Khơi dậy tiềm năng du lịch làng nghề Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghệ nhân Phạm Anh Đức chia sẻ: “Khách du lịch trong và ngoài nước đến không chỉ xem, hay mua sản phẩm mà họ đặt các đơn hàng sản phẩm mang mẫu mã, kỹ thuật họ yêu cầu”. Ảnh: Hải Anh |
Biến di sản, văn hóa, sản phẩm làng nghề thành tài sản
Với vùng ngoại thành rộng lớn, Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hiện TP có hai sản phẩm OCOP du lịch nông thôn là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ngoài ra, UBND TP cũng đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, đó là: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng, huyện Gia Lâm; điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, huyện Thường Tín; điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ, huyện Thanh Trì; điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.
PGS, TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: Việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, làng nghề, văn hóa, lợi thế về nông nghiệp tại khu vực ngoại thành Hà Nội để phát triển du lịch đã được ngành Du lịch, ngành Nông nghiệp và các địa phương quan tâm. Việc biến di sản, văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp thành tài sản, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ nhu cầu của đông đảo các du khách trong nước và quốc tế bước đầu đã có những chuyển biến. Hà Nội đã có những địa bàn cộng đồng tích cực tham gia vào hoạt động du lịch như: Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Khu Di tích Hương Sơn (chùa Hương, huyện Mỹ Đức), Làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), Điểm du lịch Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng)...
Khách du lịch không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế cho làng nghề mà đem một làm văn hóa mới cho làng nghề. Nghệ nhân Phạm Anh Đức, làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm chia sẻ: Khách du lịch trong và ngoài nước đến không chỉ xem, hay mua sản phẩm mà họ đặt các đơn hàng sản phẩm mang mẫu mã, kỹ thuật họ yêu cầu. Từ đó chúng tôi có thêm một dòng sản phẩm mới từ chính yêu cần của khách.
Như người Nhật đặt rất nhiều các con giống, vật linh thú từ Bát Tràng, sau nay có thể cũng là dòng sản phẩm được lai cách mang hồn cốt người Việt và bán trên thị trường được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều làng nghề lâu đời khác như mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), phường rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)... đều là những nơi có tiềm năng lớn trong việc phát triển trở thành điểm du lịch, có thể gắn kết với các sản phẩm du lịch khác để phát triển bền vững.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu làng nghề tò he truyền thống thôn Xuân La xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên nói về nghề truyển thống tò he hiện nay: Hiện nay cơ sở đào tạo nghề không chỉ để phát triển lưu giữ nghề trong làng, trong nước mà hiện nay rất nhiều bạn trẻ có ý định xuất khẩu, đi lao động ở nước ngoài trước khi đi hoặc đã đi về nghỉ đến tham gia học nghề tò he để mang nghề sang nước ngoài làm. Các bạn mang nghề và mua luôn vật tư vật liệu sang đó làm. Vì đây là nghề rất đơn giản về kỹ thuật cũng như không cồng kềnh về vận chuyển nhiên liệu mà thi trường nước ngoài rất thích thú trước nhũng nhân vật thần tượng của giới trẻ được chính bàn tay người thợ làm cho họ.
Cần thay đổi từ nhận thức
Theo bà Đặng Hương Giang, GĐ Sở Du lịch Hà Nội, với mục tiêu đề ra trong năm nay Hà Nội đón khoảng 22 triệu lượt khách (tăng 17,6% so với năm 2022), trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế (tăng 100% so với năm 2022), thì ngành Du lịch Thủ đô cần phải có chiến lược bài bản, sự chung tay, hợp lực của các đơn vị, DN.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, xác định để phát triển du lịch cộng đồng đang là lợi thế để phát triển một cách bền vững, trước hết cần phải thay đổi nhận thức, trang bị kỹ năng làm du lịch, bởi chính họ là chủ thể của loại hình du lịch này; thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp cùng các địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ để cộng đồng cư dân có thể tham gia vào chuỗi kinh tế du lịch. Người dân được nâng cao nhận thức, trang bị thêm kỹ năng đón tiếp khách, xây dựng sản phẩm…
Trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2023 do Sở NN & PTNT Hà Nội tổ chức. Hội thi nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Hội thi sản phẩm làng nghề TP là một sân chơi cho các tác giả giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để hoàn thiện thêm sản phẩm, biết kể những câu chuyện về sản phẩm của mình và phát triển thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu sang nước ngoài.
Các sản phẩm tham gia thuộc 5 nhóm ngành hàng: Mây, tre, lá; sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ; gốm sứ, thuỷ tinh; dệt, may, thêu, đan móc và các nhóm khác như: Sừng, trai ốc, trạm khắc đá… Yêu cầu là sản phẩm mới do chính tác giả hoặc nhóm tác giả sáng tác và tạo mẫu, không sao chép và chưa đạt giải tại các hội thi khác.
Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội đã đẩy mạnh tổ chức các chương trình kết nối giữa DN lữ hành với các đơn vị quản lý nhà nước, các đơn vị quản lý điểm đến tại các địa phương; tích cực phối hợp với các hiệp hội, câu lạc bộ du lịch để triển khai các chương trình phát triển du lịch theo các nhóm việc, chủ đề cụ thể, nâng cao chất lượng điểm đến. Khắc phục một số điểm đến còn tồn tại tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quảng bá trực tuyến, hỗ trợ khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại