gian chuyển mùa; Xảy ra ô nhiễm nguồn nước Sông Đà gây ảnh hưởng sinh hoạt và đời sông của một sô khu vực dân cư…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan là do quy trình thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng theo các Luật mới có nhiều thay đổi làm kéo dài thời gian thẩm định và ảnh hưởng tiến độ của dự án; di dân cơ học lớn tạo ra áp lực lên toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhất là khu vực nội thành; Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường. Ngoài ra, quy mô, khối lượng, tính chất phức tạp của những công việc hàng ngày phải giải quyết càng lớn, với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn chế...

Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do giải quyết công việc thiếu tập trung, thiếu sáng tạo, chưa thực sự quyết liệt ở một số đơn vị. Năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức kỷ luật có chuyển biến song chưa đồng bộ. Chủ đầu tư một số dự án còn thiếu chủ động, thiếu tính chuyên nghiệp.

Sự phối hợp giữa ngành với ngành, giữa ngành với cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc, lĩnh vực được phân công, phân cấp, ủy quyền còn bị động, thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa đạt hiệu quả cần thiết; sự đồng thuận cơ bản tốt song vẫn tồn tại các bộ phận nhỏ gây cản trở, khó khăn trong thực thi chính sách, pháp luật.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động